Theo kiến thức cơ bản của công việc bán hàng thì tối kỵ nhất là cụm từ “lưu động”, bởi lẽ muốn khách hàng đến với mình thì phải tạo ra trong trí nhớ của họ một nơi “neo đậu” liên quan đến hàng hóa đó, thí dụ như địa chỉ giao dịch, thời gian bán hàng, nhãn mác ấn tượng, màu sắc, hương vị đặc trưng của sản phẩm… Cho nên, việc tổ chức quầy hàng lưu động thường chỉ được hình thành trong hoàn cảnh không bình thường, thí dụ như thời chiến hoặc như thời chống “giặc Covid-19” chẳng hạn.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi được biết, để đáp ứng nhu cầu giãn cách xã hội, Hà Nội đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm. Sở Công Thương TP.HCM mới đây đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán hơn 100 mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt…
Cũng là chuyện quầy hàng lưu động, thời chiến tranh biên giới Tây - Nam, tôi cũng đã từng đươc Bí thư huyện ủy huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) trực tiếp giao trọng trách làm tổ trưởng một tổ bán hàng lưu đông phục vụ bà con chạy giặc Pôn Pốt dọc theo đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Hồi đó vào khoảng cuối năm 1977, lính Khơ me đỏ tràn qua biên giới tàn sát dã man, người dân cả bên Campuchia lẫn Việt Nam chạy loạn tứ tán vào các khu rừng, rồi được bộ đội Việt Nam tập trung vào hình thành các khu dân cư vùng an toàn. Tôi khi ấy đang là phóng viên báo Nội Thương được Bộ điều động vào làm giáo viên biệt phái tại Trường Thương nghiệp Tây Ninh (vì tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành thương nghiệp của Bộ).
Tổ bán hàng lưu động của tôi gồm 11 học sinh lớp bán hàng, đều ở độ tuổi 18 - 19, trẻ măng và ngơ ngác. Còn tôi là tổ trưởng chưa đến tuổi 26. Chúng tôi đươc huyện cấp cho một chiếc ô tô tải cũ, một khẩu súng AR15 và một lượng hàng hóa đủ chất lưng lửng thùng xe, nào thịt lợn muối, cá khô, nước mắm, rồi kem giặt, vải mặc, kể cả những vật dụng nhỏ như khăn mặt, kim chỉ, dây chun… Tất cả đều được bán với giá bao cấp rất rẻ và bán theo tiêu chuẩn trong mỗi cuốn sổ mua hàng của từng gia đình đã được chính quyền địa phương cấp.
Chiếc xe tải cà tàng của chúng tôi luồn lách qua những cánh rừng bạt ngàn trên con đường nhỏ hẹp gập gềnh còn sót lại từ hồi chống Mỹ. Có hôm, xe bị sụt hố lầy, phải cử người đến đơn vị bộ đội gần nhất nhờ hỗ trợ. Thầy trò bị một đêm thấp thỏm ngủ giữa rừng bởi lúc nào cũng sợ giặc Pôn Pốt tràn sang cướp hàng, giết người…
Khỏi phải nói, khi xe hàng chúng tôi đến, người dân vùng chạy giặc hạnh phúc như thế nào. Có người vừa mua hàng vừa khóc. Có người chỉ chìa sổ mà không có tiền… Nhìn những người dân lam lũ, hốc hác, chúng tôi tuy khi ấy còn rất trẻ nhưng ai cũng thấy mủi lòng. Chúng tôi cố gắng bán hàng cả ngày lẫn đêm, 10 giờ tối mới nghỉ ăn cơm. Sáng hôm sau 7 giờ lại bán tiếp đến khi hết hàng. Rồi quay xe về lấy hàng, lại đi tiếp…
Đấy là chuyện quầy hàng lưu động thời bao cấp, thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Còn bây giờ đến thời kinh tế thị trường chống “giặc Covid-19”, hàng hóa không khó khăn, khan hiếm như ngày xưa, người dân cũng không thiếu thốn như ngày xưa, phương tiện vận chuyển cũng thuận tiện hơn ngày xưa, nhưng chắc chắn, những người dân vùng phong tỏa vẫn mong ngóng, hy vọng và chờ đợi sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng. Vậy mà đã sau gần hai năm chống chọi, việc tổ chức cung ứng hàng hoàng hóa cho người dân vùng bị phong tỏa sao cứ lúng túng mãi vậy?
Đáng lẽ ra, việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân khi bị phong tỏa đã phải được lên kịch bản chuẩn bị sẵn sàng ứng phó ngay khi chưa xuất hiện F0 ở tại mỗi cấp chính quyền xã, phường. Ở đâu chẳng có chợ, ở đâu chẳng có lực lượng cung ứng chuyên nghiệp hàng hóa thiết yếu vẫn hằng ngày, hằng giờ vận hành theo nhu cầu của cuộc sống. Ngay từ khi chưa xuất hiện dịch, lực lượng này đã phải được chính quyền phường, xã chọn lựa, tập huấn, thao tác những phương án giả định… và hình thành những tổ chức người dân tình nguyện… tựa như công tác PCCC vậy.
Đến khi dịch xảy ra, không chỉ lực lượng công an, dân phòng, lực lượng y tế mà cả lực lượng cung ứng hàng hóa, trong đó có các quầy hàng lưu động, cứ theo kịch bản ứng phó mà triển khai. Thế nhưng, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi đã hoàn toàn bị động hoặc trông chờ vào cấp trên.
Trở lại việc Hà Nội đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm. Thiết nghĩ, việc quản lý kinh doanh thương mại là một lĩnh vực có tính chuyên ngành cao, nếu Sở Công Thương không vào cuộc, hỗ trợ xây dựng một chiến lược dài hạn, một kịch bản chi tiết phù hợp hoàn cảnh từng địa phương thì mỗi quận, huyện, thị xã lại tiếp tục xảy ra tình trạng "lúng túng như gà mắc tóc" như hiện nay, mặc dù trong hoàn cảnh thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều.