Aa

Cổ phiếu bất động sản lao dốc, nhưng nhiều tiềm năng dài hạn

Chủ Nhật, 08/05/2022 - 06:02

Đi cùng với diễn biến xấu của thị trường chứng khoán nói chung, nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm giá trong tuần giao dịch từ 4 – 6/5.

Thị trường có tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó do chỉ giao dịch trong 3 ngày nhưng nếu tính trung bình từng phiên thì vẫn ghi nhận mức sụt giảm về thanh khoản.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 37,54 điểm (-2,7%) xuống 1.329,26 điểm, HNX-Index giảm 22,37 điểm (-6,1%) xuống 343,46 điểm, HNX-Index tăng 6,71 điểm (+1,9%) lên 365,83 điểm, UPCoM-Index giảm 2,43 điểm (-2,33%) xuống 101,88 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 47,8% so với tuần trước đó với 46.816 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 47,5% xuống 1.623 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 52,9% so với tuần trước đó với 4.855 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 53,7% xuống 210 triệu cổ phiếu.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 4 – 6/4. Đối với nhóm bất động sản, sau khi có sự hồi phục nhất định ở tuần giao dịch từ 24 – 29/4, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này biến động xấu trở lại.

Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua chỉ có vỏn vẹn 16 mã tăng trong khi có đến 99 mã giảm.

Các cổ phiếu có tính đầu cơ cao như CEO của Tập đoàn C.E.O, FLC của Tập đoàn FLC, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, BII của CTCP Louis Land, AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone… đồng loạt lao dốc.

Trong đó, CEO giảm mạnh nhất nhóm này với 19,2%. Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là FLC với 17,5%. Theo BCTC quý I/2022, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.085 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn khiến FLC lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 108 tỷ. FLC báo lỗ ròng 466 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi quý 1/2021 có lãi ròng 43 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/3/2022, FLC đang chịu lỗ hơn 651 tỷ đồng từ mảng hàng không (hiện nắm 21,7% vốn tại Bamboo Airways).

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5/2022. Lý do HoSE đưa ra do FLC chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, HoSE cũng thông báo loại bỏ cổ phiếu FLC thuộc Chỉ số VNX Allshare của Bộ chỉ số VNX-Index. Nguyên nhân do cổ phiếu FLC đã bị đưa vào diện kiểm soát của HoSE.

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 4 - 6/5.
20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 4 - 6/5.

Đối với DIG, cổ phiếu này giảm 16,8% chỉ sau 3 phiên giao dịch ở tuần qua. CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam tiếp tục hoàn tất bán ra hơn 4,3 triệu cổ phiếu DIG của trong 2 ngày 20-27/4. Sau giao dịch, tổ chức này đã giảm sở hữu tại DIG xuống 24,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,99%) và không còn là cổ đông lớn.

Doanh nghiệp này mới đây đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Công ty dự kiến phát hành tổng cộng gần 110 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành 22%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 22 cổ phiếu mới. Trong đó DIG phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5% và phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 17%. Thời gian dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu sẽ thực hiện cùng 1 thời điểm, dự kiến quý II/2022, sau khi nhận được sự chấp thuận của UBCKNN.

Ngoài ra cũng phải kể đến cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG khi giảm 14,3% trong tuần vừa qua. Doanh nghiệp này đã công bố BCTC quý I/2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 165 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 tỷ đồng tương đương tăng 6,8 lần so với lợi nhuận đạt được ở cùng kỳ là vỏn vẹn 308 triệu đồng.

“Tân binh” sàn UPCoM là MGR của CTCP Tập đoàn Mgroup tiếp tục gây được sự chú ý khi đi ngược thị trường chung khi tăng 15,6% ở 3 phiên giao dịch của tuần vừa qua. Lên sàn UPCoM với giá tham chiếu chỉ 10.000 đồng/cp, MGR chốt phiên 6/5 lên mức 18.605 đồng/cp.

Bên cạnh đó, cổ phiếu PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu vẫn giữ được sự tích cực khi tăng gần 10%. Cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay tăng 6,21%. Doanh nghiệp này đã công bố BCTC hợp nhất quý I/2022. Trong đó, doanh thu thuần đạt 72 tỷ đồng, tăng trưởng 69% so với cùng kỳ. Lãi sau thế ghi nhận hơn 1 tỷ đồng, cải thiện so với 1,6 tỷ đồng lỗ của cùng kỳ. Tuy có lãi nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn ghi nhận lỗ 6 tỷ đồng.

16 cổ phiếu bất động sản tăng giá trong tuần từ 4 - 6/5.
16 cổ phiếu bất động sản tăng giá trong tuần từ 4 - 6/5.

Cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long cũng gây được sự chú ý khi tăng 4,87%. Theo báo cáo mới nhất, quỹ ngoại Dragon Capital vừa báo cáo mua vào 1,4 triệu cổ phiếu NLG. Thời gian giao dịch trong phiên 28/4. Tổng cộng sau giao dịch, nhóm Dragon Capital đang nắm giữ gần 19,5 triệu cổ phiếu NLG, tương ứng tỷ lệ 5,1%, qua đó trở thành cổ đông lớn tại đây. Riêng trong tuần giao dịch từ 4 – 6/5, khối ngoại đã mua ròng cổ phiếu NLG với giá trị lên đến 330 tỷ đồng.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, toàn bộ 9/10 mã đứng đầu về vốn hóa ở nhóm bất động sản giảm giá, trong đó, VHM của CTCP Vinhomes là cổ phiếu duy nhất đi ngược khi tăng 5,7%.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top