Aa

Chủ đầu tư bất động sản nhập viện vì lao lực

Thứ Bảy, 25/11/2017 - 14:01

Shophouse có dấu hiệu biến tướng thành nhà ở thông thường; Bất động sản Bình Dương, Đồng Nai được hưởng lợi từ Metro; Công trình xanh phải bắt đầu từ nhận thức; Chủ đầu tư bất động sản nhập viện vì lao lực;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Shophouse có dấu hiệu biến tướng thành nhà ở thông thường

Khu nhà phố thương mại tại B4 Nam Trung Yên, Hà Nội được giới thiệu của thương hiệu Vimefulland thuộc tập đoàn Dược phẩm Vimedimex. Thoạt đầu, nhân viên bán hàng giới thiệu các shophouse có giá trên hợp đồng khoảng 12 tỷ đồng/căn 120m2. Tuy nhiên, người bán hàng cho biết, đó chỉ là giá trên hợp đồng, người mua sẽ phải trả 18 tỷ đồng tiền chênh và tổng giá trị thực tế của một căn shophouse là 30 tỷ đồng/căn.

Tương tự, dự án Shophouse Vạn Phúc (hay còn gọi là Khu nhà phố thương mại 24h) có địa điểm tại Hà Đông, Hà Nội có giá 170 triệu đồng/m2 tiền đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số khách hàng khi có ý định đầu tư mua căn hộ shophouse tỏ vẻ nghi ngại trước việc giá ghi trong hợp đồng mua bán chênh từ chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông.

Shophouse B4 Nam Trung Yên đang có tiền chênh lên tới hàng chục tỷ đồng.

Shophouse B4 Nam Trung Yên đang có tiền chênh lên tới hàng chục tỷ đồng.

Không thể phủ nhận shophouse đang chứng tỏ sức hấp dẫn khiến đa số nhà đầu tư quyết mua cho bằng được. Chẳng thế mà ngoài hai dự án trên, tại Hà Nội rất nhiều dự án shophouse khác cũng đang bán giá chênh rất cao. Cụ thể, biệt thự, liền kề một dự án tại Tây Hồ Tây cũng đang được rao bán mức giá chênh từ một đến 3 tỷ đồng mỗi căn có giá hợp đồng dao động từ 16 - 25 tỷ đồng. MonCity (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Vinhome Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội)… ra hàng đến đâu hết đến đó, chênh từ vài trăm đến tiền tỷ là điều dễ hiểu.

Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR) cho biết thực chất đây là chiêu né thuế của chủ đầu tư. Ông Quỳnh tiết lộ, chủ đầu tư trước khi công bố mở bán đã cho một số nhà đầu tư đứng tên trong hợp đồng với giá trị thực thấp, sau đó chuyển nhượng cho người mua mới nhưng đẩy giá chênh cao. Khoản chênh thường là thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ nên không ghi nhận vào giá trị tính thuế.

Xem chi tiết tại đây.

Công trình xanh phải bắt đầu từ nhận thức

Mới đây, khi chia sẻ về việc triển khai các dự án xanh, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House thừa nhận: “Chúng tôi là đơn vị muốn làm công trình xanh, nhưng đối mặt với nhiều thách thức. Ban đầu, chúng tôi cũng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, nhưng với tâm lý cứ làm rồi sẽ hiểu, chúng tôi áp dụng và tháo gỡ dần dần để triển khai.

Đơn cử như việc dùng gạch không nung, ban đầu chúng tôi dùng gạch chỉ để bám sát tiêu chí xanh từ vật liệu, sau đó, chúng tôi thấy nó không chỉ là giải pháp để xanh hóa dự án, mà còn thực sự mang lại hiệu quả về chi phí xây dựng, nên chuyển hẳn qua dùng loại gạch này”.

Các chủ đầu tư ngày càng chăm chút nhiều hơn cho không gian xanh tại dự án.

Các chủ đầu tư ngày càng chăm chút nhiều hơn cho không gian xanh tại dự án.

Theo các chuyên gia, để có được một công trình xanh cần phải bắt đầu từ quy hoạch cho đến vận hành, trong đó vận hành là quan trọng nhất, bởi nếu không biết vận hành, không phát huy được ưu điểm của công trình thì sẽ vô nghĩa.

“Tạo ra một công trình xanh chưa đủ, mà phải hướng dẫn, phải có bộ cẩm nang để người dân hiểu và sử dụng được”, ông Bách nói.

Dù gặp phải không ít rào cản, nhưng phát triển các công trình xanh cũng đang cho thấy những dấu hiệu khá tích cực. Hiện nay, xây dựng công trình xanh đang trở thành xu hướng, khi các nhận thức về sử dụng năng lượng, tài nguyên và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ngày một sâu sắc.

Theo các chuyên gia, nếu muốn phát triển công trình xanh, cần có cái nhìn chuẩn xác về lợi ích ngoài chi phí mà công trình mang lại, trong đó giá trị quảng bá được đề cao nhất. Các công trình, dự án xanh hiệu quả thế nào về mặt truyền thông, tiếp thị và bán hàng thì ai cũng trông thấy.

Cụ thể, một nghiên cứu toàn cầu mới đây của Nielsen về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho thấy, 64% đối tượng tham gia nghiên cứu từ khu vực châu Á ‐ Thái Bình Dương sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng các tính năng bền vững, cao hơn mức 50% của năm 2012.

Xem chi tiết tại đây.

Chủ đầu tư bất động sản nhập viện vì lao lực

Sáng 15/11 vừa qua, ông Hà Văn Thiện, Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Sài Gòn đã phải nhập viện vì lao lực. Bác sĩ kết luận căn bệnh lớn nhất khiến ông Thiện phải nhập viện đó là rối loạn tiền đình vì thức khuya nhiều, áp lực công việc khiến stress do căng thẳng…

Ngồi trên giường bệnh nhưng bệnh nhân này vẫn đau đáu về dự án. Ông Thiện cho biết, làm một chủ đầu tư, cái đầu tiên phải nghĩ đến là phải dùng mọi mối quan hệ tìm quỹ đất phát triển dự án. Tiếp theo là phải làm sao ra được phê duyệt quy hoạch, thi công rồi mở bán. Nói thì chỉ có vài công đoạn, nhưng để triển khai, người lãnh đạo như ông không chỉ phải chấp nhận cảnh sáng đi làm sớm, tối muộn mới về nhà mà lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa.

Với một doanh nghiệp cỡ vừa như công ty của ông Thiện đã vậy, còn các công ty lớn với hàng chục dự án thì áp lực đặt lên vai những người đứng mũi chịu sào còn lớn hơn nhiều. Những cuộc họp kéo dài hàng ngày, xuyên đêm giữa lãnh đạo và nhân viên, làm sao “có hàng để bán và bán được hàng” là việc diễn ra thường xuyên.

Bà Phạm Thị Trang, giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết, công ty bà đang phát triển một dự án lớn ở quận Thủ Đức. Dù dự án có từ năm 2015, mở bán năm 2016 nhưng vì quy mô lớn, lại chia ra làm nhiều đợt mở bán nên lãnh đạo công ty luôn phải “ăn ngủ” cùng với các cuộc họp.

Chỉ riêng câu chuyện tiến độ đã phải giao ban hàng tuần, hàng ngày, bởi tiến độ nếu triển khai chậm sẽ làm ảnh hưởng các khâu khác và khách hàng mua nhà cũng sẽ mất lòng tin vào chủ đầu tư, thậm chí nếu chậm quá so với hợp đồng mua bán, có thể phải đền tiền cho khách hàng. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng là một áp lực cực lớn bởi mọi vấn đề đều cần tiền, mà tiền thì chủ yếu trông chờ với khách hàng. 

“Tất cả là một guồng máy phức tạp phải thông suốt, bởi nếu tắc ở khâu nào, cả bộ máy sẽ đình trệ”, bà Trang nói.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản Bình Dương, Đồng Nai được hưởng lợi từ Metro

Giới nghiên cứu thị trường cho rằng, ở góc độ thị trường thì Metro sẽ tạo ra cơn sóng lớn như nó đã tạo ra cho khu Đông TP.HCM thời gian qua. Đó là các dự án sẽ phát triển bám theo tuyến Metro nhưng tại Xa lộ Hà Nội trong 3 năm qua khi tuyến Metro xây dựng. Đặc biệt, câu chuyện Metro sẽ như câu chuyện của Sân bay Quốc tế Long Thành vừa qua, dù chưa được xây dựng như thị trường bất động sản Long Thành tỉnh Đồng Nai đã rầm rộ phát triển.

Những dự án mới tại vị trí tuyến Metro số 1 đi qua ở Bình Dương bắt đầu xuất hiện.

Những dự án mới tại vị trí tuyến Metro số 1 đi qua ở Bình Dương bắt đầu xuất hiện.

Về việc tác động với thị trường rõ như thế nào đối với từng tỉnh, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản BV Land đưa ra phân tích cụ thể. Đó là việc trên thế giới, quy định thành phố vệ tinh thường cách xa trung tâm khoảng 30km, tuy nhiên đối với Bình Dương và Đồng Nai thì lại là giáp ranh với hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện.

Điều này là một lợi thế, tuy nhiên thị trường hưởng lợi thì không phải toàn bộ mà chỉ phạm vi của tuyến Metro chạy qua, nhưng đó cũng là đủ để thị trường phát triển theo hướng bền vững.

“Tại Bình Dương, từ những năm 2010 thị trường tại đây phát triển với những dự án ở trung tâm thành phố Mới, nhưng rồi quy hoạch này của tỉnh bị thất bại khi các dự án không bóng người ở và lâm vào cảnh hoang tàn. Nhưng ở khu vực giáp ranh với TP.HCM lại khác, thị trường vẫn sôi động khi mà các dự án mới liên tiếp được phát triển. Đây cũng là khu vực mà tuyến Metro chạy qua”, ông Vũ nói.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiều khách Nhật hỏi thuê căn hộ cao cấp phía Tây Hà Nội

Năm 2017, khu vực phía Tây thủ đô “tăng nhiệt” với loạt dự án căn hộ cao cấp dọc trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, thu hút lượng khách lớn mua căn hộ để ở và cả để đầu tư, đặc biệt lượng khách lẻ nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay, sẽ thông qua dịch vụ để cho thuê lại cũng chiếm tỷ lệ cao. Nhiều khách hàng nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã tìm hiểu thông tin căn hộ cao cấp cho thuê để thuận tiện cho việc công tác.

Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường căn hộ cao cấp cho thuê khu vực Tây Hà Nội có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai với mức giá cao và ổn định. Cụ thể, các dự án căn hộ dịch vụ khu vực Hà Đông sẽ có giá cho thuê bình quân 1.000 USD/tháng đối với loại một phòng ngủ và 1.300 USD/tháng đối với căn 2 phòng ngủ.

Đặc biệt, trung tâm mua sắm Aeon Mall Hà Đông có diện tích 150,000m2, dự kiến khai trương vào cuối năm 2019 của nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được triển khai trên trục đường Ngô Thì Nhậm kéo dài, tiếp giáp Khu đô thị Dương Nội, vì thế lượng khách Nhật có nhu cầu thuê căn hộ quanh khu vực này sẽ ngày càng tăng cao.

Trước những thông tin trên, những nhà đầu tư mua căn hộ Anland Complex (Anland) có lý do để vui mừng, vì đây là dự án căn hộ cao cấp được đánh giá đáng đầu tư bởi vị trí ngay cửa ngõ Khu đô thị Dương Nội, những tiện ích vượt trội bậc nhất khu vực, là lựa chọn ưu tiên của nhiều khách Nhật.

Xem chi tiết tại đây.

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top