Người ta, trong suốt chặng đường nhọc nhằn của cuộc đời, suy cho cùng là những cuộc ra đi - trở về trong chờ đợi. Nếu con người không còn gì để chờ đợi thì sẽ ra sao nhỉ? Thì sẽ không còn khát vọng, mất hết ý nghĩa… và khi đó sẽ kết thúc. Cuộc sống vô cùng thú vị và hào phóng đã ban tặng cho chúng ta sự chờ đợi.
Ngày nhỏ thấp thỏm mong mẹ đi chợ về, Tết đến chờ mẹ mua quần áo mới, đến lớp chờ cô giáo chấm điểm bài thi... Rồi cùng với thời gian, những mong chờ thấp thỏm cứ chen dầy ngày tháng: Một buổi hẹn hò với người yêu, một tờ giấy báo điểm thi đại học, một lần tăng lương, lên chức tước. Và mọi sự lặp lại, liên tiếp chồng chất niềm vui, nỗi buồn.
Cuộc sống là thế, chờ đợi như một tất yếu sinh ra, một thuộc tính người. Đau đớn, vật vã, vò đầu bứt tai khốn khổ vì chờ, nhưng khi sự chờ đã được thỏa mãn, thì bù lại là trạng thái phơi phới lạc quan, sung sướng tột cùng. Ấy là sự chờ đợi đương nhiên, chờ đợi như nó phải đến, phải xảy ra chứ không thể khác, sự chờ đợi này cũng như cơm ăn nước uống, đó là cách để con người nương nhờ, tồn tại và hoàn thiện.
Nhưng lẽ đời khắc nghiệt, rắc rối, đâu chỉ tồn tại sự chờ đợi tự nhiên hợp lý và chỉ xảy ra trong quan hệ tình cảm, khát vọng riêng. Hiện thực cuộc sống "giông bão" quay cuồng đã sinh ra ngổn ngang những đợi chờ vô lý trái ngang. Nó không chỉ dừng lại ở chuyện gây đau đớn mất mát cho một số người mà còn làm hại nhiều người, đến cả những tập thể, nhiều khi còn là lợi ích quốc gia dân tộc.
Có người bảo: “Chuyện chờ, chuyện đợi là lẽ bình thường có gì mà lớn tiếng, tới cả quốc gia dân tộc?”. Ấy thế mới lạ, mới kỳ khôi mà người không trải qua, không có điều kiện chứng kiến ắt khó lòng chấp nhận.
Ví như đất nước đang ở thời kỳ phát triển. Ở đâu, lĩnh vực nào cũng cần vốn, cần chất xám, kỹ thuật… để tăng trưởng kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng hợp tác cùng có lợi. Thế nhưng cũng không ít nhà đầu tư do phải chật vật phiền hà với quá nhiều cửa ải thủ tục giấy tờ, phải chờ “dài cổ” vẫn chưa được cấp giấy phép và lặng lẽ bỏ đi.
Hoặc người có giấy phép nhưng mất hết nhiệt tình, hăng hái vì phải trải qua thời gian mòn mỏi đợi. Cũng như vậy, nhiều nhà đầu tư trong nước về các vùng nông thôn hoặc miền núi tìm dự án đầu tư. Khi chưa ký được hợp đồng, họ đưa ra đủ các loại lời hẹn hò có "cánh". Đến khi dự án thông qua, họ triển khai phải phép rồi bỏ đấy. Nhân dân địa phương (nhất là các công trình thủy điện, giao thông, trường học) cứ “nghển cổ” chờ hết tháng này năm khác mà công trình cứ mưa nắng trơ ra tịnh không biến chuyển gì? Chuyện chờ đợi trong đầu tư kinh tế là chuyện không lạ, từng gây nên thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.
Còn chuyện con người cụ thể mới thật nực cười: Ai đời, người sống bị báo tử nhầm, con người sự việc, giấy tờ, bằng chứng rành rành mà nạn nhân vẫn phải bằm dập ngược xuôi chờ cả năm, có khi mấy năm sau mới có được cái giấy hợp pháp công nhận là... “người còn sống”.
Và có biết bao oan khuất giữa đường đời, khi được “đèn trời soi xét”, mà có được bằng chứng hợp lệ “giải oan”, nạn nhân vẫn cứ là phải chờ hàng năm làm thủ tục. Thế nên dân gian mới có câu “chờ được vạ thì má đã sưng”, thà rằng bỏ quách đi cho rồi, chờ với đợi, càng khổ thân.
Lại nghe, trong tổng số hàng vạn đơn từ khiếu nại tố cáo của dân hiện nay có tới bẩy mươi phần trăm khiếu nại tố cáo về đất đai. Có những khiếu nại tố cáo gửi đi gửi lại hàng trăm lần. Đơn từ càng chồng chất. Người dân cứ mỏi cổ chờ. Chờ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, nhưng không được giải quyết triệt để. Dân lại phải tiếp tục kêu oan.
Sự chờ đợi như thế rồi có lúc sẽ làm con người nổi nóng, tuyệt vọng, cùng đường. Tuyệt vọng rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Tuyệt vọng rất có thể dẫn đến đối đầu...
Chuyện chờ đợi là vậy, nhưng đáng ra cũng không phải dài dòng, lôi thôi đến thế. Vì cái gì đáng làm, cần làm thì làm ngay: Nhanh gọn, chính xác, hợp lý. Cái gì không đáng, không đúng thì thôi, chấm hết cũng nhanh gọn, chính xác, công khai, minh bạch rõ ràng. Đằng này cứ dây dưa, cứ bắt người ta phải chờ đợi thì vô lý, thậm vô lý.
Những chuyện chờ đợi như thế này vẫn cứ tiếp tục diễn ra mà trách nhiệm, lương tâm của những người phải giải quyết vẫn không bị dày vò, cấu xé thì cũng là chuyện lạ kỳ...