Thành phố Pleiku trước năm 1975 là kiến trúc trại lính với những dãy nhà táp lô lợp tôn dùng làm khu gia binh, những hàng rào kẽm gai chăng xơ xài, những con đường đất giữa thị xã cuộn bụi đỏ suốt đêm ngày, những bờ rào dã quỳ, và cỏ Mỹ, bạt ngàn cỏ Mỹ... Trong cái thị xã ấy là cuộc sống nửa yên bình nửa khắc khoải, nửa thắc thỏm nửa nhàn cư của những số phận người. Một số lớn là gia đình binh lính, số nữa là dân Bắc di cư, phần đông nữa là dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam lên lập nghiệp...
Những ngày tháng 3 năm 75 thật sự là cơn biến động dữ dội với những người dân Pleiku. Vợ con lính chạy, lính chạy, sĩ quan chạy. Không chỉ người Pleiku chạy, mà hãi hùng là người từ Kon Tum, thậm chí Đăk Lăk chạy qua, ào ạt, cuồn cuộn, tuôn chảy... và cái dòng chảy vô tổ chức ấy đã kéo theo biết bao số phận người. Hàng vạn con người dồn về con đường số 7, khiến nó, thời ấy, được mệnh danh là con đường máu. Nhiều người không muốn chạy nhưng trước cảnh ấy cũng đã phải khăn gói chạy theo, diễn ra một cuộc di tản khổng lồ mà sau này có hai cuốn sách đã tả, là cuốn "Cuộc tháo chạy tán loạn" của một viên cựu sĩ quan tình báo Mỹ tên là Frank Sneep, và cuốn thứ hai là của một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, nhà văn Khuất Quang Thụy, "Trong cơn gió lốc".
Cho đến bây giờ, vết thương của cuộc tháo chạy ấy vẫn còn, ấy là những đứa trẻ lạc trong tháng 3 năm 75 ấy. Theo chị Thu Uyên, phụ trách chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" thì hiện nay đang còn hàng chồng hồ sơ đường 7 mà chương trình đang tìm kiếm, và thi thoảng trên chương trình này lại diễn ra cảnh những người lạc con trên đường 7, hoặc những đứa trẻ bị lạc thời gian ấy, gặp nhau, trùng phùng nụ cười và nước mắt...
Bây giờ thì con đường 7 kinh hoàng ngày xưa được gọi tên mới là đường 25, nó bắt đầu từ ngã ba Mỹ Thạch (thị trấn Chư Sê - nơi chỉ vài năm nữa sẽ là một thị xã xinh đẹp, hiện đại), rẽ đường 14, xuôi qua Phú Thiện, Phú Bổn (Ayun Pa), Krông Pa, xuống Củng Sơn, Sơn Hòa rồi nhập vào đồng bằng Tuy Hòa. Đấy là con đường êm ả, rợp bóng cây, chủ yếu là cao su và cà phê, xuyên qua mấy đô thị, rồi làng tiếp làng, miên man ngút mắt màu xanh, thắc thỏm hoa gạo, lâng lâng tiếng chiêng và chênh chao những cánh cò trắng phau như những túm bông được trời rắc xuống để làm êm ả những ngút ngàn xanh, những mênh mang bạc và miên man gió.
Hơn ba chục năm ở Tây Nguyên, đã hàng trăm lần tôi xuôi ngược nơi đây. Con đường phẳng lỳ rợp nắng chạy giữa mênh mông cánh đồng Ayun hạ với 13.500 ha lúa nước, một kỳ tích của công trình thủy lợi này khi nó biến cả một vùng cao nguyên khô khát thành đồng bằng trù phú, xuôi về đồng bằng Tuy Hoà mát rượi nước và màu xanh ngút ngàn của lúa với rất nhiều dã quỳ miên man vàng trong cái thắc thỏm cứ sợ màu vàng kia bỗng nhiên trôi mất, và pơ lang nữa, những cây pơ lang cô lẻ nhưng rừng rực lửa bên đường khiến bánh xe cứ tần ngần chậm lại...
Mê mải hai bên đường, rẫy xen lẫn ruộng. Những thửa ruộng đẹp như tranh vẽ, thấp thoáng đồng bằng, thấp thoáng Sa Pa, những uốn lượn thảo nguyên tạo nên những nét kỷ hà vui mắt. Rừng nguyên sinh không còn, tất nhiên, nhưng nó đã từng có, đã từng hiện diện nơi đây. Cái chuyện những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn biến mất cũng là một... kỳ tích, nhưng là kỳ tích buồn, kỳ tích phải chấp nhận như một thực tế và nó chảy qua lịch sử như một áng mây rất mỏng vương qua bầu trời ngày nắng yếu. Có những con người, những cái tên hết sức cụ thể, nhưng khi cần tìm, cần nhắc, thì có vẻ như, lịch sử lại... nương nhẹ.
Lãng đãng mây, vi vu gió, khoáng đạt tầm mắt và cái chân thì cứ muốn nhao ra cỏ, muốn lang thang trên cái mênh mang của thảo nguyên ngằn ngặt xanh mà hít mà thở mà vươn vai mà lững thững với gió với nắng với ngút ngát thảo nguyên. Thích nhất là bên đường, thi thoảng gặp một cây pơ lang cô lẻ, bừng bừng đỏ trong nắng, từng bông hoa như những giọt lửa bung lên trời xanh nỗi khao khát của những dồn nén hội hè. Những tháng mùa khô cuối năm thì vàng bung dã quỳ. Mùa nào thức nấy, chưa kể đoạn đèo Chư Sê, chỉ lá cũng đã muôn màu... Đây là khoảng thời gian đẹp nhất ở Tây Nguyên khi mà trời thì lồng lộng xanh, cây thì nôn nao biếc, nắng hổn hển vàng và gió cứ tãi ra, mài mình vào những taman trập trùng dã quỳ cuối mùa khô khấc đang ủ mầm cho những dâng hiến hết mình mùa tới. Cái dáng dã quỳ cuối mùa có vẻ đẹp riêng, nó không viên mãn tràn đầy mà chứa nỗi khát khao hao khuyết, nó rưng rưng nỗi đồng cảm xa xót tiếc nuối nhưng lại cũng rất tự tin trong cái thế ngẩng cao ngạo nghễ và thách thức?...
Mỗi khi qua con đường này, trong tôi lại cứ hiện lên cảnh hàng chục vạn con người cùng với xe cộ đồ đạc dồn ứ lại, hốt hoảng cùng cực, tuyệt vọng cùng cực, hoang mang cùng cực... trong tầm súng, tầm pháo. Và những cánh rừng, từng nguyên sinh, từng xanh, từng bí ẩn, dù bây giờ, con đường cũng vẫn uốn lượn giữa làng mạc ruộng đồng...
Lịch sử đi qua, nhưng ký ức còn ở lại...