Aa

Cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao đua nhau tăng trần trong phiên 29/3

Thứ Ba, 30/03/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán phiên 29/3 diễn ra tích cực khi sắc xanh bao trùm thị trường. Nhóm cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao hút được dòng tiền khá tốt ở phiên này.

Phiên giao dịch ngày 29/3 diễn ra tích cực khi các chỉ số mở cửa phiên với sắc xanh bao trùm. Dù có đôi lúc áp lực bán dâng cao, ảnh hưởng đến đà tăng, nhưng sau đó sự hưng phấn diễn ra ở phiên chiều đã giúp các chỉ số đều đóng cửa ở vùng cao nhất phiên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò lớn nhất giúp VN-Index và HNX-Index bứt phá. Trong đó, SHB và SSB đều được kéo lên mức giá trần, LPB tăng đến 4,1% lên 16.400 đồng/cp, MBB tăng 2,7% lên 28.250 đồng/cp, TPB tăng 2,6% lê 27.400 đồng/cp, VPB tăng 2,5% lên 44.500 đồng/cp…

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 29/3.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, diễn biến cũng tích cực theo xu thế chung. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE, BCM, NVL và THD đều tăng giá, trong số này chỉ có VRE tăng mạnh 2,6% lên 33.050 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 29/3.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Dòng tiền phiên 29/3 tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó các mã bất động sản cũng hút được lượng tiền lớn. Các cổ phiếu thanh khoản cao ở nhóm bất động sản như PVL, TNT, CIG, CII, SJS, FLC, HQC hay FIT đều được kéo lên mức giá trần với giao dịch sôi động. FLC chốt phiên đứng ở mức 11.800 đồng/cp và vẫn còn dư mua giá trần lên đến 19,6 triệu đơn vị - đây cũng là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của FLC, trong đó có 6 phiên tăng trần.

CII cũng dư mua giá trần hơn 570.000 đơn vị, bất chấp việc lợi nhuận công ty mẹ sau kiểm toán giảm 13% so với BCTC tự lập và xuống mức 254 tỷ đồng. Nguyên nhân điều chỉnh lợi nhuận theo CII là do đã ghi nhận bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ phần doanh thu tính thuế tăng lên của dự án bị áp giá theo giá thị trường. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã điều chỉnh tăng chi phí lãi vay phân bổ vào các dự án và điều chỉnh tăng giá vốn của các công ty con so với báo cáo tự lập trước đó.

Bên cạnh các cổ phiếu trên, các mã có yếu tố thị trường cao như ITA, TDH, TCH, LDG, SCR, NLG… cũng đua nhau tăng giá mạnh. ITA tăng đến 4,9%, TDH tăng 4,7%, TCH tăng 3,7%

NDN tăng 1,2% lên 25.600 đồng/cp. Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2021, NDN trình kế hoạch chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30% (bao gồm 15% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu). Mức chia cổ tức 30% này cao hơn so với mức chia 14% của năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch trả 40% đã được ĐHĐCĐ năm ngoái thông qua.

Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá, trong đó KBC gây chú ý khi giảm 2% xuống 37.450 đồng/cp. Mới đây, quỹ ngoại Amersham Industries Limited báo cáo đã bán ra 4,2 triệu cổ phiếu KBC. Giao dịch thực hiện vào ngày 26/3/2021. Cùng với đó, nhóm các quỹ liên quan với Amersham Industries - nhóm Dragom Capital gồm 7 quỹ liên quan - giảm lượng sở hữu từ hơn 47,14 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,0353%) xuống hơn 42,84 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,1199%).

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,47 điểm (1,16%) lên 1.175,68 điểm. Toàn sàn có 392 mã tăng, 83 mã giảm và 34 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,2 điểm (1,92%) lên 26,16 điểm. Toàn sàn có 140 mã tăng, 71 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,84%) lên 80,52 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX giảm nhẹ so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt 17.229 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 839 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.525 tỷ đồng. FLC và HQC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 38 triệu cổ phiếu và 20,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 29/3.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.
Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch bớt tiêu cực khi giảm giá trị bán ròng trên thị trường xuống còn 182 tỷ đồng. KDH đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 175 tỷ đồng. FLC cũng bị bán ròng mạnh với 17,7 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, VIC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 164 tỷ đồng. CII và NVL là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với lần lượt 24 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ điều chỉnh giảm trở lại khi thử thách vùng kháng cự 1.180 - 1.185 điểm trong phiên kế tiếp. Về tổng thể, sau khi hồi phục thành công từ vùng hỗ trợ quanh 1.150 điểm, chỉ số tiếp tục duy trì dao động trong kênh giá đi ngang 1.150 - 1.200 điểm. Xu thế dao động này có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có sự hồi phục nhẹ, tuy nhiên, xu hướng chủ đạo vẫn là đi ngang tích lũy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top