Aa

Chính phủ yêu cầu kịp thời tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Thứ Tư, 02/10/2024 - 07:00

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 445/TB-VPCP ngày 1/10/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong đó, đáng chú ý là những chỉ đạo liên quan đến việc nhanh chóng đưa ra chương trình, phương án hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau bão; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Chương trình tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người dân chịu thiệt hại do bão lũ

Theo đó, Thường trực Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao vai trò và đóng góp của các ngân hàng thương mại cổ phần trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế hồi phục và phát triển. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế liên quan đến nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng; sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp; thị trường bất động sản chậm phục hồi; áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung dài hạn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp; tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…

Trong bối cảnh đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Trước mắt, các ngân hàng triển khai ngay các nhiệm vụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ. Trong đó, khẩn trương rà soát, chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ theo quy định của pháp luật.

Hai là, phối hợp với UBND các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Ba là, xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong tháng 9/2024 đối với kiến nghị của các ngân hàng thương mại cổ phần tại cuộc họp về việc sửa đổi, ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Đồng thời, yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 đã đề ra; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, điều hành hợp lý, hiệu quả hạn mức tăng trưởng tín dụng minh bạch, hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng; chủ động rà soát các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách có ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vướng ở cấp nào thì tháo gỡ ngay ở cấp đó.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để kết hợp đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nghiên cứu ý kiến các đại biểu tại Hội nghị, rà soát, đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực.

Thời gian tới, các ngân hàng chú ý quán triệt và thực hiện phương châm "6 tăng", trong đó, có tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và cương quyết chống tín dụng đen, sở hữu chéo…

Cùng với đó, thực hiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, tư vấn tiêu cực; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, "sân sau" và giảm nợ xấu, theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu kịp thời tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Giao các ngân hàng thương mại cổ phần đề xuất giải pháp gỡ vướng mắc trong việc triển khai Chương trình tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Xử lý ngay những vướng mắc liên quan tín dụng nhà ở xã hội

Riêng lĩnh vực bất động sản, Thường trực Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, nhất là phân khúc nhà ở xã hội. Trong đó, cần xử lý ngay những vướng mắc, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhất là thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội.

Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần kịp thời có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại cổ phần chủ động thực hiện theo thẩm quyền và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chương trình tín dụng này.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng.

Ngoài ra, để thị trường bất động sản hồi phục đi lên theo hướng bền vững, tránh những vụ việc đấu giá ảo, bỏ cọc, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường thời gian qua, Bộ Công an chịu trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân thao túng thị trường.

Thường trực Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ, minh bạch nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải… theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho hệ thống các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao trực tiếp thường xuyên lắng nghe ý kiến góp ý xây dựng của hệ thống các tổ chức tín dụng và kịp thời xử lý vướng mắc, góp phần phát triển hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh, bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top