Aa

Cổ phiếu chăn nuôi bứt phá, có mã lên gấp đôi sau 1 tháng

Chủ Nhật, 03/05/2020 - 19:33

Cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong mảng thịt lợn đồng loạt bứt phá mạnh trước bối cảnh giá thịt lợn "nhảy múa" liên tục.

Trong tháng 4, nhà đầu tư chứng kiến đà bứt phá rất mạnh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi và buôn bán các sản phẩm liên quan đến thịt lợn như DBC của Dabaco, MML của Masan Meatlife, PSL của Chăn Nuôi Phú Sơn, MLS của Mitraco, VLC của Vilico, VSN của Vissan…

Trong đó, cổ phiếu MLS tăng giá đến 118,6% từ mức 10.200 đồng/cp lên 22.300 đồng/cp, DBC tăng 74% lên 15.920 đồng/cp lên 27.700 đồng/cp, PSL tăng 64% từ 15.500 đồng/cp lên 25.400 đồng/cp, MML tăng 49,7% từ 35.337 đồng/cp lên 52.894 đồng/cp.

Đơn vị: đồng/cp.

Việc cổ phiếu ngành chăn nuôi liên quan đến thịt lợn bứt phá rất mạnh thời gian liên quan việc giá mặt hàng này liên tục leo thang. Giá thịt lợn liên tục nhảy múa ở giai đoạn đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Bất chấp việc Chính phủ đã có chỉ đạo điều tiết nhưng giá mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Vào ngày 23/4, giá thịt lợn đã lập đỉnh mới với 95.000 đồng/kg. Nguyên nhân tăng cao của mặt hàng này được cho rằng đến từ việc lo ngại nguồn cung khan hiếm do trước đó, dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn giảm mạnh.

Từ gần cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao và duy trì ở mức 70.000 đồng đến hơn 90.000 đồng/kg. Trong khi giá thành sản xuất của nhiều đơn vị chỉ khoảng 45.000 đồng/kg, với giá 60.000 đồng/kg hơi là đã có lãi. Giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất – chăn nuôi và giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cải thiện đột biến.

DBC là đơn vị cho thấy được ảnh hưởng tích cực nhất từ giá thịt lợn tăng cao đến kết quả kinh doanh. Quý I, DBC đạt 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng thực phẩm tăng mạnh trong khi trước đây doanh thu của đơn vị này chủ yếu từ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 Lợi nhuận quý I cũng vượt cả lợi nhuận cả năm 2019 (305 tỷ đồng) và là quý I có mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Kết quả kinh doanh của DBC phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh và giá cả, nhưng thông thường quý I có lợi nhuận thấp nhất trong năm do thời gian trùng với dịp tết Nguyên Đán và năm nay còn đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Diễn biến giá cổ phiếu DBC trong tháng 4. Nguồn: VNDirect.

MLS cũng có kết quả kinh doanh vượt trội trong quý I/2020 với doanh thu thuần tăng 34% lên 93 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 22,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty lỗ hơn 7 tỷ đồng. MLS là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn có quy mô lớn của khu vực miền Trung. Công ty có 2 trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao tại Hà Tĩnh. 

Năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 255 tỷ đồng và có lợi nhuận 11,5 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh trên dựa theo kịch bản giá lợn ở mức 55.000-60.000 đồng/cp và với việc giá thịt lợn tăng cao như hiện tại thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn nữa.

Diễn biến giá cổ phiếu MLS trong tháng 4. Nguồn: VNDirect.

Đối với MML, đơn vị này đạt mảng kinh doanh thịt tiếp tục mở rộng quy mô trong quý I và đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng, tăng 85%. Mới đây, công ty đã phê duyệt phương án góp thêm vốn vào CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) một khoản tiền tối đa 500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ công ty này. Anco là một công ty chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản) được thành lập năm 2003 với thương hiệu nổi tiếng nhất cũng chính là Anco. Ban đầu, đây là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia và chuyển sang mô hình CTCP vào năm 2009. Đến năm 2015, Masan Nutri-Science đầu tư nắm giữ 70% cổ phần Anco.

Thậm chí một đơn vị ngành nghề kinh doanh chính không phải là chăn nuôi như HPG cũng được hưởng lợi rất lớn. “Ông lớn” trong ngành thép này đạt 2.779 tỷ đồng doanh thu từ mảng nông nghiệp tăng 59% so với cùng kỳ. Mảng nông nghiệp ghi nhận sự đột biến về lợi nhuận với 482 tỷ đồng, gấp 5,23 lần cùng kỳ năm trước. Mảng nông nghiệp của HPG bao gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm. Đối với lĩnh vực chăn nuôi heo, tập đoàn có hệ thống trại ở cả 2 miền. 

Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu tăng trưởng vượt bậc trong nông nghiệp khi đạt công suất tối đa 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong tháng 4. Nguồn: VNDirect.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top