Aa

Chuyên gia chia sẻ về khối ngoại bán ròng có lo ngại?

Thứ Bảy, 16/12/2023 - 06:05

Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng khá mạnh trên thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư có phần băn khoăn về tính bền vững của thị trường bởi nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng đầu tư dài hạn.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa bà, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 90% tổng giao dịch chứng khoán nhưng việc nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua liên tiếp bán ròng cổ phiếu sẽ tác động ra sao tới thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam?

Bà Hoàng Việt Phương: Nếu tính từ đầu năm 2023 đến hết phiên ngày 8/12, giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên sàn HoSE lên tới 19.126 tỷ đồng, vượt giá trị bán ròng của năm 2020 (-15.741 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường khác. Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, xu hướng rút ròng nổi bật ở thị trường Thái Lan lên tới 5,4 tỷ USD so với mức rút ròng tại Việt Nam (-554 triệu USD), Indonesia (-877 triệu USD), Philippin (-855 triệu USD). Dòng tiền đầu tư toàn cầu năm 2023 vào mạnh các thị trường lớn như: Mỹ và Nhật bản, rút mạnh ở thị trường Trung Quốc.

Với giá trị bán ròng gần 13 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng của năm 2023, chi tiết thì khối ngoại bán ròng chỉ tập trung cục bộ ở 3 mã EIB (-5 nghìn tỷ đồng), VPB (-3 nghìn tỷ đồng) và MWG (-3,2 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh gần 900 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản trong tháng 11 và lũy kế mua ròng hơn 6 nghìn tỷ đồng ở nhóm này từ đầu năm. Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng ở các các nhóm khác như: Hóa chất, vật liệu xây dựng và dầu khí trong 2 tháng gần đây.

 Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), Công ty cổ phần Chứng khoán SSI.

PV: Bà có cho rằng, khối ngoại bán ròng liên tiếp gần đây có thể là động thái chốt lời cuối năm và sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu dù tỷ trọng giao dịch trên thị trường của khối này không lớn? Đâu là nguyên nhân khiến khối ngoại bán mạnh?

Bà Hoàng Việt Phương: Tôi cho rằng, tại thị trường Việt Nam, khối ngoại bán ròng mạnh đến từ sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF (quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi, trong khi nhóm quỹ chủ động ở Việt Nam gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua.

Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32,5 nghìn tỷ đồng.

Cũng có thể thấy khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định và cũng phản ánh phần nào hoạt động tái cơ cấu danh mục.

PV: Trên thực tế, giao dịch khối ngoại không còn tác động quá nhiều tới dòng tiền trên thị trường. Vậy, theo bà, việc bán ròng của khối ngoại như vậy sẽ tác động thế nào tới TTCK nói chung?

Bà Hoàng Việt Phương: Từ đầu quý II/2023 đến nay, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại duy trì ổn định quanh ngưỡng 8% và có thể thấy sự tác động không lớn đến thị trường về mặt điểm số mà chỉ có tác động tâm lý đến các nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến thị trường diễn biến thận trọng kéo dài.

Ở một góc nhìn khác, hoạt động tái cơ cấu danh mục của khối ngoại có thể tạo dư địa cho kỳ vọng về trung hạn khi dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam khi được hưởng lợi trở lại từ xu hướng chuyển dịch sang thị trường đang phát triển trong bối cảnh xu hướng cắt giảm lãi suất rõ ràng và mạnh mẽ hơn.

PV: Khối ngoại đang bán ròng mạnh, bà có thể “mách nước” kéo nhà đầu tư nước ngoài trở lại?

Bà Hoàng Việt Phương: Một xu hướng rõ ràng của giao dịch khối ngoại, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia đang phát triển nói chung kể từ giữa năm 2023 là việc bị rút ròng, khi dòng tiền quay ngược trở lại thị trường Mỹ (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tiền tệ). 

Đối với kỳ vọng trong thời gian tới, hiện tỷ trọng phân bổ tài sản vào các quỹ cổ phiếu đang ở mức tương đương với trung bình 5 năm (khoảng 55%), cho thấy dòng tiền vào cổ phiếu vẫn có khả năng bứt phá, đặc biệt từ việc tái cơ cấu từ các quỹ tiền tệ (vào ròng lên tới 1,3 nghìn tỷ USD trong năm 2023) nếu xu hướng cắt giảm lãi suất từ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Khi đó, thị trường mới nổi (và cả Việt Nam) chắc chắn sẽ được hưởng lợi phần nào. 

Điểm sáng của TTCK Việt Nam sẽ đến từ môi trường vĩ mô ổn định (tỷ giá và lạm phát được kiểm soát), chính sách tiền tệ thuận lợi (mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp trong lịch sử), tiêu dùng trong nước vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển khi cơ cấu dân số vẫn trong giai đoạn vàng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực nhờ xu hướng chuyển dịch và lợi thế từ câu chuyện Trung Quốc +1.

Tuy nhiên, để có thể thu hút dòng vốn quỹ ngoại một cách dài hạn hơn, bên cạnh việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để có thể kích hoạt một lượng vốn Quỹ ETF và chủ động, thị trường chứng khoán nên phát triển một cách sâu rộng hơn, bao gồm: Đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn nhằm đa dạng hóa các ngành nghề niêm yết và từ đó các doanh nghiệp cũng sẽ giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hang; tăng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức (bao gồm cả quỹ hưu trí) để giúp thị trường ổn định hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top