Aa

Chuyện thứ ba: Từ chiếc giường cá nhân đến căn hộ 25m2

Thứ Hai, 06/09/2021 - 06:00

Để chuyển biến một tư duy kinh tế không hề dễ dàng, kể cả đối với những hoạt động kinh tế đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội, như vấn đề nhà ở...

Việc lo chỗ ở cho những người độc thân và các gia đình trẻ 2 - 3 người là cả vấn đề được tranh cãi đến hơn nửa thế kỷ, từ hệ thống quản lý cao cấp nhất của Nhà nước cho đến những đơn từ xin cấp nhà ở nhiều như châu chấu của những thanh niên mới ra trường, những đôi vợ chồng mới cưới hoặc mới sinh con.

Hồi lứa chúng tôi vừa tốt nghiệp đại học, được phân công công tác về những cơ quan của Nhà nước, ai cũng được phân một chỗ ở, đó là nơi đặt chiếc giường cá nhân chung với vài người nữa trong một căn phòng tập thể. Người may mắn thì được ở căn 18m2, còn nhiều khi chỉ 12m2.

Thời bao cấp cũng có cái hay, tức là ai được đào tạo qua trường lớp, kể cả đại học hay trung học, khi ra trường đều là người “của Nhà nước”, sau một hoặc hai năm tập sự là được vào biên chế, là được hưởng chế độ phân phối tem phiếu cao hơn người dân bình thường. Về chỗ ở thì thấp nhất là được cấp một chiếc giường cá nhân.

Tôi hơn cả may mắn, được tuyển về báo của Bộ Nội thương và được cấp nơi ở tại khu tập thể của Bộ tại 92 Hai Bà Trưng (Hà Nội). Nói là hơn cả may mắn bởi căn phòng tập thể của tôi vốn là căn tiếp khách của một tòa biệt thự xây từ hồi Pháp thuộc, rộng 30m2. Rồi trước cửa lại là một cái sảnh chung rộng khoảng 20m2 nữa để làm bếp và nơi làm nhiều việc gia đình, thật là lý tưởng hồi bấy giờ.

Nhà tập thể
nhà tập thể

Những khu nhà tập thể cũ tại Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Đấy là chuyện của những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng hơn 40 năm sau, một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc có cho phép xây căn hộ 25m2 để đáp ứng nhu cầu của những người độc thân và các gia đình trẻ tại những khu đô thị lớn hay không đã kéo dài gần chục năm, cho đến thời gian gần đây.

Sự kiện ấy đã cho thấy rằng, để chuyển biến một tư duy kinh tế không hề dễ dàng, kể cả đối với những hoạt động kinh tế đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội, như vấn đề nhà ở. Trong chuyện này, đặc biệt là quan điểm của TP.HCM nhất nhất phản đối và cho rằng, sự xuất hiện của căn hộ 25m2 sẽ gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, hình thành những khu ổ chuột, gây mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, hiện đã có khoảng 3 triệu lao động nhập cư, trong đó hơn 50% là lao động có thu nhập trung bình và thấp. Hàng triệu con người vẫn ở trong những căn phòng 15 - 20m2, tồi tàn, chật hẹp, thiếu an ninh, an sinh, an toàn PCCC. Ước mơ của họ là một căn hộ diện tích nhỏ, giá từ 200 - 300 triệu đồng/căn bởi phù hợp với tiềm lực tài chính.

Câu chuyện tranh cãi mấy chục năm cứ ngỡ là rất phức tạp, nhưng nếu chỉ cần đọc một đoạn dưới đây của TS. Đinh Thế Hiển trong một cuộc tọa đàm với chủ đề "Căn hộ 25m2: "Nhà ổ chuột" trên cao hay "tổ chim họa mi" trong mơ?" thì mọi việc lại có vẻ dễ hiểu đến bất ngờ.

“Lo ngại của TP.HCM là đúng nhưng hơi vô duyên. Lý do duy nhất mà TP.HCM không đồng ý cho xây dựng căn hộ 25m2 là lo nát hạ tầng, vỡ quy hoạch. Thế nhưng, cần nhớ rằng, mỗi dự án được duyệt luôn luôn phải bảo toàn được quy hoạch của khu dân cư ở nơi đó. Cho dù được xây 25m2, nhưng dự án với diện tích đó, trong khu vực đó chỉ được có một số lượng dân cư như vậy thôi thì chủ đầu tư có muốn chia, muốn vẽ thế nào cũng chỉ được từng ấy căn đủ cho số lượng dân cư đã được duyệt. Số người ở phải tương xứng với diện tích xây dựng và cảnh quan, công viên dự án. Tổng số dân số phù hợp với mật độ xung quanh.

Cho nên, vấn đề cốt lõi không phải là 25m2 hay 30m2, cũng không phải câu chuyện so sánh với Singapore hay Nhật Bản, Hồng Kông có nhà mười mấy mét vuông, mà là câu chuyện quy hoạch. Quy hoạch có chuẩn mực không, thực hiện quy hoạch có nghiêm túc không?

Căn hộ 25m2
quy hoạch đô thị

Vấn đề cốt lõi không phải là 25m2 hay 30m2 mà là câu chuyện quy hoạch. (Ảnh minh họa: Internet)

Tại sao tôi nói 2 vấn đề này? Thứ nhất, quy hoạch là chuyện vài chục năm, khi đã quy hoạch xong thì không ai được phép nhân danh ai để phá quy hoạch đó, bởi đó là tính toán dài hạn. Khi quy hoạch đúng rồi thì phải thực hiện nghiêm túc. Liệu có xảy ra việc "chạy" quy hoạch hay không, đó là điều phổ biến ở TP.HCM hiện nay.

Nếu việc thực hiện quy hoạch diễn ra nghiêm túc thì cho dù là căn hộ 10m2 cũng không thể nào ảnh hưởng đến hạ tầng. Chúng ta đang bỏ qua cái “gốc” mà chỉ lo nói về phần “ngọn”. TP.HCM cứ lo ngại nhà 25m2 sẽ gây áp lực hạ tầng, quy hoạch, nhưng phải nhớ rằng chuyện phá quy hoạch hay không là do chính quyền Thành phố".

Đến nay thì mọi điều đã ngã ngũ. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 21 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhà chung cư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 đối với dự án nhà ở thương mại.

Như vậy, từ nay, căn hộ chung cư 25m2 đã được tồn tại với nhiều yêu cầu kèm theo, như đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án; diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9m2…

Và cũng từ nay, những sinh viên mới ra trường, những hộ độc thân hay những đôi vợ chồng trẻ sẽ có nhiều lựa chọn hơn, chứ không nhất thiết phải ám ảnh với chiếc giường cá nhân trong một căn phòng chật hẹp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top