Đã gần 15 năm, tôi mới lại có cơ hội đến thăm Quy Nhơn. Lần này nghỉ lại những ba ngày, nên tôi có dịp ngắm và khám phá Quy Nhơn kỹ hơn. Khỏi phải nói về địa thế một bên biển, một bên núi, khiến Quy Nhơn đẹp và độc đáo, với bãi cát vàng, mịn chạy dài thành hình vòng cung hàng mấy cây số.
Nghe nói biển Địa Trung Hải đẹp vào loại nhất thế giới, nhưng khi tôi hỏi ông thầy gần cả đời sống ở châu Âu, thì ông đáp: "Có nằm mơ cũng không đào đâu ra bãi cát như ở Nha Trang hay Quy Nhơn".
Tôi tin ngay vào lời thầy. Địa Trung Hải tôi chưa đến, nhưng Pattaya nổi tiếng của Thái Lan thì đúng là còn hơn cả nằm mơ để có bãi biển đẹp mơ màng như Quy Nhơn.
Thôi, nói mãi về vẻ đẹp của biển Việt Nam thì có mà nói cả năm không chán.
"Có nằm mơ cũng không đào đâu ra bãi cát như ở Nha Trang hay Quy Nhơn" (Ảnh; Sưu tầm)
Nhưng Quy Nhơn không chỉ đẹp vì được thiên nhiên ưu đãi. Bất cứ ngóc ngách nào, cũng dễ dàng nhận ra sự nâng niu, chăm sóc của con người. Suy nghĩ này cứ lởn vởn trong đầu tôi khi tản bộ trên vỉa hè đường phố ở Quy Nhơn. Cứ ngắm cho thật kỹ vỉa hè Quy Nhơn, sẽ thấy nhiều điều phải nghĩ… cho Hà Nội kinh thành ngàn năm văn vật.
Này nhé, những viên gạch blok thì ở đâu cũng giống nhau, nhưng sao đi trên vỉa hè Quy Nhơn cứ thấy nó phẳng, chắc và êm chân, chứ không khấp khểnh vó câu như mình vẫn cảm nhận ngày ngày mỗi khi đi bộ ra đường ở Hà Nội. Đó là chưa kể mọi thứ có thể gây nguy hiểm, đều được Quy Nhơn loại bỏ trước giúp quý khách. Còn ông bạn họa sỹ nổi tiếng Văn Sáng cùng chuyến đi thì cứ trầm trồ trước những đường viền vỉa hè bằng các thanh đá, được mài dũa nhẵn nhụi, thẳng thớm, đầu nối khít vào nhau, tạo cảm giác sạch mắt, chứ không sứt mẻ, uốn lượn, sộc xệch, lát cẩu thả cho xong… như vẫn thấy ở đâu đó hàng ngày.
Ấn tượng nhất là công viên cây xanh ven biển. Nhìn vào nhận ra ngay kinh phí dành cho việc trồng cây, mua tượng không được dồi dào. Nhưng hóa ra ít tiền vẫn có thể tạo đẳng cấp cao về thẩm mỹ. Mà chỉ đơn giản thế này: Trồng cây gì, ở vị trí nào, mật độ dày hay mỏng, đều có tính toán kĩ, ngay từ quy hoạch tổng quan chứ không “băm” ra, cốt xong gói thầu rồi mới vá víu. Thêm vào đó phải kể đến văn hóa tôn trọng môi trường của người dân. Ngoài việc chăm tỉa chu đáo, tất nhiên, của những người làm nghề ăn lương, thấy ngay ý thức làm đẹp và giữ vẻ đẹp cho không gian công cộng của mọi người ở đây là rất đáng nể.
Hình như Hà Nội cũng có đủ những gì mà Quy Nhơn đang có. Thậm chí nhiều thứ chỉ có ở Hà Nội, không thể thấy ở đâu khác, đơn giản vì Thủ đô là của cả nước. Vậy mà cảm giác về sự thiếu hụt của Hà Nội so với Quy Nhơn thì cứ rất rõ ràng?
Tôi chỉ phát hiện ra điều này khi vào buổi sáng thứ Hai, tôi quyết định di dọc con đường Nguyễn Tất Thành.
Những gì gắn với cây cối, vật kiến trúc, quy hoạch, tôi không muốn nói thêm nữa. Nhưng có thứ này thì nhất định phải nói. Đó là ở cuối con đường bốn làn xe, tôi bắt gặp một bãi cỏ rộng, rất rộng. Nhìn mặt cỏ phẳng mịn, tôi biết là nó được giữ gìn khá cẩn thận.
Công viên cây xanh ở Quy Nhơn (Ảnh: Sưu tầm)
Theo tư duy quen thuộc, tôi cố tìm hiểu xem bãi cỏ đó thành phố dùng vào việc gì. Nếu để cho trẻ đá bóng thường xuyên (điều đó nếu xảy ra cũng là bình thường) chắc chắn mặt cỏ không còn mơn mởn xanh đều như tôi đang thấy. Hình như nó tồn tại mà chẳng định cõng theo một công năng nào. Nghĩa là chỉ đơn thuần nó là bãi cỏ, chỉ đơn thuần chừa ra một khoảng trống xanh rì, như một mảng màu tự nhiên trong cả bức tranh đầy ắp đồ vật.
Với bức tranh, nếu không có mảng mầu đó, người xem sẽ tức ngực, còn đâu để trí tưởng tượng phiêu lưu? Với thành phố, đó chính là khoảnh yên bình, cân bằng lại những xô lệch trong tâm hồn con người khi va chạm với biết bao là mắc mớ đời sống. Nó là liều thuốc giải bức xúc sinh ra do ngột ngạt.
Những thành phố lớn nhỏ trên thế giới mà tôi đi qua, đều thấy những bãi cỏ “vô tích sự” như vậy. Mà họ tính toán lợi ích kinh tế còn giỏi hơn chúng ta rất nhiều!
Chỉ riêng Hà Nội là tìm mãi không thấy bãi cỏ nào? Tôi biết một tấc đất Hà Nội giờ đây còn hơn cả một tấc vàng, vì thế có thể trong tính toán của những người quy hoạch thì việc bỏ không những khoảnh đất cho cỏ mọc có gì đó lãng phí, vô lý?
Nếu điều đó là sự thực thì tôi chỉ còn có thể nói: Thật tiếc cho Hà Nội của tôi và cũng là của bạn.