Lời tòa soạn:
Trong tâm tưởng của không ít người, TP. Huế, mà cụ thể hơn là Thừa Thiên - Huế, từng được mặc định là một vùng đất “êm đềm”. “Êm đềm” làm nên một phần giá trị, hồn cốt của Huế, nhưng tính từ này, lắm lúc làm cho Huế bị nhìn dưới góc độ kinh tế như một vùng đất chậm phát triển và thiếu năng động.
Giờ đây mọi thứ đã khác. Huế đã và đang thức dậy! Các giá trị đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ, quyết liệt và khôn ngoan… Không ít người sau nhiều năm trở lại Huế đã phải ngạc nhiên về một xứ sở rất khác xưa. Huế không chỉ bảo tồn được những giá trị di sản của cha ông mà còn hướng đến những cực phát triển mới, hiện đại và năng động.
Gắn “Huế Xưa” với “Huế Mới”
Huế được biết là một đô thị di sản độc đáo, hiếm có của Việt Nam. Cố đô Huế đến nay đã có 7 di sản thế giới được tổ chức UNESCO công nhận, gồm 5 di sản thuộc triều đại nhà Nguyễn, với 3 loại hình di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới).
Rõ ràng Huế đã và đang phải gánh nặng trọng trách vừa bảo tồn, vừa rất cần phát triển. Trong một cuộc hội thảo về bất động sản tại TP. Huế mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đã đến lúc phải giải bài toán bảo tồn và phát triển, nhất là phát triển bất động sản gắn với bảo tồn đô thị di sản Huế một cách thật căn cơ để tạo thế phát triển mới cho Thừa Thiên - Huế theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
Theo ông Hoa, đô thị di sản với mật độ các công trình kiến trúc và danh thắng chiếm hầu hết các vị trí đắc địa, đã không còn chỗ cho các ý tưởng đầu tư bất động sản trong lòng một TP. Huế nhỏ nhoi, quy mô chỉ 70,99km2. Trong điều kiện ấy, để bảo tồn không trở thành lực cản hạn chế sự phát triển, phát triển không phá vỡ di sản cần bảo tồn thì tỉnh cần xác định các trục không gian phát triển đô thị mới, hình thành bản đồ phát triển bất động sản, tập trung hình thành các dự án kêu gọi đầu tư phát triển bất động sản với quy mô lớn. Đồng thời, phải xác định rõ khu vực không gian bảo tồn, phục hồi và chỉnh trang cải tạo các công trình kiến trúc, chỉnh trang cảnh quan, xác định rõ nơi nào không khuyến khích đầu tư phát triển bất động sản mới…
Để thực hiện có hiệu quả các định hướng đó, cần phải xây dựng bản đồ phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế làm cơ sở để xác định các vùng và trục không gian bảo tồn kiến trúc cảnh quan, không gian khuyến khích đầu tư phát triển bất động sản.
Còn TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, một người con xứ Huế đồng thời là chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc, tác giả của nhiều công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị lớn trong và ngoài nước kiến giải: Thừa Thiên - Huế cần được phát triển đa chiều, trong đó, việc phát triển các khu đô thị mới theo hướng Đông và Đông Nam (chạy dài sang Phú Bài, về Chân Mây - Lăng Cô và nối đến Đà Nẵng, với đặc trưng kinh tế biển, logistics, và công nghệ cao) nên được xem là hướng phát triển chủ đạo trong các thập niên kế tiếp. Theo vị chuyên gia, điều đó sẽ mang lại lợi ích kinh tế xã hội cao nhất và tạo ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nhất, trong bối cảnh Thừa Thiên - Huế tất yếu sẽ cùng với Đà Nẵng trở thành cụm đô thị đôi, trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tới đây có thể kỳ vọng các khu đô thị mới phía Đông và phía Đông Nam sẽ mang bản sắc thế kỷ 21 của Thừa Thiên - Huế, là nơi an cư lạc nghiệp với môi trường đô thị đáng sống tầm cỡ quốc tế cho các thế hệ tương lai, với văn hóa tri thức cao, thu nhập cao, thể hiện tinh thần khai phá, phát triển Thừa Thiên - Huế với các bước tiến mới, kế thừa và tiếp nối các di sản quy hoạch kiến trúc của cha ông đã để lại.
Trong đó, cần lưu ý phát triển các dự án trọng điểm tiềm năng như: Khu đô thị sân bay Phú Bài (TX. Hương Thủy, giáp TP. Huế), khu đô thị cảng biển Chân Mây (H. Phú Lộc, giáp Đà Nẵng), khu vực Lăng Cô và từ Cảnh Dương chạy dài lên Thuận An để hình thành khu đô thị du lịch biển và kinh tế biển… Như vậy, bên cạnh không gian “Huế Xưa” với thành quách đền đài, sẽ có thêm không gian “Huế Mới” với các vùng đô thị mới hiện đại văn minh, nhà cao tầng, dịch vụ thương mại quốc tế, hạ tầng đường cao tốc và metro.
“Việc khuyến khích phát triển các khu đô thị mới văn minh, cao tầng, với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới, không những đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai của Thừa Thiên - Huế, mà còn giúp giảm mạnh áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu, nhờ đó sẽ gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản. Trong thời gian tới, Huế sẽ có nhiều cơ hội vừa trở nên giàu có, vừa sang trọng, tức là giàu về kinh tế, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa lịch sử từ lâu đời”, ông Ngô Viết Nam Sơn tự tin.
Cần chú trọng bất động sản xanh
Theo TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, Huế cũng có nhiều khu vực di sản khác đang cần được quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang, nâng cấp, ví dụ như khu phố cổ Bao Vinh, khu phố cổ Gia Hội - Chi Lăng, khu trung tâm hiện hữu mang dấu ấn quy hoạch kiến trúc Pháp và kiến trúc thế kỷ 20, các khu dân cư đan xen với các công trình di sản,…
Vị chuyên gia này cho rằng, các nhà đầu tư địa ốc không nên tìm cách phát triển đan xen, nâng mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử này, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây các dự án cao tầng, như tình trạng đang xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội. Thay vì như vậy, nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản, theo kinh nghiệm thu thập từ các đô thị di sản trên thế giới như Rome, Paris, Kyoto,... để vừa giữ gìn được bản sắc lịch sử, vừa góp phần tạo nên động lực phát triển kinh tế du lịch và văn hóa.
Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, trong tiến trình hiện nay của Huế, các nhà đầu tư bất động sản đóng vai trò rất quan trọng, là một trong bốn nhóm tác động quan trọng, cùng với các nhà quản lý đô thị, các đơn vị và doanh nghiệp, và người dân chung tay trong công cuộc bảo tồn và phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, với quỹ đất sạch dồi dào và những lợi thế về hạ tầng, giao thông và chính sách quy hoạch, phát triển, Huế sẽ là nơi các nhà đầu tư của thị trường bất động sản hướng đến trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Huế cần nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản, bên cạnh đó, thắt chặt công tác xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng, một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhất là tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng…
Là một đô thị di sản, để phát triển thị trường bất động sản ở Huế, theo ông Chính, cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở. Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao theo quy định của pháp luật.
Ông Chính nhấn mạnh rằng, Huế nên chú trọng phát triển các công trình bất động sản xanh; mỗi khu đất trong đô thị, tùy từng vị trí đều có những quy định về quản lý mật độ, chiều cao và kiến trúc công trình. Đối với những khu vực có công trình kiến trúc trong danh mục bảo tồn thì cần có những chính sách để vừa có thêm nguồn thu từ đất vừa làm tốt hơn công tác bảo tồn và làm gia tăng giá trị của bất động sản.
“Các chính sách phải thỏa mãn yêu cầu để các di sản vừa nâng cao chất lượng đời sống xã hội, kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, vừa là động lực phát triển kinh tế bền vững. Các công trình mới phải kế thừa, chắt lọc các tinh hoa di sản kiến trúc, tiếp nối các công trình hiện tại và mang tính biểu tượng của tương lai”, ông Chính đề xuất.
Khi chính quyền hành động
Trong vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu thấy Huế có những đổi thay và chuyển mình mạnh mẽ thật sự. Hàng loạt các dự án, công trình mang tính đột phá, chiến lược được triển khai, nhất là ở khu vực TP. Huế và vùng lân cận. Đầu tiên phải kể đến là đại dự án di dân kinh thành Huế để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khu vực 1 di tích kinh thành Huế với số người dân dự ước sẽ di dời đến 2 vạn người, hơn 4.000 hộ, kinh phí thực hiện lên hàng ngàn tỷ đồng.
Cho đến nay, dự án này đã cơ bản hoàn tất các công việc di dân, kiểm kê, bồi thường giai đoạn 1 với việc giải tỏa khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Tuyến Phòng Lộ, Hộ Thành Hào, hồ Tịnh Tâm… Cùng với đó, bộ mặt đô thị Huế đã đổi thay hoàn toàn theo hướng “xanh - sạch - sáng”. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (Koica) trong việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới đi bộ tuyến đường ven bờ nam sông Hương, chính quyền TP. Huế và tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng đã nỗ lực tạo ra những không gian sinh hoạt, trải nghiệm hết sức lý thú và tiện ích cho nhân dân, du khách. Đó là hình thành tuyến đường đi bộ, các điểm thư giãn, vui chơi, thể thao đôi bờ sông Hương, trong đó có tuyến đi bộ từ chợ Đông Ba lên đến chùa Thiên Mụ.
Một dự án lớn khác là tuyến đường Nguyễn Hoàng cùng với cầu vượt sông Hương nối từ đường Nguyễn Hoàng sang bờ Nam sông Hương kết nối với những tuyến đường vành đai của TP. Huế cũng đã được HĐND tỉnh thông qua với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng. Mới đây, sự quyết liệt càng rõ nét hơn đối với sự hành động có tính đột phá của chính quyền Thừa Thiên - Huế trong chủ trương di dời khu nghĩa trang núi Ngự Bình, một công trình vốn tồn tại bao đời, để biến địa danh này thành công viên văn hóa, cảnh quan…
Điểm qua như vậy để thấy Huế chuyển biến rõ nét, đặc biệt đang định hình theo hướng mà tỉnh đã xây dựng, Trung ương thông qua, chỉ đạo, nhất là Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng đến năm 2025, Huế sẽ trở thành thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Theo danh mục đô thị thực hiện phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2021, dự kiến tỉnh Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo phân loại dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, TP. Huế mở rộng là đô thị loại I; Đô thị Phong Điền (H. Phong Điền dự kiến thành lập thị xã) là đô thị loại IV; các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng của H. Phú Lộc; Thanh Hà, H. Quảng Điền; Phú Mỹ, H. Phú Vang đạt loại V...
Hồi cuối năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã hoàn tất đề án mở rộng TP. Huế gấp 5 lần hiện tại, với tổng diện tích khoảng 348,54km2, mở rộng địa giới hành chính, chuyển 13 xã, phường thuộc các huyện, thị xã sáp nhập TP. Huế, sau đó điều chỉnh toàn TP. Huế dự kiến có 36 xã, phường.