Cơ hội thu hút quỹ đầu tư bất động sản
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vốn vay ngân hàng thương mại, với tính chất ngắn hạn. Trong bối cảnh vướng mắc pháp lý kéo dài, thanh khoản thị trường sụt giảm, nhiều doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó khăn trong việc chủ động về dòng tiền.
Do đó, việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản liên tục được đặt ra. Nhưng trong nhiều trường hợp, giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản khó tìm được tiếng nói chung.
Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cần có các cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác.
Cụ thể như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…, hay thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài.
"Việc phát triển dự án bất động sản cần nguồn vốn lớn và dài hạn, rất phù hợp với tính chất của quỹ REIT. Những dấu hiệu phục hồi của thị trường đang là cơ hội tốt để chúng ta thúc đẩy phát triển các quỹ đầu tư", ông Đính nói.
Ngoài ra, ông Đính cũng đề cập đến một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho dòng vốn của doanh nghiệp. Trong đó, việc sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, hướng dẫn rõ những điểm chưa được quy định cụ thể trong luật. Từ đó, giúp các dự án tắc nghẽn sớm tái khởi động, hay chính quyền địa phương có căn cứ, cơ sở phê duyệt dự án mới.
Hay việc nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền đại đa số người dân là cần thiết. Nếu có cơ chế tốt, chủ đầu tư sẵn sàng tham gia và người thu nhập thấp và trung bình cũng có điều kiện tiếp cận hơn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại, thông qua cơ chế minh bạch thông tin, lấy lại niềm tin nhà đầu tư.
Tại "Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 – Vượt qua thách thức" gần đây, bà Diane Tan, Đối tác tư vấn - quản lý từ Hiệp hội Phát triển Bất động sản Đầu tư Châu Á (APDC) cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang rất tiềm năng đối với nhiều nhà đầu tư lớn trong khu vực.
Song để thu hút được nguồn vốn toàn cầu, bà Diane Tan cho rằng, doanh nghiệp Việt cần xây dựng một lịch sử hoạt động tích cực, nhất quán với các dự án thành công và danh tiếng.
Đồng thời, đơn vị gọi vốn cũng cần xây dựng một bản đề xuất đầu tư hấp dẫn, trong đó phản ánh rõ khả năng thực hiện dự án, kế hoạch tài chính và lợi nhuận tiềm năng. Hay việc đưa các nguyên tắc bền vững vào việc thiết kế và xây dựng dự án cũng góp phần thu hút nhà đầu tư.
Thông tin cụ thể hơn, ông Sam Ong, Chủ tịch Viện Đại lý bất động sản (IEA) cho biết, từ trước đến nay, các nhà đầu tư Singapore ưu tiên đầu tư vào phân khúc chung cư, nhà phố hoặc biệt thự xây sẵn ở những vị trí đẹp. Và gần đây, do xu hướng chuyển dịch, cũng như thường xuyên đi tới Việt Nam, nên các nhà đầu tư và khách hàng bắt đầu quan tâm tới những phân khúc khác như trung tâm thương mại và khách sạn.
"Nhưng để nhà đầu tư "xuống tiền", ngoài cam kết về chính sách bán hàng, doanh nghiệp bất động sản Việt phải đảm bảo sự minh bạch về pháp lý và đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng dự án", Chủ tịch IEA cho hay.
Doanh nghiệp bất động sản nước ngoài dựa vào nguồn vốn từ quỹ đầu tư như thế nào?
Việc cố gắng thu hút nguồn vốn từ các quỹ tài chính là điều gần như tất yếu đối với các doanh nghiệp bất động sản ở nước ngoài, nhằm giảm việc phụ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn của ngân hàng. Thông qua việc xây dựng một lịch sử hoạt động tích cực, đưa các nguyên tắc bền vững vào việc thiết kế và xây dựng dự án, các doanh nghiệp bất động sản ngoại thường thu hút được dòng vốn lớn trên toàn cầu.
Cựu Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản thế giới, ông Farook Mahmood Frics cho hay, xu hướng huy động vốn ngành địa ốc trong thời gian tới là gây quỹ bất động sản.
Theo đó, các nền tảng gây quỹ bất động sản thông qua gọi vốn cộng đồng đã phổ biến trong những năm gần đây. Kênh này cho phép cá nhân đầu tư vào bất động sản với số vốn nhỏ hơn. Năm 2024, trong bối cảnh nhiều cá nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, hoạt động gây quỹ bất động sản kiểu này được dự báo sẽ phát triển mạnh hơn.
Theo TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (DXS), vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản tại Australia chỉ chiếm 30%. Đồng thời, chủ đầu tư có thể gọi vốn từ nhiều quỹ tài chính dành riêng cho bất động sản, có thể lên đến hơn 30%.
Còn ông Eric Park, Chủ tịch Hội Phát triển dịch vụ bất động sản Hàn Quốc, cho biết, các doanh nghiệp tại đây sở hữu nhiều kênh huy động vốn khác nhau. Bao gồm cả các khoản tài trợ "hạng hai", kết hợp giữa tài trợ nợ và tài trợ vốn chủ sở hữu. Nghĩa là, đó vừa là một khoản vay, vừa là một khoản đầu tư. Nếu khoản vay không thể hoàn trả, nhà đầu tư có thể sở hữu một phần của dự án.
Ngoài ra, ông Eric Park cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn huy động vốn từ đối tác và vốn từ Chính phủ. Sự lựa chọn có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình tài chính của chủ đầu tư và quy mô, đặc điểm của dự án.