Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm rất sâu trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 30/3/2020 ở mức 663,26 điểm, giảm 31% so với cuối năm 2019. HNX-Index cũng giảm 9% xuống 93,28 điểm. Dù vậy, mức điểm trên của VN-Index được coi là đáy ngắn hạn của thị trường khi ngay sau đó sự hồi phục đã xuất hiện.
Thị trường chứng khoán bất ngờ nhận được lực cầu tốt và bứt phá trong khoảng thời gian 7 phiên liên tiếp và chỉ chịu điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên 10/4. VN-Index tính từ phiên 30/3 đến 10/4 đã tăng đến 14,4% còn HNX-Index tăng 13,8%. Trong phiên 6/4, VN-Index xác lập phiên tăng điểm đến 4,98% - đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 19 năm qua.
Thị trường hồi phục mạnh thời gian qua nên đa số các ngành trên thị trường đều có được sự tích cực. Tính riêng tại nhóm cổ phiếu bất động sản, thống kê khoảng 112 cổ phiếu của nhóm này trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì có đến 85 mã tăng giá trong khi chỉ có 15 mã giảm và mức giảm cũng không quá mạnh.
Ở chiều tăng giá, 3 cái tên gây ấn tượng nhất cho nhà đầu tư cũng chính là mã có sức ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong 8 phiên giao dịch vừa qua chính là VIC, VHM và VRE. Cả 3 cổ phiếu họ “Vin” này đều hồi phục tốt và là động lực chính giúp cho thị trường nói chung và VN-Index nói riêng trở nên hứng khởi hơn. VIC chốt phiên 10/4 ở mức 95.000 đồng/cp tương ứng tăng 16,7% so với thời điểm 30/3.
Trong thời gian trên xuất hiện thông tin Vingroup bắt tay vào sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt tại các nhà máy VinFast và VinSmart. Dường như, đây chính là động lực giúp nhà đầu tư quyết định “rót” tiền vào cổ phiếu này.
Theo đó, 12 giờ trưa ngày 30/3/2020, lãnh đạo Tập đoàn đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả các Viện nghiên cứu của Tập đoàn dừng hết các việc hàng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở. Dự kiến các lô linh kiện của máy thở không xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa (kể từ thời điểm họp) và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của máy thở xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện, VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
VRE là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất của bộ 3 này với 25,3% lên 23.800 đồng/cp. Còn đối với VHM, cổ phiếu tăng đến 20,3% lên mức 67.100 đồng/cp chỉ sau 8 phiên giao dịch. Một thông tin đáng chú ý về Vinhomes đó là việc Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) đề xuất với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng để được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên trên diện tích 319ha với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, đứng đầu mức tăng giá ở nhóm bất động sản là cái tên BII với 40% nhưng thị giá của BII chỉ vỏn vẹn 700 đồng/cp. Cổ phiếu cũng đáng chú ý khác là NVT với mức tăng 25% từ 4.260 đồng/cp lên thành 16.200 đồng/cp. Cổ phiếu NVT bứt phá trong bối cảnh sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu NVT do công ty vẫn còn lỗ lũy kế đến 660,49 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019.
Cổ phiếu HDG cũng gây ấn tượng không kém với mức tăng 23,5% từ 16.200 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp. Theo BCTC hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của công ty này được điều chỉnh tăng thêm 9% từ 1.026,2 tỷ đồng lên 1.117 tỷ đồng nguyên nhân là do lợi nhuận tại một số dự án bất động sản của HDG tăng. Tuy nhiên, trên BCTC riêng năm 2019 sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế lại điều chỉnh giảm 8% xuống còn 687 tỷ đồng do công ty thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư.
Ngoài ra các cái tên cổ phiếu bất động sản tăng mạnh sau 8 phiên giao dịch vừa qua còn có CCL (35,7%), NTB (34%), PPI (32%), NDN (24,6%), PFL (23%), DRH (22,6%), DTA (20,5%).
Việc nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục tốt được cho là do đặt trong bối cảnh ngành bất động sản chưa chịu ảnh hưởng quá nhiều từ dịch Covid-19. Theo một cáo báo mới đây của CBRE, giá bán trung bình căn hộ tại TP.HCM trong quý I vẫn tăng 9% cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 46 triệu đồng/m2. Tỷ lệ tiêu thụ từ 80% đến 100%.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tác động trong ngắn hạn của dịch Covid-19 đến nhóm ngành này là chưa đáng kể, khi chỉ các sự kiện mở bán đầu năm bị hoãn lại, ảnh hưởng đến một vài hoạt động của doanh nghiệp bất động sản cả năm nay. Tuy nhiên, tác động trong dài hạn là không thể lường trước, vì bản chất tính chu kỳ rất cao của ngành bất động sản. Dù vậy, VDSC cho biết, các chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là đầu tư công sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản trong thời gian tới.