Aa

Kỳ 1: Đổi thay số phận con phố tối tăm giữa lòng xứ Huế

Thứ Tư, 24/03/2021 - 16:11

Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế đã mở ra một tương lai mới cho bao thân phận con người “sống bám di tích” ở Kinh thành Huế nói chung và khu phố Trần Huy Liệu nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế. Khung Chính sách đặc biệt vốn được xem là “chìa khóa vạn năng” giải tỏa những bế tắc lịch sử của dự án này, thì nay việc điều chỉnh Khung chính sách đã càng tạo điều kiện thuận lợi hơn. Đó là cơ sở để người dân sớm bàn giao mặt bằng thực hiện “cuộc di dân lịch sử” trên vùng đất cố đô và tiếp tục thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Mời bạn đọc cùng Reatimes tìm hiểu những chính sách ưu việt này và chia sẻ tâm tư, tình cảm của người dân vùng Kinh thành Huế khi rất nhiều phận đời được đổi thay.

Khu phố buồn…

Ngay tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), có một khu phố mà không phải ai cũng biết đến bởi nó “chìm” và lẩn khuất sau hai khu phố sầm uất bậc nhất TP. Khu phố với muôn vàn gia cảnh sống “treo”, chật chội, tạm bợ bên di tích Hộ Thành hào ấy là phố Trần Huy Liệu, hay thường gọi là “Bờ hồ Trần Hưng Đạo”.

Phố Trần Huy Liệu (Bờ hồ Trần Hưng Đạo) chạy men theo Hộ Thành hào của Kinh thành Huế. (Ảnh: Đình Huân)

Con đường Trần Huy Liệu dài gần 1km chạy men theo Hộ Thành hào bên chân Kinh thành Huế, nối từ đường Cửa Ngăn (cửa vào thành Nội) đến đường Phan Đăng Lưu. Trừ một đoạn đường ngắn vốn đã được chỉnh trang thông thoáng nên thơ từ nhiều năm trước, phần còn lại của phố Trần Huy Liệu, thuộc P. Phú Hòa (TP. Huế) là một khu vực dân cư với hàng trăm hộ sinh sống trong điều kiện ẩm thấp, chật chội. 

Chưa dừng lại ở đó, khu dân cư ấy còn trở nên 'tăm tối " hơn khi mật độ xây dựng ngày càng cao và bị “phủ bóng” bởi mặt sau của những ngôi nhà cao tầng thuộc đường Trần Hưng Đạo và Phan Đăng Lưu - vốn là những khu phố thương mại sầm uất nằm phía trước chợ Đông Ba.

Khu phố Trần Huy Liệu với con đường đi lại chật hẹp
Khu phố Trần Huy Liệu với con đường đi lại chật hẹp xuyên qua các ngôi nhà nhiều năm quy hoạch treo. (Ảnh: Đình Huân)

Phố Trần Huy Liệu có những hộ dân làm nhà ở từ những năm 1940, cũng có những hộ gia đình con cái lớn lên chia vách ngăn nhà lợp thêm cái nóc, tấm mái lợp, sống trên cùng thửa đất, cùng địa chỉ thành ra có những địa chỉ đến 3 - 4 thế hệ sinh sống. Ở khu phố này, các gia đình có nhiều nét tương đồng với nhau, như đều là buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động tự do; nhiều con người sinh sống trên một ngôi nhà chỉ vài chục mét vuông, phần lớn là chừng 50 - 60m2…

Những ngôi nhà ẩm thấp, chật chội, tù mù nhưng không được cơi nới, xây dựng do nằm trên hệ thống di tích Kinh thành Huế. Ngôi nhà đã chật, những người lớn tuổi qua đời cũng phải lập bàn thờ để thờ tự, những đứa trẻ lại chào đời cũng trong ngôi nhà ấy khiến người dân lắm lúc bất chấp quy định, tiếp tục xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hệ thống di tích khiến di tích Hộ Thành hào vừa bị ô nhiễm vừa bị méo mó, xâm hại.

Bởi vậy, Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế đã mở ra một tương lai mới, một bầu trời quang đãng cho bao thân phận con người “sống bám di tích” ở Kinh thành Huế nói chung và khu phố Trần Huy Liệu nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trong một lần thị sát khu vực này, cảm nhận được sự kham khổ và những nguy cơ về sức khỏe, môi trường đối với người dân.

“Tôi đi khảo sát mà thấy lo cho bà con mình quá. Rất dễ sinh bệnh. Vậy nên chúng ta làm sao để đến khu dân cư mới, có cuộc sống mới càng sớm càng tốt”, ông Thọ nói trong một cuộc đối thoại tháo gỡ những vướng mắc với người dân vùng Kinh thành Huế, trong đó có bà con phố Trần Huy Liệu gần đây.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng khẳng định, chính quyền, ban ngành từ tỉnh, thành phố về 7 phường liên quan (3 phường nội thành, 3 phường giáp ranh ngoại thành) đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ di dời, giải tỏa khu phố Trần Huy Liệu để trả lại mặt bằng phục vụ dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Nhiều thế hệ sống cùng nhau trong một ngôi nhà chật chội ở phố Trần Huy Liệu
Nhiều thế hệ sống cùng nhau trong một ngôi nhà chật chội ở phố Trần Huy Liệu. (Ảnh: Đình Huân)

“2020 là một năm vô cùng khó khăn khi 6 tháng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, 3 tháng lũ chồng lũ, bão chồng bão, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, đời sống của tỉnh chúng ta, trong đó có hệ quả ảnh hưởng đến công tác di dân, giải phóng mặt bằng. Hiện nay thời tiết đang thuận lợi nên mong bà con chúng ta đồng thuận, đồng lòng sớm thực hiện giải tỏa bàn giao mặt bằng để thực hiện thành công cuộc di dân lịch sử này”, ông Phan Ngọc Thọ nói và cho biết chưa nơi nào mà chính sách di dân, giải phóng mặt bằng lại thỏa đáng, thông thoáng như dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế.

Đặc biệt, yếu tố then chốt để thay đổi bao số phận con người và cả “số phận” di tích Kinh thành Huế chính là Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1771/TTg-CN ngày 10/12/2018 để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (gọi tắt là Khung chính sách - PV).

Đặc biệt, sau một số vướng mắc trong quá trình triển khai Khung chính sách, cuối tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 222/TTg-CN phê duyệt điều chỉnh Khung chính sách này và một lần nữa những chính sách ưu việt nhân văn chưa từng có trong các dự án di dân, giải phóng mặt bằng được áp dụng đối với bà con vùng Kinh thành Huế.

Chấm dứt những tháng ngày “sống treo”

Ông Trần Lợi, người dân ở P. Phú Hòa (TP. Huế) kể rằng, gia đình ông sống ở số 293, đường Trần Huy Liệu. Sau thời gian thoát ly tham gia cách mạng ông trở về Huế và được bố trí sống ở đường Phan Đăng Lưu. Gia đình ông Lợi có đến 11 anh chị em và hiện nay đều đã có nhà riêng. Chỉ có hai người em ông Lợi hiện vẫn sống trong ngôi nhà của bố mẹ để lại ở số nhà 293 đường Trần Huy Liệu là ông Trần Thuận và bà Trần Thị Nhẫn.

Một ngôi nhà nhỏ ở phố Trần Huy Liệu
Một ngôi nhà nhỏ ở phố Trần Huy Liệu. (Ảnh: Đình Huân)

Bà Nhẫn ly dị chồng, có hai con nhưng đã mất. Trong ngôi nhà của anh em ông Lợi hiện thờ tự bố mẹ đẻ, hai con của bà Nhẫn. Nay, Nhà nước giải tỏa để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích Kinh thành Huế, ông Thuận và bà Nhẫn không biết về đâu. Những thắc mắc, lo lắng của ông Lợi cho hai người em của mình cũng như việc thờ tự bố mẹ được ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP. Huế - đơn vị chủ trì thực hiện công tác đại dự án di dân Kinh thành Huế - giải đáp thỏa đáng. Cụ thể, ngôi nhà anh chị em ông Lợi có diện tích 42,9m2 sẽ phải giải tỏa.

Theo Khung chính sách điều chỉnh thì Nhà nước sẽ bố trí một lô đất cho các đồng thừa kế (tất cả anh chị em ruột ông Lợi) để đảm bảo việc thờ tự. Cùng với đó, Nhà nước cũng bố trí thêm một lô đất khác cho “hộ phụ” sống trên cùng địa chỉ là ông Trần Thuận. Như vậy, anh chị em ông Lợi có hai lô đất, mỗi lô đất có diện tích khoảng 60 - 70m2 được bố trí tại khu dân cư mới P. Hương Sơ, phía Bắc TP. Huế.

“Nếu gia đình tự nguyện dỡ nhà, bàn giao mặt bằng sớm sẽ được quyền ưu tiên chọn vị trí đất”, ông Tuấn thông tin thêm khiến anh em ông Lợi như không có niềm vui nào vui hơn. 

Hay một trường hợp khác là gia đình bà Hồ Thị Phương Thảo ở đường Trần Huy Liệu, P. Phú Hòa. Khi thực hiện dự án di dân, giải phóng mặt bằng tu bổ, tôn tạo di tích Kinh thành Huế, gia đình bà Thảo cũng tỏ ra lo lắng. Bà Thảo vốn là mẹ đơn thân có một cô con gái sống trên ngôi nhà do bố mẹ đẻ để lại (nay đã qua đời). Bà Thảo có người anh trai (đã mất, còn vợ con) cũng có gia đình ở cùng địa chỉ (có nóc nhà riêng).

Con gái bà Thảo lớn lên lấy chồng có gia đình riêng và cũng trú cùng địa chỉ với mẹ ruột, mợ (vợ cậu). Hiện nay khu nhà diện tích 67m2 phải giải tỏa và mẹ con bà Thảo không biết việc bố trí, hỗ trợ để tái định cư như thế nào. Dẫn Khung chính sách vừa được điều chỉnh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có 3 lô đất được bố trí cho gia đình bà Thảo, vợ chồng con gái bà Thảo và gia đình anh trai bà Thảo. Trong đó một lô cho các “đồng thừa kế” người tạo lập đã qua đời, “hộ phụ” cho gia đình con gái bà Thảo và một lô cho gia đình anh trai bà Thảo có nóc nhà riêng sống cùng địa chỉ.

Tình trạng lấn chiếm, xả thải xâm hại và làm ô nhiễm môi trường di tích Hộ Thành hào của Kinh thành Huế
Tình trạng lấn chiếm, xả thải xâm hại và làm ô nhiễm môi trường di tích Hộ Thành hào của Kinh thành Huế. (Ảnh: Đình Huân)

“Như vậy, trường hợp này được bố trí 3 lô đất với tổng diện tích 200 - 230m2, vượt hơn 4 lần so với diện tích đất thu hồi”, ông Tuấn nói. Những giải thích từ lãnh đạo TP. Huế hay Trung tâm Quỹ đất TP. Huế đã là nức lòng gia đình bà Thảo và cả những người dân có hoàn cảnh tương tự.

“Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Bà con cũng đã cảm nhận được những chính sách ưu ái, thỏa đáng mà Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh đã dành cho mình. Hiện chúng tôi chỉ chờ nhận tiền, thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn, bốc lô đất ở khu vực Hương Sơ để xây dựng nhà, bắt đầu cuộc sống mới, với trang sử mới”, chủ nhân ngôi nhà số 5 đường Trần Huy Liệu bộc bạch.

UBND TP. Huế cho hay, để đảm bảo cuộc sống mới cho bà con di dân khỏi Kinh thành Huế, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế làm chủ đầu tư 8 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu vực P. Hương Sơ, phía Bắc TP. Huế. Tổng mức đầu tư cho các dự án này là 835 tỷ đồng, quy mô khoảng 2.783 lô đất. Hiện nay khu vực 1, 2 đã hoàn thành bàn giao đưa và người dân đã xây nhà ở tương đối ổn định; khu vực 3, 4 đạt 83% khối lượng hợp đồng, dự kiến đến 30/3/2021 hoàn thành công trình; khu vực 5, 6, 7, 8 đạt từ 25 - 45% khối lượng hợp đồng, dự kiến 30/5 hoàn thành công trình. Tổng số lô đất tái định cư đã hoàn thành là 1.357 lô; đã bố trí 1.052 lô, còn lại 305 lô.

Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Người dân lẫn quân nhân đều hưởng lợi

Những bế tắc về chính sách, pháp lý, dân sinh không được khơi thông thì các thế hệ “sống bám” di tích Kinh thành Huế tiếp tục chào đời, cơi nới, lấn chiếm khiến hệ lụy càng kéo thêm hệ lụy... 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top