Tháng tư là tháng có nhiều ký ức, có ký ức của mỗi người và ký ức lịch sử dân tộc. Chính ký ức đã cho ta nhớ lại một thời với bao cảm xúc thiêng liêng, với bao kỷ niệm ân tình, với bao nhung nhớ khó quên. Có cả ký ức mùa, ký ức của thiên nhiên với bao hoài niệm lưu luyến chợt vun lên, nhóm lên và khơi dậy lan tỏa. Trở về với ký ức là trở về với những gì thân quen, những gì gắn bó để cho ta thêm trân trọng ngày hôm nay, để cho ta thêm tự tin, tự hào với ngày hôm qua. Ký ức như một phiên bản cùng đồng hành cùng cộng hưởng, cùng sẻ chia, cùng giao cảm...
Nắng tháng tư là nắng đầu mùa hạ, vừa lạ vừa quen, vừa cũ vừa mới. Có gì vừa nồng nàn lại vừa đắm đuối. Cái khoảnh khắc giao mùa vừa mới qua rạo rực đâm chồi nảy lộc của mùa xuân có chút gì đó còn ẩm ướt, bỗng tràn trề tung mở háo hức của một “Mùa hạ chín khi trời còn xanh vỏ” để đến với “Vòm trời ngọt lắm rồi/ nắng vẫn rót mật ong”. Cái nhiệt độ của nhiệt kế thiên nhiên bỗng nhiên chênh chao tạo ra chút gì hẫng hụt, bất ngờ nhưng không chới với mà cân bằng lại, mà hết mình hơn, mà vỡ òa những nhen nhóm niềm vui như một khát vọng được mở ra thành hiện thực…
Năm nay là năm nhuận, vì thế một sự ngẫu nhiên tình cờ rất ý nghĩa của những dấu mốc lịch sử, ký ức thiêng liêng của dân tộc lại trùng nhau. Nếu như 29/04 là ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì tờ lịch thời gian lật sang 30/04 là ngày Giải phóng miền Nam mang bao hào khí thiêng liêng, trầm tích ngàn đời của non nước vào trận đại thắng mùa xuân thống nhất trọn vẹn đất nước.
Có lẽ hòa bình, thống nhất là khát vọng ngàn đời của nhân dân ta. Ngay từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ đã thống nhất với một “đồng bào” cùng chung bọc trứng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Đất nước” nổi tiếng đã viết: “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” - ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm.
Ngày đó, bao người con đất Việt nếu có điều kiện thì trở về đất tổ Hùng Vương, với miền trung du bao quả đồi bát úp như những mâm xôi xoè ra, những tán cọ như ngọn lửa xanh. Về với đất tổ, dưới những tán cây cổ thụ xanh mát để dâng hương nhớ về tổ tiên, nhớ về sự tích bánh chưng bánh dày, nhớ về giếng ngọc soi trong. Những đoàn người với trăm giọng nói khác nhau, trăm miền quê khác nhau nhưng có chung một tiếng Việt ân tình, tiếng Việt đã chắp cánh cho bao làn điệu dân ca mang âm hưởng phong thổ vùng miền, bao luyến láy chấp chới cánh cò trên đồng lúa mênh mông.
Hạt nếp trên mâm xôi thơm dâng vua Hùng cũng mang bao phong vị phù sa nắng mưa lụt bão. Dòng dõi “con Lạc cháu Hồng” như một căn cước văn hóa để định vị một cốt cách, một gia phong, một tinh thần, một ý chí. Mềm mại mà quyết liệt như sóng Bạch Đằng; như sông Hồng, sông Thương, sông Hương, sông Mã. Rắn rỏi mà dẻo dai như thân tre Phù Đồng, như thuyền nan tre sông rạch miền Nam.
Về với đền Hùng tháng 4, ta bồi hồi nhớ lại hình ảnh Bác Hồ kính yêu ngồi trên bậc thềm đền Hạ vẫn áo quân phục khoác vai, vẫn chân dép lốp cao su vừa qua 9 năm trường kỳ kháng chiến căn dặn Đại đoàn Quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vâng, thưa Bác, trong ngày Đại thắng mùa Xuân 1975 có bao chiến sĩ giải phóng quân mũ tai bèo xạm khói thuốc súng, trên những cỗ xe tăng “voi thép” húc đổ cổng Dinh Độc Lập đã tiếp nối truyền thống: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Trong đó có những người là con, cháu của những chiến sĩ về giải phóng Thủ đô năm 1954 trong Đại đoàn Quân Tiên Phong năm ấy.
Bản hùng ca bất diệt của Đại thắng mùa Xuân 1975 cũng là bản hùng ca khát vọng thống nhất Tổ quốc trọn vẹn một dải non sông từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, một dải đất nước hình chữ S thân yêu không còn giới tuyến chia cắt. “Nam Bắc sum họp một nhà”, đó là ước vọng lớn lao nhất của Bác Hồ.
“Miền Nam đi trước về sau” và “Miền Nam thành đồng tổ quốc”. Miền Nam nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Và hôm nay, trong ngày vui đại thắng, Bác đã trở về với đoàn quân “Bộ đội Cụ Hồ” trong những tấm chân dung của Người với ánh mắt cười vui, chòm râu trắng bạc phơ với vầng trán rộng. Chiến dịch Đại thắng mùa Xuân lịch sử được mang tên Người: Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thành phố Sài Gòn giải phóng được mang tên Người: Thành phố Hồ Chí Minh.
Và khúc ca chiến thắng “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, nhịp điệu tiết tấu khỏe mạnh, hân hoan đậm chất hành khúc, không chỉ là tiếng lòng của nhạc sĩ mà còn thể hiện niềm vui bất tận của triệu trái tim Việt Nam trong khải hoàn bài ca thống nhất: “Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang - Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam - Tổ quốc anh hùng”.
Cũng hòa chung khí thế hào hùng đó, bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên với giai điệu giản đơn, ngôn ngữ mộc mạc, ngắn gọn, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ như một tiếng lòng được bật ra từ triệu triệu trái tim người con đất Việt ước nguyện về một ngày được trọn vẹn hòa bình thống nhất Tổ quốc: “Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng - Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông - Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công...”.
Bản hùng ca bất diệt: Đại thắng mùa Xuân 1975 là một hành trình, là đỉnh cao của cả một chặng đường đấu tranh lâu dài của lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc ta. Đó là trữ lượng của truyền thống đánh giặc, là cội nguồn của lòng yêu nước nồng nàn của khối đoàn kết đồng bào chung một bọc trứng Âu Cơ, chung con Lạc cháu Hồng.
Ta cứ ngỡ như những cỗ xe tăng thiết giáp cài lá ngụy trang ba miền xạm đen khói súng vào giải phóng Sài Gòn còn mang âm hưởng, hình bóng của những con voi chiến ngày xưa trong cuộc hành binh thần tốc của vua Quang Trung vào thành Thăng Long. Trận thắng ngày 30/04 tô thêm lịch sử còn ghi lại những cột mốc: Trận Bạch Đằng (1288) chống quân Nguyên Mông; trận Chi Lăng (1427) chống quân giặc Minh; trận Đống Đa (1789) chống quân Thanh với khí thế: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu” trong thơ tướng quân Trần Quang Khải đời nhà Trần.
Nắng tháng tư, có một loài hoa như là tín hiệu trỏ lối sang mùa hạ - đó là hoa loa kèn xuống phố. Hoa loa kèn nở bung như những chiếc kèn đồng trong dàn hợp xướng của mùa hạ lắm sắc màu và âm thanh náo nức. Tháng tư, hoa loa kèn gợi cho ta nhớ về những khúc ca khải hoàn chiến thắng của ngày 30/4 hào hùng lịch sử. Những bông hoa loa kèn như dàn kèn trong đội quân nhạc cử hành khúc ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Ngày thường, Bác Hồ rất thích màu hoa huệ trắng trong, tinh khiết. Thưa Bác, màu hoa loa kèn tháng tư cũng tinh khiết, trắng trong như màu huệ trắng. Nếu như hoa loa kèn ngân lên vang vọng những giai điệu tự hào hướng ngoại thì bông huệ trắng lại thiêng liêng, trầm lắng hướng nội nhớ về những người đã khuất. Bao đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường cho ngày mừng vui chiến thắng hôm nay, mà bạn tôi - nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý đã viết bài thơ “Bông huệ trắng” thật xúc động về những người lính đã hy sinh: “Những người lính tay cầm bông huệ trắng - Họ trở về nơi họ đã ra đi”…
Hoa loa kèn mang theo hương đồng gió nội, một màu hoa dung dị thầm kín khiêm nhường giấu mình trong lộng lẫy với màu trắng tinh khiết. Cái loài hoa chỉ nở một lần, một thời vụ trong năm và cũng chỉ dài hơn một tháng. Cái chớp loé, cái khoảnh khắc, cái một thời, cái mãi mãi như những dào dạt sóng vỗ vào ký ức. Tháng tư không chỉ là khúc giao mùa, mà còn giao thoa giữa con người với quá khứ hào hùng lịch sử, giữa con người với bao cây cối vạn vật quanh ta. Tháng tư mang bao nỗi niềm, bao cảm xúc, bao hoài nhớ. Hợp âm tháng tư chồng lên bao cung bậc, là ngân dài cộng hưởng, là vọng về bao nhớ thương.
Tháng tư ơi, biết mấy ân tình!