Một quý đầu năm ảm đạm
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam ghi nhận một số lượng lớn condotel được mở bán, đặc biệt là trong giai đoạn 2016 - 2019 với ước tính trung bình 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm. Tuy nhiên, sau giai đoạn sốt nóng, sản phẩm từng được mệnh danh là "gà đẻ trứng vàng" giờ lại gặp khó trăm bề.
Trong báo cáo thị trường mới đây, DKRA cho biết bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là condotel, chưa thoát khó khăn về thanh khoản. Ba tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 4.800 căn mở bán, tập trung ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên chỉ có 64 căn được tiêu thụ, tương đương 1%. Hầu hết các dự án chung cảnh bán chậm.
"90% dự án condotel không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý I", DKRA cho biết.
Nguồn cung sơ cấp phần lớn đến từ tồn kho của các dự án cũ, còn lượng hàng mới rất ít. 5 địa phương chiếm tỷ trọng nguồn cung sơ cấp cao nhất là Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đều sụt giảm căn mở bán 8 - 21% so với cùng kỳ.
Thanh khoản ở mức rất thấp, giá sơ cấp condotel ít biến động, thậm chí neo ở mức cao. Theo DKRA, giá bán căn hộ nghỉ dưỡng cao nhất 180 triệu đồng/m2 tại miền Trung, còn miền Bắc và Nam khoảng 140 - 155 triệu đồng. Để kích cầu, các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ dòng tiền, như kéo dài lịch thanh toán, ân hạn nợ gốc, lãi suất.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho rằng, thiếu khung pháp lý là điểm yếu nhất của loại hình condotel khiến niềm tin và sức cầu của người mua xuống thấp. Bởi khi dự án có vấn đề và xảy ra tranh chấp, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.
Lý giải giá bán condotel ven biển vẫn neo cao, theo ông Thắng, lý do là chi phí đầu vào của các doanh nghiệp liên tục tăng và thị trường ngày càng nhắm đến sản phẩm có chất lượng cao. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi kích cầu được tung ra ồ ạt thời gian qua như kéo dài lịch thanh toán, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất song vẫn tính vào giá thành sản phẩm.
Giá cao, sức cầu yếu khiến "mùa đông" với loại hình căn hộ du lịch dự báo còn kéo dài. Ông Thắng dự báo: "Thị trường condotel có thể mất 5-7 năm tiếp theo để phát triển bền vững hơn. Nếu muốn "phá băng", yếu tố cần có là tháo gỡ rào cản về đầu tư xây dựng, cấp phép, cấp sổ hồng cũng như khơi thông nguồn vốn cho bất động sản nghỉ dưỡng".
Lý giải nguyên nhân khiến mô hình condotel hoạt động chưa hiệu quả, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, nguồn cung ở một số thị trường chỉ chú trọng kiểu cung cấp phòng, mà không quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng. Thị trường vẫn thiếu sản phẩm lưu trú với điểm nhấn thiết kế, hạng sang đúng nghĩa...
"Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm phù hợp điều kiện thị trường và nhu cầu khách hàng là yếu tố quan trọng, để đảm bảo việc phát triển một dự án thành công. Nếu sản phẩm không hoạch định kỹ lưỡng, chỉn chu thì sản phẩm đó không thể hoạt động hiệu quả dù ở bất kỳ thị trường nào", chuyên gia nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, condotel kém hiệu quả do chất lượng dự án chưa cao, mô hình trùng lặp, thiếu định hướng bền vững. Thậm chí, shophouse nghỉ dưỡng cũng có xu hướng tương tự. Chuyên gia lấy ví dụ tại Phú Quốc, mô hình này đang cho thấy kém hiệu quả khi nguồn cung nhiều, nhưng phần lớn chưa đưa vào khai thác kinh doanh.
Không chỉ tại Việt Nam mới chứng kiến những sản phẩm condotel nhiều vấn đề, một số dự án tại Bali (Indonesia), HuaHin (Thái Lan) cũng đối mặt với tình trạng tương tự chỉ vì không được hoạch định, phát triển cẩn trọng.
"So với Thái Lan và Indonesia, thị trường condotel Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức hơn. Yếu điểm lớn nhất của sản phẩm này nằm ở thiếu khung pháp lý. Nguồn cung bùng nổ ở giai đoạn trước cùng chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận cao nhưng không thực hiện được, trở thành điểm yếu khiến sản phẩm này tồn kho lớn", ông Mauro nhận định.
Giải pháp tăng hiệu quả cho condotel
Mặc dù đã bắt đầu xuất hiện những tia hy vọng khởi sắc trở lại, song theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi nhanh chóng.
Theo nhận định từ BHS Group, phần lớn dự án vẫn đang trong tình trạng chờ thời điểm tốt để mở bán. Trong khi đó, sau một thời gian dài đầu tư không đạt lợi nhuận như kỳ vọng, các nhà đầu tư đang mất niềm tin rất lớn vào phân khúc này, không dễ để họ trở lại thị trường.
Ba nguyên nhân chính khiến phân khúc này chưa thể khởi sắc ngay trong năm 2024 là bối cảnh tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết triệt để và việc mất niềm tin của khách hàng.
Hiện nhiều dự án nghỉ dưỡng đang "nằm im", không thể hoặc không được khai thác mang lại lợi nhuận, kéo theo đó là khả năng thanh khoản hầu như không có, mặc dù nhiều nhà đầu tư đã cắt lỗ.
Theo BHS, thị trường này sẽ chỉ có thể phục hồi khi các nhà đầu tư quay lại với pháp lý dự án được tháo gỡ, các dự án trở lại vận hành và có hiệu quả kinh doanh thực.
Theo ghi nhận của Savills, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều rào cản đối với họ, đặc biệt là các quy định, thủ tục liên quan đến việc phát triển dự án.
Vì vậy các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các tài sản đã đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án khách sạn, resort chất lượng, thuộc phân khúc 5 sao tại các đô thị trung tâm như TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, những tài sản này thường khá khan hiếm trên thị trường, cũng như ít cởi mở với các nhu cầu chuyển nhượng.
Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của phân khúc condotel, theo Savills, một vấn đề quan trọng cần được chú ý đó là thúc đẩy khách nội địa.
Ông Mauro Gasparotti cho rằng, việc cải thiện cơ sở hạ tầng là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy du lịch nội địa. Ngoài cơ sở hạ tầng, thị trường cần đa dạng các sản phẩm du lịch, chú trọng hơn đến trải nghiệm, tiện nghi của du khách. Nếu làm tốt, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng phát triển./.