Aa

Nói…

Thứ Năm, 02/04/2020 - 06:30

Cuộc sống là thế, nói còn hơn không. Các cụ bảo mưa dầm thấm lâu, nước chảy đá phải mòn. Chứ chả lẽ lại mặc nhiên đứng coi sự thật thua cuộc…

Một giáo sư, lớn tuổi, khả kính, trong câu chuyện về nhân tình thế thái, phàn nàn: "Thời buổi cái gì người ta cũng nói lấy được. Nói như khuôn sáo. Nói rồi để đấy. Nói rồi không biết mình nói gì. Nói cho thỏa mãn cái thích, cái sướng của mình mà bất cần thật giả, đúng sai"... 

Người ta nói có ý đồ mục đích leo cao tiến xa… Lại cũng có loại nói để trở thành giàu có, tỷ phú. Nói mà bị vào tù ra tội đã đành mà thăng quan tiến chức cũng do nói, danh nổi như cồn cũng do nói mà ra. Kinh Thánh: "Khởi đầu là lời". Nhưng một xã hội chỉ nói giỏi mà thành thì tai hại khôn lường. Nó không có thực mà vàng thau lẫn lộn, trống rỗng, vô cảm. 

Nhà văn trung niên hầu chuyện giáo sư thở dài, rồi đột nhiên hỏi lại: "Thế sao thầy không lên tiếng? Không thể biết hết mọi chuyện nhưng những chuyện trong nghề viết lách, ý kiến của thầy luôn được đồng nghiệp đón nhận, thậm chí coi như mẫu mực, vậy mà lâu không thấy thầy viết bài hay diễn thuyết công khai, sao vậy thưa thầy?". 

Giáo sư trầm ngâm đôi chút rồi trả lời: "Người ta sợ nói thật, không nghe lời nói thật. Một xã hội không được nói thật, không dám nói thật thì nó sẽ đi đến đâu? Khổng Tử nói, đại khái, khi kẻ phàm phu vênh vang dương oai diễu võ đầy đường, thì người quân tử tốt nhất là lặng im, đóng cửa ở nhà. Bước ra đường không đề phòng, có ngày sứt đầu bêu trán".

Nghe qua câu chuyện của thầy trò giáo sư thì thấy nhiều điều ngẫm nghĩ. Xem ra, cách ứng xử thế thời của người có chữ quả là khôn ngoan. Trông ra, ở đâu người ta cũng thấy đầy tai, thừa mứa những lời nói dối, hứa suông, nói vong mạng, nói sai sự thật, nói để tâng công đổ lỗi, nói cốt để đạt mục đích ích kỷ vụ lợi… đấy là gì.

Tranh minh họa.                                                                                              Nguồn: Internet

Trong nghề của những người có chữ, chuyện nói đi nói lại, ai nói cứ nói, ai làm cứ làm, đã trầm luân dâu bể, như một căn bệnh kinh niên. Ví như chuyện dạy văn, học văn trong nhà trường, chuyện thi cử, chuyện làm luận văn cao học, tiến sĩ… Có lẽ không ở đâu, vấn đề giáo dục xuống cấp, lại được nói tới nhiều như hiện nay. Nhưng góp ý phê bình mãi mà chứng nào vẫn tật ấy, không hề có dấu hiệu chất lượng nâng cao; vẫn là cách dạy và học cũ; đào tạo cao học, tiến sĩ vẫn nhất nhất như xưa, chất lượng bằng cấp kiên trì trước sau như một… Nói mãi rồi cũng thế, nước trôi bèo trôi, nói nhiều có khi vạ miệng…

Bảo rằng ngậm miệng cho qua là khôn ngoan, quân tử, e cũng là lựa thế lựa thời. Vì nó chỉ tạo thêm cơ hội cho cuộc sống nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Người chân chính làm ngơ thì sự thật bị đánh bại, nguy cơ càng khôn lường. Thành ra biết mà không nói cũng chỉ là kiểu chơi... khôn lỏi. Nhưng nói mãi mà mọi chuyện vẫn cứ thế thì cũng sinh mỏi mệt, chán nản. 

Nhưng cuộc sống là vậy, nói còn hơn không. Các cụ bảo mưa dầm thấm lâu, nước chảy đá phải mòn. Chứ chẳng lẽ lại mặc nhiên đứng coi sự thật thua cuộc…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top