Aa

Trung thu và... ước

Thứ Hai, 24/09/2018 - 06:00

Có tham gia mới biết là ra có rất nhiều nhóm thiện nguyện tổ chức rất nhiều việc có ích cho người nghèo, cho học sinh vùng sâu vùng xa. Lòng tốt cứ thế nhân lên, lan tỏa mà không cần điều kiện, không mặc cả, không phô trương, như các nhóm “Cơm có thịt”, “Mô tô học bổng” và hàng vạn nhóm tự phát khác đang lặng lẽ ngày đêm.

Mấy hôm nay, tôi âm ỉ một niềm vui, ấy là xin được ít tiền tổ chức Trung thu cho các cháu học sinh ở một trường rất sâu rất xa của tỉnh Gia Lai, trường THCS Ngô Quyền, xã Ia Rmok- huyện Krông Pa, cái tên xã và cả huyện mà nếu không quen sẽ đánh vần vẹo cả mồm không được. Tôi không xuống tận nơi được, mà ủy quyền cho cô giáo Mai Hương, một cô giáo tôi đánh giá là yêu học trò còn hơn yêu... con mình. Năm nào đến hè cũng chạy đôn chạy đáo xin sách vở, quà cho học sinh của mình. Xin để có cái... dụ chúng đi học, ngoài chuyện đã lấy lương của mình mua bánh kẹo sách bút dụ chúng, thì phải xin thêm các nhà hảo tâm mới đủ.

Hôm kia, một nhóm bạn trẻ tôi quen ở Pleiku cũng tổ chức một chuyến Trung thu sớm cho học sinh của một trường cũng hết sức sâu xa, cách thành phố Pleiku 200 cây số. Xuất phát từ buổi trưa, định là tối ấy tổ chức cho các cháu, nhưng đến 18 giờ, khi còn cách trường 20 cây số nữa thì một xe chở hàng bị lầy, không đi tiếp được. Thế là ngủ lại trên đường, sáng sớm hôm sau mới chuyển xong hàng sang xe mới rồi đến trường tổ chức cho các cháu. Xã này biệt lập với bên ngoài đến mức, trẻ con bị cận huyết không lớn được, đứa nào đứa nấy lùn tịt. Để thấy có tiền có quà rồi nhưng tổ chức cho các cháu cũng không dễ dàng gì.

Vui Trung thu giữa núi đồi.

Vui Trung thu giữa núi đồi.

Tôi là con cán bộ, hồi nhỏ thấy cơ quan bao giờ cũng tổ chức Trung thu cho con cán bộ công nhân viên. Thì chỉ là cái đèn lồng cô chú đoàn viên khéo tay nào đấy trong cơ quan làm, rồi mấy quả hồng, và rước đèn. Có cái trống ếch, đúng nghĩa trống ếch, là lấy da con ếch (thịt mẹ làm cho chén rồi) bịt vào ống bơ sữa bò lúc nó đang ướt, rồi để khô, và vẫn gõ bung bung được. Cứ cầm cái đèn lồng ấy đi quanh mảnh sân nhỏ múa theo kiểu thích đâu quay đấy, xong rồi phá cỗ. Thế mà rồi rạo rực suốt...

Thực ra thì, Trung thu là tết của nền văn minh lúa nước, bà con Tây Nguyên không có tết này. Nhưng giờ, không ai nỡ để học trò, trẻ em... Tây Nguyên “bơ vơ” giữa ngày này, nên một mặt là nhà trường, chính quyền, đoàn thể... tổ chức, mặt khác là các nhóm thiện nguyện. Và có tham gia mới biết là ra có rất nhiều nhóm thiện nguyện tổ chức rất nhiều việc có ích cho người nghèo, cho học sinh vùng sâu vùng xa. Lòng tốt cứ thế nhân lên, lan tỏa mà không cần điều kiện, không mặc cả, không phô trương, như các nhóm “Cơm có thịt”, “Mô tô học bổng” và hàng vạn nhóm tự phát khác đang lặng lẽ ngày đêm.

Càng ngày Trung thu càng trở nên thân thiện và gần gũi với mọi người. Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức những đêm hội rất vui và nhộn nhịp. Thành phố Tuyên Quang tổ chức “Lễ hội thành Tuyên”, là lễ hội Trung thu lớn nhất Việt Nam mà tôi đã có lần được chứng kiến. Tại lễ hội, hàng trăm lồng đèn các kiểu được rước bằng xe ô tô hoặc xe đẩy với hàng vạn người tham gia. Được biết từ một lễ hội tự phát của dân vào năm 2004, từng khu phố tổ chức làm lồng đèn Trung thu rồi rước trên phố và tự chấm trao giải, đến nay lễ hội này chính thức do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, thu hút rất đông khách du lịch khắp cả nước về đón Trung thu ngắm đèn ở thành phố bên dòng sông Lô tuyệt đẹp.

Ở một số tỉnh thành khác, phong trào múa lân Trung thu cũng đang tự phát, từng nhóm các cháu tập hợp mua đồ về làm lân hoặc thuê lân, tập rồi các tối gần Trung thu và Trung thu thì vào từng nhà múa và… xin tiền. Thì cũng xứng đáng thôi, các cháu phải bỏ tiền, công sức ra tập rồi đi múa. Nhưng vấn đề là, không khéo thì nó thành những chuyện không hay, vật chất hóa cái việc lẽ ra là rất đẹp này. Có nhà thì treo tiền thật cao trên tầng 2 tầng 3 bắt các cháu leo lên lấy rất nguy hiểm. Có nhà thì đóng cửa… trốn. Có nhà thì các cháu vào múa mãi không ra vì… chưa cho tiền…

Sáng nay ngồi cà phê, có người nói với tôi: Có hẳn một người/ nhóm người sau lưng các cháu, tổ chức cho các cháu múa lân thu tiền. Nếu đúng như thế thì không ổn rồi. Tại sao các cơ quan đơn vị, các đoàn thể phường xã… không đứng ra tổ chức hoạt động rất hay và ý nghĩa này nhỉ.

Trong khi chưa thể với hết xuống được vùng sâu vùng xa, thì những lễ hội lân, đèn lồng với việc góp công sức của cả xã hội (nhà ai chả có trẻ em, và ngay người lớn cũng thấy vui với trò chơi này) cho thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ… là việc có thể làm và nên làm...

Nhiều đoàn thiện nguyện đã mang Trung thu đến các truongf nghèo vùng sâu vùng xa.

Nhiều đoàn thiện nguyện đã mang quà đến tổ chức vui Trung thu cho các em học sinh trường nghèo ở vùng sâu vùng xa.

Là ước mong thế khi tôi chứng kiến mới sắp Trung thu mà những đoàn lân tự phát đang bắt đầu tập, có nhóm cũ có nhóm mới, có nhóm đã có sẵn đồ nghề, có nhóm giờ mới bỏ tiền sắm với hy vọng sẽ... huề vốn hoặc có lãi khi Trung thu đến. Và sẽ có những đoàn lân rồng rắn trên đường, và rẽ vào từng nhà, và các cánh cổng ngập ngừng đóng lại… vào đêm Trung thu..

Thì, trong khi dân thành phố thừa mứa no đủ với tất cả các hoạt động Trung thu, thì trẻ em vùng xa, nghe nói có đoàn từ thiện về tổ chức Trung thu, đã xốn xang mấy ngày chờ đợi, chỉ để xem Trung thu là cái gì, dù đa phần là được tổ chức trước, thậm chí cả chục ngày, không có trăng và mưa tầm tã...

Trung thu là của mọi người, thì nguyên tắc là thế, nhưng chia được cho đều để ai cũng được hưởng lại là chuyện khác, nó phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó, trước hết là tấm lòng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top