Tái định danh Vùng Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng
Sáng 15/5, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô".
Tại đây, bên cạnh việc nhận diện dư địa và cơ hội bứt phá hậu sáp nhập, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của khu vực.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh mới, phát triển Vùng Thủ đô là xu thế tất yếu và có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, trước tiên cần tái định danh, xác lập rõ phạm vi, chức năng của Vùng. Việc làm rõ ranh giới địa lý, tiêu chí liên kết và vai trò của từng địa phương là nền tảng để hoạch định chính sách và quy hoạch phù hợp.
Tiếp đó, công tác quy hoạch tổng thể Vùng cũng cần được đặt đúng tầm: Từ kinh tế - xã hội, dân cư, không gian đến môi trường. Trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với áp lực dân số, quá tải hạ tầng và giá đất tăng cao, quy hoạch Vùng không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một chiến lược phát triển dài hạn.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông liên Vùng Thủ đô cũng cần được đầu tư bài bản, tạo động lực để mở rộng không gian phát triển cho cả Hà Nội lẫn các tỉnh phụ cận. "Đây là chìa khóa để giảm áp lực lên khu vực trung tâm, đồng thời kích hoạt thị trường bất động sản vùng lan tỏa một cách bền vững", PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tùng Dương)
Đáng chú ý, theo chuyên gia, một vấn đề quan trọng khác nhưng đang bị bỏ ngỏ là cơ chế xử lý khối tài sản công dư thừa sau sáp nhập. Trong khi phần lớn các thảo luận hiện nay vẫn tập trung vào đất mới để phát triển, thì việc chuyển đổi công năng đối với đất cũ lại chưa có cơ chế pháp lý cụ thể, có thể gây lãng phí lớn. Vì vậy, ông đề xuất cần có nghị quyết chuyển tiếp từ Quốc hội để xử lý các vướng mắc trong quản lý đất đai cấp huyện sau khi đơn vị hành chính này được tinh gọn. Điều đó sẽ giúp các đô thị Vùng Thủ đô không rơi vào tình trạng ngưng trệ.
Phát triển Vùng Thủ đô theo mô hình TOD
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng chung quan điểm cần nhìn nhận lại quy hoạch Vùng Thủ đô hậu sáp nhập một cách toàn diện và đề xuất cách tiếp cận quy hoạch nên theo vùng sinh thái và quản lý theo lưu vực sông.
Theo ông, mô hình này không chỉ giúp kết nối hiệu quả giữa các khu vực núi, đồng bằng và ven biển, mà còn mở ra cơ hội đưa Vùng Thủ đô tiếp cận biển, tạo hành lang kinh tế gắn kết với "tam giác vàng" Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có cảng biển.
"Nếu như chúng ta khai thác, tận dụng được hết tất cả các tiềm năng này, thì sẽ giống như TP.HCM kết nối được với Cần Giờ, Côn Đảo, Vũng Tàu. Thế nên, Vùng Thủ đô cũng cần có một quy hoạch tương đương", ông Thọ nhận định.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). (Ảnh: Tùng Dương)
Bên cạnh đó, phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) - quy hoạch đô thị gắn với giao thông công cộng - được coi là giải pháp bền vững để hình thành hệ thống đô thị vệ tinh hiệu quả.
Mặc dù Việt Nam đã từng có định hướng quy hoạch Hà Nội với các đô thị vệ tinh từ những năm 1990, nhưng theo ông Thọ, đến nay vẫn chưa khai thác được đầy đủ lợi thế, đặc biệt là ở phía Đông Hà Nội.
Vì vậy, nếu làm tốt quy hoạch theo mô hình TOD, có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung cải thiện vượt bậc, từ đó đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên của cả nước.
Có thể thấy, phát triển Vùng Thủ đô hậu sáp nhập không chỉ là vấn đề kỹ thuật quy hoạch hay pháp lý đất đai, mà còn là cơ hội chiến lược để kiến tạo một vùng động lực phát triển mới, kết nối đa chiều, tận dụng tối đa tiềm năng liên vùng - liên ngành - liên cấp. Việc đồng bộ các chính sách, quy hoạch, cơ chế pháp lý và thu hút nguồn lực đầu tư xã hội sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa tầm nhìn này./.