Giang Văn Minh, người Kẻ Mía nay là Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Ông sinh năm 1573, mất năm 1639. Đỗ Thám hoa (đỗ đầu) kỳ thi đình thời vua Lê Thần Tông năm 1628. Làm quan trong triều. Năm 1637, ông được triều đình cử làm chánh sứ đi sang Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) để cầu phong. Và huyền thoại về vị sứ thần này được viết ra từ đây...
Chuyện kể, để "nắn gân" vua quan nước Nam, Sùng Trinh - Minh Tư Tông, Hoàng đế nhà Minh lúc đó ra vế đối: “ĐỒNG CỔ CHÍ KIM ĐÀI DĨ LỤC”.
Ý nhắc lại chuyện cột đồng mà Mã Viện năm xưa, sau khi đánh được Hai Bà Trưng bèn cho trồng với lời nguyền “Trụ đồng chiết, Giao Chỉ diệt”, như là một lời nguyền, một cái dấu ấn để quy định đất Giao Chỉ - nước Nam phải phụ thuộc Trung Quốc. Sùng Trinh nhắc đến cái trụ đồng Mã Viện từ xa xưa là để răn đe sứ thần Việt vốn có tiếng ngông nghênh khi đó ở Yên Kinh. Nào ngờ Giang Văn Minh đã đối lại: “ĐẰNG GIANG TỰ CỔ HUYẾT DO HỒNG”
Ý nhắc lại cho Sùng Trinh nhớ, những lần quân dân nước Việt đã đánh thắng họ ở sông Bạch Đằng: Nước sông Bạch Đằng vẫn đỏ màu máu tự ngàn xưa!
Minh Tư Tông nổi khùng, bất chấp phép tắc ngoại giao sai người trám đường vào miệng, mắt Giang Văn Minh rồi mổ bụng xem gan mật ông lớn đến mức nào! Cái chết của Giang Văn Minh có lẽ là một cái chết bi tráng lẫm liệt nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới từ xưa đến nay: Một sứ thần bị mổ bụng giữa triều đình cái nước mà mình đến giao hảo!
Sự ấy xảy ra ngày 2/6/1639.
Sau đó, Công bộ thượng thư Nguyễn Duy Thì dẫn đầu cùng một số viên quan lên cửa quan (Ải Nam Quan) để đón xác Giang Văn Minh về an táng tại quê nhà Đường Lâm và truy phong ông tước Vinh Quận Công.
Ngày nay, tên của vị sứ thần lẫm liệt Giang Văn Minh được chọn đặt tên cho nhiều đường phố ở các thành phố nước ta. Câu chuyện đi sứ bi tráng của ông đã và sẽ còn được truyền tụng.