Tăng trưởng tín dụng đạt 9,87%, tương đương 85.800 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế
Trong tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng vẫn đang là bài toán khó đối với Chính phủ, ngành ngân hàng cùng các cơ quan quản lý. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khó khăn chủ yếu đến từ yếu tố khách quan, bởi thực tế tín dụng của các nước trên thế giới cũng tăng chậm do tổng cầu thế giới giảm chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87%. Trước đó, tính đến ngày 31/11, tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 0,72 điểm phần trăm, tương đương khoảng 85.800 tỷ đồng đã được bơm thêm ra nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,17%; Công nghiệp và xây dựng là 7,31%; Hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông đạt 11,94%; Các hoạt động dịch vụ khác là 5,3%.
Có thể thấy, mức tăng trưởng tín dụng này đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%. Theo bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 6 nguyên nhân dẫn đến dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm cuối năm 2023 vẫn còn thấp: Thứ nhất, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.
Thứ ba, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.
Thứ tư, sau khoảng thời gian nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Thứ năm, khó khăn trong việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề pháp lý (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...); danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư chậm ban hành khiến các ngân hàng khó tiếp cận, thẩm định dự án.
Lý do cuối cùng là những vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, theo bà Bùi Thuý Hằng, mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính. Từ đó, các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, có lẽ mức tăng trưởng tín dụng 11% sẽ là mức hợp lý để có thể đạt được, còn mức 12% vẫn hơi cao và mục tiêu 14% là không khả thi.
Để có thể đạt được mức 11%, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu sẽ dựa trên các yếu tố như: Thứ nhất, có nhiều doanh nghiệp, công ty hiện nay đang cố gắng đạt được chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh trong tháng cuối năm để kéo kết quả cả năm sẽ khởi sắc hơn.
Thứ hai là sức tiêu thụ của nền kinh tế những tháng cuối năm, trước dịp lễ, tết sẽ tăng mạnh. Một khi sức tiêu thụ tăng nhanh thì doanh nghiệp và người dân cũng sẽ có nhu cầu vay tiền nhiều hơn, chính vì thế sẽ đẩy mức tăng trưởng tín dụng cao trong tháng cuối năm này.
Thêm một lý do nữa là lãi suất cho vay mặc dù không giảm nhiều nhưng vẫn đang trong xu hướng giảm nên các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn thì họ cũng sẽ mạnh tay hơn trước. Tuy nhiên, trên thực tế thì các ngân hàng cũng vẫn phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán HSC cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong tháng 12 với mức tăng từ 2,5 - 3% so với tháng trước, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 có thể đạt khoảng 10,5 - 11%. Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện và đạt 10% so với đầu năm nhờ vào các ngành sản xuất phục hồi với việc đơn hàng sản xuất tăng trở lại, ngành xây dựng phục hồi nhờ thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại trong dịp lễ tết cuối năm.
Đặc biệt, một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, để kích thích tăng trưởng tín dụng thì nên xem xét nới kênh tín dụng cho bất động sản, bởi hiện nay, nhu cầu về bất động sản trên thị trường vẫn rất lớn.
Tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản
Nhìn nhận và đánh giá được vai trò của thị trường bất động sản trong tổng thể bức tranh nền kinh tế Việt Nam, từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất…
Do đó, mới đây vào ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.
Được biết, trước đó ngày 24/10, tại Công điện số 993/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Cùng với đó, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, Việt Nam vẫn đang “giằng co” giữa hai vấn đề nên tăng trưởng tín dụng cho bất động sản hay không. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào bất động sản và bất động sản chính là một trụ cột của nền kinh tế. Nếu không cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản và để lĩnh vực này luôn trong tình trạng thiếu vốn thì rủi ro cho nền kinh tế là rất lớn.
Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên tăng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, hiện thị trường bất động sản đang mang trong mình rất nhiều rủi ro. Do đó, ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng cần rất cẩn trọng khi cho vay bất động sản.
“Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp một chút nhưng tránh được rủi ro, hệ luỵ từ nợ xấu thì vẫn tốt hơn là cho vay bất động sản một cách ồ ạt. Nếu mạnh tay cho vay để tháo gỡ những khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp bất động sản nhưng đến cuối cùng, các nhà kinh doanh bất động sản không sử dụng dòng tiền đó một cách hợp lý và không thể trả nợ thì nợ xấu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế là rất lớn”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Về phía lãnh đạo ngân hàng thương mại, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cho rằng, đối với lĩnh vực bất động sản, nếu “gỡ” được vướng mắc về pháp lý thì giải ngân vốn trong lĩnh vực này sẽ tăng rất nhanh.
Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ. Trên thực tế, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng trở nên thách thức.
Lãnh đạo VPBank cũng kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp như: Tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất 2%; cân nhắc cấp room tín dụng cao cho những ngân hàng có nhu cầu và có năng lực mở rộng tín dụng; hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu./.