Aa

Chứng khoán hồi phục nhẹ, cổ phiếu bất động sản tiếp tục phân hóa mạnh

Thứ Năm, 30/04/2020 - 06:00

Khá nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá trong phiên 29/4, khối ngoại sàn HoSE cũng tập trung mua ròng một số cổ phiếu bất động sản như VHM, NVL, PDR...

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có sự biến động phân hóa. Khác với phiên trước, sự phân hóa diễn ra rõ nét và đồng đều hơn. Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như OCH, EIN, CCL, PDR hay OGC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, IDJ tăng đến 8,3%, SNZ tăng 7%, NVT tăng 6,3%, CLG tăng 5,7%, AGG tăng 5,5%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, HU6, FDC, DIH, FIT hay DTA lại bị kéo xuống mức giá sàn. SGR giảm 6,5%, CIG giảm 6,1%, TID giảm 3,9%...

Còn ở bộ 3 cổ phiếu họ “Vin”, VHM và VIC giảm trong phiên 29/4. VHM giảm 1,5% xuống 63.600 đồng/cp, còn VIC giảm 0,1% xuống 91.900 đồng/cp. Mới đây, VIC đã công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu thuần đạt 15.368 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 505 tỷ đồng. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý I đạt 6.883 tỷ đồng. Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan đạt 1.797 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 165% do trong năm 2019, doanh thu bán ô tô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6.

Trong khi đó, sau phiên giảm khá mạnh hôm qua, VRE đảo chiều tăng trở lại 1,5% lên 23.100 đồng/cp và khớp lệnh hơn 2,6 triệu cổ phiếu.

Quay trở lại với diễn biến của thị trường chứng khoán nói chung, sự phân hóa cũng diễn ra rõ nét ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Trong đó, với sự nâng đỡ của một số cổ phiếu như VCB, CTG, BID, VJC, GAS, HVN… nên các chỉ số thị trường đều duy trì được sắc xanh nhẹ. Hôm qua cũng là ngày quỹ ETF E1VFVN30 cơ cấu danh mục đầu tư nên cũng sẽ gây ra biến động mạnh ở một số cổ phiếu thuộc nhóm VN-30. VCB chốt phiên tăng đến 1,5%, CTG tăng 5%, VJC tăng 2,3%...

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu trụ cột khác như SAB, VNM, VPB, MSN… lại giảm và gây áp lực lớn lên thị trường. Trong đó, SAB giảm 4,1%, VNM giảm 1,5%, VPB giảm 2,4%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 29/4. Nguồn: VDSC.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,9 điểm (0,25%) lên 769,11 điểm. Toàn sàn có 207 mã tăng, 146 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,58 điểm (0,55%) lên 106,84 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 68 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,21%) lên 52,22 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 315 triệu cổ phiếu, trị giá 4.750 tỷ đồng.

Còn về giao dịch của khối ngoại, đà bán ròng vẫn chưa chấm dứt, riêng trong phiên hôm qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng đến gần 500 tỷ đồng, tại sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 493 tỷ đồng (tăng 24,4% so với phiên trước) với khối lượng tương ứng gần 25 triệu cổ phiếu. Đây là phiên bán ròng thứ 22 liên tiếp của nhóm này trên sàn này.

VRE, KBC và VPI là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh, trong đó, VRE bị bán ròng 26 tỷ đồng. KBC và VPI bị bán ròng lần lượt 18 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 22,8 tỷ đồng. Khá nhiều cổ phiếu bất động sản khác được khối ngoại mua ròng mạnh là NVL, PDR, KDH hay D2D.

Chứng khoán BIDV cho biết, trong hôm nay, FED cũng sẽ có cuộc họp nhằm quyết định hướng đi tiếp theo của mình trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những chính sách quan trọng liên quan đến lãi suất và các hoạt động thị trường mở sẽ phần nào là các thông tin quan trọng ảnh hưởng đến hướng đi tiếp theo của NHNN Việt Nam nói riêng cũng như các NHTW lớn khác trên thế giới.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,7%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 0,4% trong khi Shenzhen Composite giảm 0,1%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,3%. 

Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore và SET 50 của Thái Lan đều tăng 0,5%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,8% và KLCI của Malaysia tăng 0,6%. ASX 200 của Australia tăng 1,5% trong khi NZX 50 của New Zealand giảm 0,9%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top