Aa

Giữa đại dịch, lan man nhớ xe buýt Hà Nội

Thứ Sáu, 17/04/2020 - 07:00

Tôi cưới vợ đầu năm 1987, cậy cục nhờ vả mãi mới ký thuê được một chiếc xe màu xanh. Buồn cười, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in từ số xe đến hình dáng và nội thất của chiếc xe cưới ấy.

Những ngày này, đang dịch Covid 19, chấp hành lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ, các tuyến xe buýt phải dừng hoặc hạn chế hoạt động. Ai đó có việc cần di chuyển mới thấy hết tầm quan trọng của xe buýt. Dẫu chỉ mang tính nhất thời nhưng sự vắng mặt của xe buýt là một hẫng hụt và thiếu thốn không nhỏ cho hành khách.

Tôi không dám chắc lắm nhưng có lẽ mọi đô thị trên thế giới đều phải có xe buýt. Bởi chính nó mang đến sự tiện ích di chuyển của mọi tầng lớp người dân. Giá trị sử dụng của xe buýt là điều đã được khẳng định. Những đô thị lớn, ngoài xe điện, gồm cả xe điện ngầm, xe điện trên cao và xe điện chạy trên đường phố, thì xe buýt vẫn là phương tiện cần thiết. Đấy là chưa kể xe điện chỉ dành cho những thành phố lớn. Với xe buýt, đó là phương tiện vận hành linh hoạt, có thể di chuyển trên mọi đường phố và chuyên chở một số lượng người không hạn chế. Hà Nội cũng vậy, xe buýt là phương tiện công cộng di chuyển hữu hiệu, không chỉ trong hiện tại mà còn cả ở tương lai.

Xe buýt thế giới có lịch sử lâu đời, từ thế kỷ 19. Ở Việt Nam, nó cũng đã xuất hiện gần một trăm năm nay. Ngay từ tấm bé, tôi đã được đi trên xe buýt và tuổi thiếu thời, cũng như nhiều học sinh khác, nếu học trường xa nhà, thì phương tiện di chuyển, ngoài xe điện, đó chính là xe buýt. 

Xe buýt Hà Nội xưa

Xe buýt cho tôi ấn tượng nhiều nhất là khi từ nơi sơ tán về Hà Nội dạo tạm ngừng chiến tranh phá hoại cuối năm 1968. Lúc đó, tất cả các trường học nội thành đều đang đóng cửa và khi học sinh từ nơi sơ tán quay trở lại, một số trường chưa mở kịp nên học sinh được điều động đi học ở các trường ngoại thành. 

Tôi được nhập học ở trường cấp 2 Nhật Tân. Từ bến xe Hàng Vôi, đám học trò bắt xe rất sớm để kịp giờ học. Xe buýt thời bấy giờ chưa có sự phân biệt hình thức so với xe khách đường dài. Chúng là những chiếc xe ca đóng na ná nhau và nom rất sơ sài từ nước sơn đến hình dáng, chỉ khác ở tấm biển chỉ dẫn tuyến đặt ở kính trước. Những ngày đi học này thật vui với đám học trò Hà Nội vừa từ các vùng quê sơ tán trở về. Tôi còn nhớ, mình phải dậy từ khi thành phố còn vàng vọt ánh đèn đường đêm, lần mò đi bộ đến quán ăn mậu dịch cũng ở phố Hàng Vôi. 

Dăm chục năm rồi, không còn nhớ nổi số nhà nữa. Quán mậu dịch này bán đồ ăn sáng là phở hoặc mỳ “không người lái”, là sợi mỳ với chỉ nước dùng, có giá đồng hạng 3 hào. Cũng có loại có thịt, giá 5 hào nhưng rất ít trẻ ăn loại cao cấp đó. Cánh tôi ngày ấy được bố mẹ cho tiền chỉ đủ ăn sáng nên có nhu cầu tiêu gì ngoài là phải cắt giảm từ chính tiền ăn hoặc máu hơn là nhịn hẳn suất sáng. Ngoài ra, còn có bánh mỳ cũng “không người lái”, đổi tem 225 gam và 1 hào phụ phí. 

Ăn xong, cả lũ lục tục ra bắt xe. Chiếc xe buýt sớm lặc lè rời bến chở chật cứng học sinh. Lúc chưa kịp có vé tháng hoặc quên vé, cánh tôi trốn vé rất tài. Mấy anh phụ lái vốn tinh tường, biết hết mọi mẹo mực của dân lậu vé nhưng cũng vái chào cánh học trò láu lỉnh.

Khi Hà Nội bỏ đường xe điện, thì xe buýt gần như là phương tiện giao thông công cộng đầu bảng. Các tuyến xe buýt được mở ở những điểm trọng yếu, đặc biệt là sự kết nối liên thông giữa các bến xe, nhà ga với nhau. Với chính sách vé tháng rất rẻ vì được trợ giá nên công nhân viên chức, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, là những đối tượng chính sử dụng xe buýt. 

Xe buýt - Phương tiện thân thuộc với người dân Thủ đô (Ảnh: Internet)

Một dạo tôi làm việc tận bên Đông Anh, nếu không có tuyến buýt Bến Nứa - Đại Độ, chắc chắn tôi phải bỏ việc, vì quãng đường hơn 20 cây số, sử dụng xe đạp là một sự hành xác mỗi ngày, không thể đáp ứng được hiệu suất lao động. Xe buýt thời kỳ này đã được cải tiến đáng kể. Nhiều xe được đóng mới. 

Giàn xe Karosa to và dài với 2 màu xanh, đỏ rất bắt mắt và hiện đại, chủ yếu vận hành tuyến Nhà hát lớn - Hà Đông. Những năm 80 và đầu thập kỷ 90, các đám cưới thường sử dụng xe này làm xe rước dâu. Cũng phải rất kỳ công mới thuê được xe và hợp đồng thuê xe cưới phải làm trước, thậm chí là vài tháng. Tôi cưới vợ năm 1987, cậy cục nhờ vả mãi mới ký thuê được một chiếc xe màu xanh. Buồn cười, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in từ số xe đến hình dáng và nội thất của chiếc xe cưới ấy. Nó là một kỷ niệm khắc dấu vào cuộc đời.

Tiến trình của xe buýt Hà Nội luôn đúng quy luật phát triển theo xu hướng hiện đại nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Xe máy chẳng hạn. Xe máy dần thay thế xe đạp một thời. Xe máy không chỉ loại bỏ hẳn các thế hệ xe đạp mà còn trực tiếp uy hiếp cả xe buýt. Đầu tiên là sự tiện ích và cơ động của xe máy trên phương diện cạnh tranh và sau đó cho đến thời điểm hiện tại, xe máy là tác nhân chính gây tắc đường khiến xe buýt lao đao trong vận hành. 

Tuyến buýt nhanh BRT hiện đại (Ảnh: Internet)

Nhưng xu thế của đô thị hiện đại vẫn là phát triển xe buýt. Điều đó là chắc chắn. Hà Nội hiện có hơn trăm tuyến xe buýt với hàng ngàn xe, chạy dọc ngang, đan khắp nội, ngoại thành. Mỗi ngày, xe buýt chuyên chở hàng trăm ngàn lượt người. Bên cạnh các tuyến buýt thường, thành phố còn triển khai các tuyến xe buýt nhanh BRT. 

Dẫu rằng tuyến buýt BRT đầu tiên Yên Nghĩa - Kim Mã với đường dành riêng chưa hiệu quả, vì mật độ phương tiện tuyến đường này quá đông đặc nhưng với xu hướng cấm xe máy có lộ trình trong nội đô thì tương lai của BRT là hoàn toàn khả dĩ. Chắc chắn Hà Nội sẽ triển khai buýt BRT đồng bộ cùng với phát triển các tuyến buýt thường.

Nghĩ lại thời buýt xưa, tôi đi học và hôm nay, học sinh, sinh viên đa phần đến trường bằng xe buýt đẹp, rộng rãi, điều hòa mát lạnh, kể cả lúc cao điểm, giờ tầm, thì cũng rất hiếm gặp phải cảnh "lèn cá hộp" trên xe như dạo nào, mới thấy hết sự phát triển của xe buýt Hà Nội. 

Tương lai phương tiện vận chuyển công cộng của Hà Nội chắc chắn vẫn là xe buýt. Điều đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng hiện đại của một đô thị tầm cỡ Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top