Cả thế giới báo động về dịch Covid. Chống nó chưa được thì phải tránh và trốn thôi. Khẩu trang là ưu tiên đầu tiên. Ra đường cứ ngàn ngạt khẩu trang. Thực ra là tưởng thế. Tôi vừa đi một chuyến lang thang từ Sài Gòn ra Hà Nội, thấy số người đeo khẩu trang chiếm chừng 60% đến 70%.
Cũng có những khuyến cáo là người khỏe mạnh không cần khẩu trang, khẩu trang là để dành cho người ốm và người trực tiếp điều trị cho người ốm. Thế nên, ngay ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, là những nơi tưởng như virus Covid thảnh thơi bay lượn thì cũng không phải là một trăm phần trăm đều đeo khẩu trang.
Nhưng có một món có vẻ giảm hẳn, ấy là... bắt tay.
Chẳng biết từ đâu, dân nhậu Việt Nam (chiếm khá đông dân số) có cái tật uống xong một ly là... xòe tay ra bắt. Có những cái bắt tay vô duyên hết sức: Đang yên đang lành ngồi trong bàn, một ông lạ hoắc nào đấy lừ lừ cầm ly xông tới. Chạm ly. Ực phát cạn, không cạn được thì cứ đứng cho cạn thì thôi. Xong rồi... xòe tay ra bắt, chẳng biết ai ra ai. Có khi bắt tay người này nhưng mắt nhìn người khác...
Cơ khổ là hàng ngàn bi hài kịch bắt tay khi nhậu. Nạn này kinh hoàng nhất là đi đám cưới và ngồi chung bàn trót có người nào đấy... nổi tiếng.
Món bắt tay du nhập từ ngoại quốc, thế mà giờ nó phổ biến hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam, dù ngày xưa các cụ gặp nhau có bắt tay bao giờ. chắp tay chào nhau rất lịch sự và khiêm tốn. Uống xong một ly, bắt tay đã đành, giờ xuống làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vào nhà họ, bao giờ họ cũng đứng chờ, giơ tay ra bắt rất hân hoan. Thường là họ giơ tay phải, tay trái nắm lấy cổ tay phải, rất đúng điệu. Hỏi họ mắc chi bắt tay, họ cười rất tươi, bảo: "Xem trên ti vi thấy thế!"
Dân Việt ta rất nhiều người bắt tay đã thành... nghiện, mà chẳng biết quy tắc bắt tay là gì. Ai cũng giơ tay ra bắt búa xua mà không biết rằng chỉ người lớn chìa tay ra cho người nhỏ, chỉ nữ chìa tay cho nam, chủ nhà chìa cho khách.
Lại có cái kiểu bắt tay nhưng co ngón trỏ lại, cào cào vào lòng bàn tay người được bắt. Trời ạ, nó thô bỉ và buồn cười. Tôi từng ngơ ngác mất nguyên buổi khi bị/được một đồng chí bắt tay kiểu thế. Một bạn nữ kể, từng suýt cho đối tác một cái tát cũng vì kiểu bắt tay khều khều như vậy, vì cho rằng đấy là tín hiệu... sàm sỡ. Tôi phải bảo, sàm sỡ gì đâu, đứa bắt tay ấy, nó biết gì đâu, thấy người ta khoèo thì nó cũng khoèo, tưởng thế là... bắt tay.
Cũng có lần tôi bị đau ngón tay. Một ngày phải xin lỗi bao lần trước các bàn tay chìa ra bắt, mà rồi nào có thoát, vẫn bị những cú vặn đau điếng.
Có lần, ngồi với mấy anh em Phú Thọ, họ tự hào kiểu hài hước bảo, cái món bắt tay xuất phát từ quê họ và đọc: "Uống rượu bắt tay biết ngay Phú Thọ". Nhưng sau này bất cứ địa phương nào cũng có thể đính tên mình vào thay tên Phú Thọ. Tức nó là... đặc sản quốc gia.
Bây giờ, trong thời dịch, cái "món" bắt tay ấy giảm thấy rõ rệt. Trong cái rủi có cái may, là cái con Covid ấy nó làm người ta sợ bắt tay, dần rồi bỏ đi. Chỉ bắt tay trong những trường hợp không thể không bắt, như tiếp khách, ngoại giao, còn như uống rượu, có ai bắt đâu mà cứ phải uống xong là bắt tay. Có ông mời bàn mười người, cứ đứng chờ, ông nào uống xong là ổng thò tay ra bắt, kể cả việc người uống xong ngồi phía bên kia bàn, ổng vươn người qua, tay áo hoặc cà vạt chấm cả vào thức ăn.
Và bắt tay nhiều lúc thành... hỗn. Khi người trẻ cứ chìa tay cả loạt bắt tay tất cả mọi người, bất kể địa vị, tuổi tác. Mà bắt kiểu ấy nó có thắm thiết gì đâu. Tay nhũn nhùn lạnh lẽo, chỉ đặt mấy ngón hờ hững vào tay người được bắt.
Giờ có dịch, cứ khư khư trong túi lọ gel rửa tay khô, nửa tiếng một lần xịt ra tay. Nó vừa vệ sinh lại vừa... tránh được bắt tay!
Ấy là nói những cái bắt tay vô bổ, còn việc phải bắt thì vẫn cứ phải bắt thôi...