Tất nhiên là để tìm kiếm lợi nhuận! Hay nói một cách dân dã, là để kiếm tiền!
Nhưng sở dĩ phải đặt ra câu hỏi và câu trả lời như là một mệnh đề trên đây là vì, dạo này trên các phương tiện truyền thông một số “shark”, bỗng dưng tuyên bố, đi đầu tư kinh doanh không vì lợi nhuận!
Nghe mà ngạc nhiên.
Nhưng trước khi cùng nhau chia sẻ về sự ngạc nhiên đó, ta nên ôn lại bài học nhập môn của tất cả những người khởi nghiệp kinh doanh, của các sinh viên nhập môn các ngành kinh tế: Lợi nhuận là gì?
Lợi nhuận, hiểu theo một nghĩa đơn giản chính xác và đại chúng nhất đó là phần tài sản (tiền) mà người đầu tư kinh doanh thu được sau khi lấy tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí. Nói một cách trực quan hơn, lợi nhuận chính là lãi ròng, là số tiền, vàng... mà người đầu tư kinh doanh dôi ra được sau một phi vụ nào đó. Ví dụ, ta bỏ 100 triệu đồng ra mua một lô hàng, đem bán được 150 triệu đồng, chi phí thuế má, lãi ngân hàng, vận chuyển, công xá... hết 25 triệu đồng. Vậy tổng chi phí là 125 triệu đồng trên tổng doanh thu là 150 triệu đồng: Lợi nhuận (lãi ròng) của vụ này là 25 triệu đồng!
Nghe qua vậy, ai không ham đi kinh doanh khởi nghiệp? Thế nhưng, đời không là mơ! Bạn đi mua 100 triệu đồng tiền hàng mà ra thị trường bán không được, thậm chí lỗ, bán đổ bán tháo còn không xong, mất cả vốn, lúc đó bạn sẽ hiểu thế nào là sự khắc nghiệt của thị trường và thấm thía câu “thương trường như chiến trường”!
Vậy nên phàm đã là người đi đầu tư kinh doanh, ai lại không mong muốn lợi nhuận? Lợi nhuận càng cao càng tốt chứ!
Thế nhưng trong kinh doanh, luôn phải có những quy tắc đạo đức nhất định. Nghe nói đến đạo đức trong kinh doanh, có khi nhiều bạn nhếch mép! Thế nhưng thật sự là do mấy chục năm nay khá nhiều người trong chúng ta bị nhồi sọ bởi một luận điểm khá kỳ lạ là: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì kể cả phải treo cổ họ cũng làm”!
Không biết người khác nghĩ sao, chứ tôi thì ngay từ lần đầu tiên, hồi còn thơ dại, khi nghe điều này tôi đã nghi ngờ lắm. Bởi tôi nghĩ, phàm con người ta đi làm ăn kiếm tiền để mưu đồ một cuộc sống tốt đẹp hơn, vậy thì làm để lấy... treo cổ, lấy sự hi sinh tính mạng thì hỏi tiền nhiều hay ít có tác dụng gì? Thế thì làm để làm gì?
Câu hỏi đó đã đeo đẳng tôi mãi. Đến sau này, thì tôi mới hiểu rằng, mọi sự vật, hiện tượng trên đời đều có nhiều góc nhìn rất khác nhau. Và từ các góc nhìn khác nhau ấy nó cho ra những hình ảnh rất khác mà hình ảnh nào cũng có vẻ đúng, có vẻ chân thực cả. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tiếp nhận mọi góc nhìn mọi quan điểm và đừng cho góc nào là duy nhất đúng, là chân lý bất biến, là muôn năm vĩnh cửu cả, bởi mọi sự luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng nghỉ.
Trở lại câu chuyện, đã kinh doanh mục tiêu tối thượng là phải tìm kiếm lợi nhuận. Ai đó nói kinh doanh không vì lợi nhuận là... họ nói đùa cho vui, đừng có ai dại dột mà tin. Người làm kinh doanh - doanh nhân chân chính luôn đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất lên hàng đầu. Nhưng tất nhiên là không phải bằng mọi giá!
Với những người bình thường, kinh doanh phải có lợi nhuận thì mới đảm bảo được cuộc sống của mình và những người thân của mình. Còn một khi kinh doanh đã thành công rồi, số tiền (lợi nhuận) kiếm được đã vượt xa nhu cầu của cá nhân mình rồi thì với những doanh nhân chân chính, người ta lại càng quan tâm đến lợi nhuận! Bởi những người đó rất hiểu sức mạnh của đồng tiền chân chính, nó có thể giúp đỡ rất nhiều cho mọi người xung quanh, thậm chí là cho cả thế giới nữa kia.
Bill Gates - tỷ phú hàng đầu thế giới là một ví dụ, ông ấy đã đem hầu hết tài sản của mình đi làm từ thiện! Thế nhưng để có tiền đi làm từ thiện như Bill Gates thì mỗi khi đầu tư kinh doanh vào một lĩnh vực nào đó, điều trước hết là chúng ta hãy quan tâm đến lợi nhuận đã, nhé!