Tôi là người hay quan sát đời sống xã hội. Vì thế tôi luôn tò mò những chuyện lặt vặt mỗi khi ra nước ngoài, để xem họ và ta có gì giống và khác nhau.
Chẳng hạn, trong chuyến đi Thái Lan, tôi phát hiện ra rằng, có một thứ gì đó chung cho cả Đông Nam Á. Từ thói quen ăn ở, suy nghĩ, đến chuyện mặc cả khi mua hàng, cứ na ná nhau.
Thái Lan cũng có chuyện tài xế bắt chẹt khách, nếu thấy khách gà mờ. Nếu đi taxi chính hãng, có đồng hồ gắn trên xe, thì giá chỉ vào khoảng 6.000 đồng Việt Nam một kilometre, không phân biệt chạy ngắn hay dài, trong khi đi xe dù thì khách có thể phải trả gấp đôi tùy năng lực ngôn ngữ để mặc cả. Đường giao thông Thái Lan chắc chắn nhỉnh hơn của Việt Nam nhưng cảnh tắc đường trong nội đô thì cũng chả kém cạnh gì ta.
Thế nhưng, lạ một điều là đi trên các đường phố Bangkok náo nhiệt và nhiều chỗ chỉ có thể gọi là xô bồ, với những vỉa hè chưa hết cảm giác nhếch nhác, với cảnh hàng quán dầy đặc bịt cả lối đi và cũng lộn xộn chuyện bán hàng rong… lại cứ thấy có một cái gì đó vẫn khác xa khi đi trên những đường phố, khu chợ, nơi tụ họp đông người ở ta.
Một cái gì mà chúng ta có lẽ còn lâu mới đạt tới. Nó rất khó gọi tên, khó nhận diện nhưng hiện hữu ở bất cứ ngóc ngách nào.
Cảm giác này cũng đến với tôi khi tham gia giao thông với đủ loại phương tiện, hoặc dạo bộ tại Pattaya, thành phố du lịch nổi tiếng nhưng độ thơ mộng thua xa Vũng Tầu với muôn vàn loại dịch vụ mà ở ta bị xem là nhạy cảm, đồng thời là môi trường của tranh cướp, xã hội đen, chèn ép khách… Nhưng tịnh không có chuyện gì mắc mớ nhau. Người bán giầy cứ quảng cáo giầy, ngay bên cạnh mấy cô gái hở hang, cả Thái và Tây, uốn éo mời khách mua dâm, trong khi đó ngay bên kia đường là quán thịt dê nổi tiếng…
Khi ngồi ăn tối trong một nhà hàng ven biển ở Pattaya, tôi đã nói ra quan sát cũng như suy nghĩ này với các bạn cùng chuyến du lịch, thì hóa ra tất cả chúng tôi đều có chung cảm giác ấy. Một thứ êm đềm chảy ngầm bên dưới, đủ bền vững để giữ cho các mối quan hệ xô bồ bên trên luôn trong một trật tự hài hòa? Phải chăng phép mầu kỳ diệu chính là ở chỗ người dân Thái Lan ứng xử với nhau trên tinh thần nhường nhịn, từ tâm, tôn trọng khác biệt?
Về sự nhường nhịn thì người Thái có lẽ vào hàng vô địch. Nghĩa là có một sự trưởng thành rất lớn về văn hóa, trong một môi trường tôn trọng sự khác biệt, đề cao tính tự quản dân sự và với một hệ thống pháp luật tương đối minh bạch.
Đó chính là bài thuốc cho nạn ùn tắc, tai nạn giao thông ở Việt Nam chứ cần gì phải tìm ở đâu. Và còn hơn thế khi chúng ta sẽ phải ngạc nhiên và thèm muốn về sự bình yên mà người Thái có được. Tất cả những yếu tố đó hình thành nên một tinh thần Thái Lan hồn hậu, tự tôn và thanh bình.
Nghĩ xa nghĩ gần, tự dưng thấy thương hại cho một số đồng bào mình luôn chỉ mơ kiếm thật nhiều tiền, bằng đủ mọi cách, từ chụp giật, ăn chặn, tham nhũng, vơ vét kho lẫm quốc gia… để mua hộ chiếu chẳng hạn, tức là mong mua lấy cho riêng mình một nơi chốn bình yên, thây kệ thiên hạ ra sao thì ra.
Những người đáng thương đó không biết là họ đang vô cùng ảo tưởng. Bởi vì sẽ chẳng thể có được điều đó khi sự thanh bình không ngự trị trong tâm hồn mỗi con người. Đó là thứ thanh bình không thể chỉ dùng tiền mà tạo ra, hay cố mà mua lấy cho kỳ được.