Aa

Chùa

Thứ Năm, 14/02/2019 - 06:00

Chùa là nơi tĩnh tâm. Mọi cái trong kiến trúc của chùa đều để tâm người ta lắng lại. Sự thanh lọc kỳ diệu, vĩ đại từ những mái chùa bình yên, giấu mình trong bóng cây, trong vách núi. Chùa Việt từ xưa toát lên cái sâu lắng, chứ không phải sự bề thế.

Nước Việt của chúng ta tự xưa đã có rất nhiều chùa. Để có đôi chút hình dung về điều này, bạn hãy thử đi dọc con đê sông Hồng, từ Hà Nội cứ theo đê mà đi về phía biển. Và bạn nhìn sang ven đê mà đếm số chùa trong tầm mắt bạn. Mỗi làng đều có chùa. Chùa có thể giữa làng, nhưng chắc đó là về sau, khi dân cư đã nhiều. Trước kia, chắc chùa luôn được dựng ở chỗ phong quang nhất. Ở mỗi vùng quê, nếu có sông đẹp, ven sông có chùa. Có núi thâm u, chắc chắn sẽ có mái chùa lặng lẽ kín đáo. Ngay tuổi tôi cũng đã từng chứng kiến, có những ngôi chùa rất vắng, không có sư trụ trì, nhưng luôn gọn ghẽ bởi những bàn tay chăm sóc của người dân.

Có những chùa to. Như là chùa Cổ Lễ, hay chùa Keo. Nhưng kể cả chùa lớn như thế thì vẫn toát lên sự thanh tịnh, khiêm nhường. Chùa không là nơi người ta đến để hào sảng, vang động. Chùa là nơi tĩnh tâm. Mọi cái trong kiến trúc của chùa đều để tâm người ta lắng lại. Sự thanh lọc kỳ diệu, vĩ đại từ những mái chùa bình yên, giấu mình trong bóng cây, trong vách núi. Chùa Việt từ xưa toát lên cái sâu lắng, chứ không phải sự bề thế.

Chùa là nơi người ta đến để đắm mình trong một không gian yên tĩnh, thanh tịnh.
Chùa là nơi người ta đến để đắm mình trong một không gian yên tĩnh, thanh tịnh.

Chùa là nơi người ta đến để đắm mình trong một không gian yên tĩnh, thanh tịnh.

Có những lúc chùa rất đông. Một số đêm giao thừa tôi đến những chùa "to" ở Hà Nội. Người rất nhiều, nhưng các lối đi, cảnh quan của chùa, vẫn khiến sự đông đúc ấy không là sự náo nhiệt. Nó toát lên sự ấm cúng và thành kính. Có đông đến mấy, những lối đi vẫn nhỏ, những cái sân vẫn vừa đủ. Những mái ngói vẫn thâm nghiêm. Từ ngàn năm nay vẫn thế.

Chỉ thời nay mới có chuyện làm những chùa to mênh mông, kiến trúc pha trộn. Cách đây cũng khá lâu, tôi được bạn bè rủ đến khu chùa lớn nhất mới xây ở một tỉnh Đông Nam Bộ. Đúng là chùa lớn lắm. Và nó lại ở trong quần thể một khu mà tôi không hiểu nên gọi là gì. Phía ngoài có dãy nhà tường bao quanh giống như Vạn lý trường thành xứ Bắc. Các sân đá mênh mông như thể sân chầu. Các bậc thang như thể trong cung cấm. Còn đằng sau và phía bên thì lại như khu giải trí. Có cả vườn bách thú, nào hổ, nào trăn...

Rồi vị trí to nhất của chùa này không giữ lâu được. Vì phía Bắc mọc lên khu chùa to hơn. Nói thật, đến bây giờ tôi cũng chưa vào khu chùa to nhất ấy. Chỉ đi qua đã thấy đường xá, cảnh quan như sắp dẫn vào khu đô hội. Mỗi người một ý thích và một quan điểm.

Với tôi, chùa là nơi thanh vắng. To cũng là cái to giấu mình đi. Tôi không cảm thấy những khối kiến trúc đồ sộ, áp đảo tâm trí người đến, có cái gì giống như là hơi hướng toả ra từ chùa chiền. Sau khi vào "toà" chùa ở phía Nam, khi đi ra, tôi có cảm giác vào nhà ga to, chứ không có cảm giác vào chùa. Và tôi không thấy muốn đến những "Nhà ga chùa" giống thế nữa.

Tôi cũng không nghĩ cực đoan hay hẹp hòi. Bây giờ nếu có những quần thể chùa to rộng, cũng có thể là sự thường. Những chùa nhỏ của làng thôn nay nếu được xây lại bằng đóng góp của chúng sinh, hay của doanh nhân thành tâm, là điều đáng quý. Tôi biết để làm lại một ngôi chùa, người đứng ra làm nếu thật sự là người biết, phải nhờ cậy, tìm hiểu kỹ lắm. Từ kiến trúc đến phong hoá, đến thời điểm lịch sử cụ thể của ngôi chùa cần xây lại. Một đất nước có thể có một hai khu chùa to rộng. Đâu đó có thể có những tượng Phật thật lớn trên núi. Ở mức nào đó, nó là hình ảnh nói lên lòng thành của nhiều triệu chúng sinh. Nhưng phải làm sao cho cái to rộng ấy vẫn toát lên chất của chốn chùa chiền. Chữ "chiền" rất gợi. Nó gợi sự yên tĩnh, khiêm nhường, giản dị... Nếu cứ xây chùa to như những khu nhà ga, to, to nữa, thì tôi ngờ đến lúc nào đó, chẳng còn chùa nữa, mà chỉ là những công trình khổng lồ để chứa được số lượng đông người. Khu dịch vụ tâm linh. Mà có còn tâm linh không chứ?

Cũng có thể, chùa chiền ngày nay đóng vai trò là những điểm nhấn du lịch. Nhưng chuyện đó đâu phải bây giờ mới có?. Ngàn năm nay, người sang, kẻ hèn, người bản địa hay khách đến tứ phương đều "vãn cảnh chùa". Đến chùa là để nhận được, được đắm mình vào không gian thanh tịnh, thì mới là quý. Đến như đi dự lễ hội, thì đâu nhất thiết phải đến chùa?

Bỏ qua chuyện hiếu kỳ, mà chỉ nói đến nhu cầu tinh thần. Tự ngàn xưa, người Việt đến chùa để tĩnh tâm. Có lẽ, ngày nay với nhiều người, nhu cầu đến chùa để cầu một điều gì đó cho mình, để xoá nhoà nỗi lo sợ, hay đơn giản để "check in" một chỗ đồ sộ … giờ đây quá lớn. Và những "Nhà ga chùa" cũng muôn vàn ý tưởng. "Dịch vụ tâm linh" đang đà mọc lên.

Chỉ e rằng, khi đất Việt ngày càng có thêm những quần thể chùa kỳ vĩ to rộng chưa từng có trong những ngàn năm lịch sử,  thì đất Việt lại càng ít hơn chất chùa chiền.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top