Aa

Chứng chỉ và những cuộc hành nhau

Thứ Hai, 18/11/2019 - 06:28

Có thời tôi nói vui: 90% cán bộ lãnh đạo một vài tỉnh có bằng đại học luật và kinh tế, nó là từ cái "Ha Vớt" tại chức ở đường Lý Thái Tổ mà ra, ai không học đấy, đố nên người.

Hôm nọ Quốc hội họp, bàn về việc tuyển dụng phải cần đến rất nhiều chứng chỉ, có nhiều chứng chỉ chả để làm gì, à có, để... hành nhau, để cần thì loại đứa này đứa kia để đưa cánh hẩu hoặc con cháu mình vào.

Vui nhất là các chứng chỉ ấy chung cho rất nhiều giai tầng công chức viên chức, ông giáo sư chung với cô mẫu giáo, chị văn thư chung với giám đốc sở, anh lái xe bằng anh chuyên viên, vân vân...

Dở khóc dở cười bao nhiêu năm nay và giờ vẫn... dở khóc dở cười.

Rồi một tờ báo làm một cuộc điều tra những quy định chứng chỉ hiện tại đang hành giáo viên đến như thế nào. Đọc xong, chảy nước mắt. Đọc xong thấy hết sức ngạc nhiên dù nó đã diễn ra cả hàng mấy chục năm nay rồi, thanh thiên bạch nhật rồi...

Đa phần các chứng chỉ bổ sung sau bằng này nó chả thực chất gì, chỉ để làm đẹp hồ sơ. Nhưng phải có, vì "trên" quy định thế. Và thế là phải... chạy. Có người chạy thì có người cung cấp. Đau là, chính những thầy cô giáo lại quay ra... vặt lông nhau. Người có quyền mở lớp, có quyền dạy thu tiền rồi... bày cho người cần chứng chỉ cách xử lý để... có chứng chỉ về nộp.

Trên các loại chứng chỉ, các loại bằng cấp khác, nhất là tại chức, từ rất lâu rồi, cũng để... hợp thức hóa, để hợp pháp chỗ ngồi, để tạo ra một xã hội trọng bằng cấp rất kỳ quái. Nó làm mất thăng bằng xã hội, làm xã hội hết sức loạn chuẩn.

Là ngay từ cái thời mà, người ta dùng điểm để ưu tiên cộng cho những người liên quan đến chính xác, công trạng. Thay vì bồi dưỡng bổ sung kiến thức để họ có thể đua tranh kiến thức với mọi người một cách sòng phẳng, thì họ lại nghĩ ra cách cộng điểm để... ngang bằng nhau. Sau cộng điểm là cử tuyển, cũng là một cách tham nhũng kiến thức. Một sự ăn chặn rất buồn cười và ngang ngược, thế mà cho tới mới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn suýt ra được cái công văn cộng điểm cho các... Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cuối cùng sự cào bằng kiến thức đã diễn ra từ thi cử cho tới tuyển dụng, tạo ra một xã hội mà bất tài và giỏi đứng ngang với nhau, thậm chí người bất tài chỉ huy, lãnh đạo người giỏi giang.

Tranh minh họa - Nguồn: Internet

Lại nghe ông bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về chứng chỉ thì mới nghiệm ra, không biết trong đời một công chức, viên chức phải có tới bao nhiêu chứng chỉ?

Phải có học, có hiểu biết về công việc và xung quanh công việc mình đảm nhiệm là điều hết sức đúng, là đương nhiên. Nhưng nó không đương nhiên là người ta cứ dựa vào chứng chỉ để xét, chính xác là hành nhau. Và người ta cứ quy vào một mẫu thôi, làm gì cũng mẫu ấy, không cần phân biệt là anh kế toán thì cần gì, anh giáo viên cần gì, chị văn thư cần gì, ông thiết kế cần gì?

Và thế là những chợ bằng cấp, chứng chỉ, những cuộc mua bán bằng cấp chứng chỉ náo nhiệt xuất hiện, mọi nơi mọi chỗ.

Tôi thuộc loại phản đối học những thứ vô bổ, thế nhưng nếu lục trong túi hồ sơ của mình, vẫn đã có những thứ như sau (thống kê chưa hết): bằng ngoại ngữ (không nói được), chứng chỉ tiếng Jrai, cũng... ngọng. Chứng chỉ lớp nghiệp vụ văn hóa, bằng cao cấp chính trị, chuyên viên chính (chứng chỉ có học chứ không được thi), đối tượng 2 quốc phòng, tin học (học nhưng không thi, dù lớp này Nhà nước mở, với lập luận, cái này liên quan gì tới tiêu chuẩn, phàm là làm việc thì phải biết tin học chứ)...

Vân vân gì nữa đấy vì chỉ ngồi nhớ chứ không lục. Vả thực ra, cũng vất rồi thì phải.

Vấn đề là, ai mở những lớp ấy. Còn ai vào đấy, tay trái bốc bỏ túi phải. Ban đầu là Nhà nước cấp tiền cho các dự án. Đừng đùa, cũng phải chạy đấy, có được xuất này là ấm no. Ví dụ giao đào tạo 100 ông nói tiếng Jrai, từng ấy tiền. Không nói được cũng phải cấp chứng chỉ, để mà... thanh toán. Nên cái hồi tôi được chọn học lớp tin học Nhà nước mở, có biết đâu đấy, học xong làm được rồi, bỏ không thi, lấy cái bằng ấy làm gì. Trung tâm cứ năn nỉ đến thi, he he sau mới biết, nó bị trừ mất một chỉ tiêu. Và sau, trong hồ sơ công chức của tôi, không có cái chứng chỉ ấy, bị tổ chức phệt cho thiếu một chỉ tiêu.

Lớn hơn là hệ thống đào tạo đại học các loại. Tốt thôi, nó hết sức hợp lý nếu như người ta không lấy những thứ bằng cấp ấy ra để... hợp thức hóa. Vậy nên nó mới thành cái chợ. Báo Lao động vừa có loạt điều tra trường đại học Thái Nguyên vặt giáo viên vì mấy cái thứ chứng chỉ vớ vẩn ấy đấy. Có thời tôi nói vui: 90% cán bộ lãnh đạo một vài tỉnh có bằng đại học luật và kinh tế, nó là từ cái "Ha Vớt" tại chức ở đường Lý Thái Tổ mà ra, ai không học đấy, đố nên người. Mà học và dạy ở đấy như thế nào thì ai cũng biết. Cũng phải công nhận 2 cái trường đại học này nhanh nhạy thật, cách đây mấy chục năm rất chịu khó đi mở lớp tại chức cho hầu như tất cả các tỉnh, biết cán bộ thiếu gì bèn cấp tập mở lớp để cấp... bằng. Tỉnh nào cũng có những lớp được gọi là... Ha Vớt như thế...

Nên ông bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói trên diễn đàn Quốc hội, rằng sắp tới sẽ bỏ tiêu chuẩn chứng chỉ, ví dụ tiếng Anh, ví dụ tin học. Anh cần làm về những thứ ấy thì thi bằng tiếng Anh, làm trực tiếp trên máy tính chứ cần gì phải chứng chỉ. Ơ đơn giản thế mà lâu nay không nghĩ ra. Thế thì khác gì cánh tư nhân tư bản nó tuyển người. Bằng cấp chứng chỉ nó chỉ liếc qua, rồi nào, tao với mày đối thoại nhé, ok thì qua, còn ngơ ngác không hiểu thì out, có gì đâu mà phức tạp...

Có thế mà mất mấy chục năm, mấy thế hệ hành nhau. Nhưng thôi, cứ hy vọng vậy...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top