Aa

Cửa Lò: Bài toán phát triển BĐS du lịch xứng tầm với tiềm năng

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 28/07/2020 - 05:55

Cửa Lò (Nghệ An) là vùng đất được thiên nhiên ưu ái để phát triển du lịch biển đảo. Tuy nhiên, việc quy hoạch các hoạt động dịch vụ du lịch của vùng biển giàu có này chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng.

Tiềm năng Bất động sản du lịch Cửa Lò

Khoảng 20 năm trở lại đây, kể từ khi được quy hoạch thành Thị xã thì đô thị du lịch biển Cửa Lò mới thực sự được đánh thức và đang dần khẳng định vị thế của mình trên lộ trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Các chủ đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, FLC,… đã có nhiều dự án lớn và siêu lớn góp phần đem đến một diện mạo mới cho đô thị du lịch biển nơi đây.

Cửa Lò đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước khi chỉ cách TP. Vinh 16km về phía Đông, Thủ đô Hà Nội 300km về phía Bắc, với bờ biển dài trên 10km và xung quanh là các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.

Vài năm trở lại đây, các dự án quy hoạch đô thị du lịch biển Cửa Lò đã có nhiều thành quả "khủng". Nơi đây đã được quy hoạch với nhiều dự án tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng trên diện tích 38,75ha, bao gồm các hạng mục như khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, khu nhà hàng và nhà đón tiếp bến thuyền cùng một số hạng mục tiện ích khác. Đây là một trong những dự án lớn làm thay đổi bộ mặt du lịch Cửa Hội nói riêng và du lịch Cửa Lò nói chung.

Bên cạnh đó, còn có các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao như Mường Thanh, Summer hay Sài Gòn Kim. Cửa Lò Golf resort với sân golf 18 lỗ cùng với hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động và hiện đang tiếp tục đầu tư. 

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Cửa Lò, có 295 cơ sở lưu trú với gần 10.000 phòng nghỉ trong đó có 45 khách sạn được xếp hạng… nhưng mỗi khi vào cao điểm mùa du lịch vẫn luôn “cháy” phòng nếu như không được đặt trước.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin Du lịch Thị xã, đến cuối tháng 8/2019 doanh thu từ các dịch vụ du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, công tác cứu hộ, cấp cứu biển được tăng cường, môi trường, cảnh quan được chăm lo. Đặc biệt, tình trạng chèo kéo khách, bán hàng rong, ăn xin giảm hẳn.

Nhìn chung, Cửa Lò đang trên đà phát triển và phấn đấu làm mũi nhọn kinh tế cho toàn tỉnh Nghệ An. Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Cửa Lò chưa bao giờ thực sự sôi động như vài năm trở lại đây. Các dự án quy hoạch đô thị đang ngày càng được nâng cấp, mở rộng nhằm tạo một Cửa Lò là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.

Cửa Lò - Phát triển đã xứng với tiềm năng?

Biển Cửa Lò được thiên nhiên ưu ái "khoác" lên mình một chiếc áo xanh mướt mà không phải bất cứ nơi nào cũng có được, tổ hợp dịch vụ nhà hàng, khách sạn đa dạng, hải sản tươi ngon… nhưng du lịch nơi đây phát triển chưa thực sự xứng với tiềm năng sẵn có của chính mình. 

Du lịch biển nơi đây chủ yếu chỉ tập trung trong khoảng mấy tháng hè với khung cảnh sầm uất, nhộn nhịp. Các tháng còn lại, nhất là mùa đông, Cửa Lò rất vắng lặng. 

Con đường Bình Minh chạy sát ven bờ biển thưa thớt khách, hàng loạt nhà hàng, khách sạn gần như “đóng băng” vì không có nhu cầu. Như vậy, tính tổng thể trong một năm, du lịch biển Cửa Lò chỉ thực sự hoạt động trong khoảng 5 tháng, còn 7 tháng còn lại bờ biển này gần như bỏ không.

Nói du lịch biển đảo ở Cửa Lò là thế mạnh, điều đó không sai nhưng chưa thực sự hoàn toàn đúng. Du lịch biển Cửa Lò cơ bản vẫn chỉ là tắm biển, phát triển thế mạnh về biển chứ đảo thì không. Nơi đây vẫn còn thiếu nhiều các hoạt động dịch vụ khác gắn với biển đảo như dù lượn, du thuyền, thiếu các chương trình khám phá biển – đảo… 

Ngay cả khi chính vụ từ tháng 3 đến tháng 7, hoạt động du lịch – dịch vụ ban đêm như câu mực… cũng rất thiếu, chủ yếu chỉ mới tập trung vào du lịch ban ngày. Như vậy, đây đang là một thiếu sót rất lớn khi không biết tận dụng điều kiện sẵn có để phát triển kinh tế ban đêm, kết hợp khai thác triệt để.

Cửa Lò - Biểu tượng du lịch của Nghệ An và miền Trung (Ảnh sưu tầm)

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khẳng định: “Việc phát triển kinh tế ban đêm là một yêu cầu tất yếu nếu như chúng ta coi du lịch như một ngành công nghiệp không khói để GDP tăng trưởng. Cho nên, phát triển kinh tế ban đêm là đòi hỏi bắt buộc. Chúng ta không phát triển là đang tạo ra sự thiệt thòi cho chính mình”.

Hiện nay, du lịch vẫn đang hướng đến phân khúc dành cho người thu nhập cao, tuy nhiên ở Cửa Lò phân khúc này đang hạn chế, thiếu nhiều dịch vụ du lịch đẳng cấp, đầu tư thật sự hoành tráng, quy mô. 

Bên cạnh những quy hoạch về nhà hàng, khách sạn thì vẫn còn những cửa hàng xập xệ ven bờ, tình trạng chèo kéo du khách, nâng giá dịch vụ, chặt chém khách du lịch. Đi dọc bờ biển Cửa Lò sẽ không khó để bắt gặp những dịch vụ du lịch kiểu... “nhà nông”, thiếu chuyên nghiệp, làm phiền khách du lịch. Bộ mặt những dãy nhà hàng sát biển vẫn còn sự nhếch nhác của những mái che, biển hiệu cũ nát…

Đáng quan tâm hơn, môi trường của vùng ven biển Cửa Lò đang có những báo động về ô nhiễm. Việc tăng áp lực về chất thải sinh hoạt, đặc biệt ở các bãi tắm, điểm du lịch, đã góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Cửa Lò. 

Lượng chất thải rắn do các đơn vị kinh doanh du lịch, các tàu thuyền, dân cư ven biển và khách du lịch chưa thực sự có ý thức trong việc xử lý chất thải đã để lại tại các bãi tắm Nghi Hương, Lan Châu và các điểm du lịch: Chùa Song Ngư, đền Vạn Lộc, hay cảnh rác “tấn công” trên các con đường như Mai Thúc Loan, Nguyễn Sinh Cung, Bình Minh…

Cùng với việc tăng số lượng khách, nhu cầu nước cho sinh hoạt của khách du lịch tăng nhanh, điều này sẽ góp phần làm suy giảm trữ lượng và tăng khả năng ô nhiễm các nguồn nước ngầm, đặc biệt ở khu vực ven biển Cửa Lò, do phải tăng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng vào mùa du lịch là khoảng thời gian nóng nhất trong năm.

Như vậy, với sự phát triển nhanh chóng của lượng khách du lịch hàng năm, đã làm cho môi trường biển đang có nguy cơ phải đối mặt với sự phát triển thiếu tính bền vững.

 Bứt phá cơ hội, tháo gỡ nút thắt cho BĐS du lịch Cửa Lò

Hàng năm UBND thị xã Cửa Lò phối hợp với các cơ quan ban ngành tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội, điện ảnh; phát hành rộng rãi các ấn phẩm giới thiệu về con người, lịch sử văn hóa, cảnh quan và sản phẩm du lịch Cửa Lò trong và ngoài nước; đổi mới và hoàn thiện nội dung, kết cấu website về Du lịch Cửa Lò; tập trung sản xuất video clip chất lượng cao hoặc các đoạn phim ngắn giới thiệu về Du lịch Cửa Lò để tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của điểm đến Cửa Lò trên các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch từ các nước ASEAN, Cửa Lò tập trung ưu tiên đẩy mạnh quảng bá thu hút khách du lịch nội địa; tăng cường hợp tác để tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các đô thị du lịch phát triển trên cả nước, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tập đoàn có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn về du lịch để định hướng thị trường và phát triển sản phẩm.

Hoàn thành quy hoạch, thu hút đầu tư cũng là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều cơ hội cho du lịch Cửa Lò. Năm 2019, thị xã Cửa Lò đã hoàn thiện và thông qua Quy hoạch phân khu chức năng các phường, quy hoạch khu vui chơi, giải trí Cửa Hội, quy hoạch khu lâm viên phía đông đường Bình Minh. Đây sẽ là tiền đề, nền móng để thu hút các dự án vui chơi giải trí đầu tư vào Cửa Lò.

Ngoài ra, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch, chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian du lịch cho phù hợp lợi thế và tiềm năng cũng là một trong những yêu cầu cần thiết. 

Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tập trung khai thác tối ưu và có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của Thị xã, trong đó ưu tiên cho phát triển các sản phẩm đặc thù, có giá trị nổi bật như Khu du lịch Cửa Hội, đảo Ngư, du thuyền, đảo Lan Châu,... thành các sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Cửa Lò.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch để tạo động lực mạnh mẽ cho thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch.

Cửa Lò cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển đúng với tiềm năng (Ảnh sưu tầm)

Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; ưu tiên triển khai các loại hình du lịch mới, chất lượng, đa dạng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách là một trong những giải pháp đáng quan tâm. 

Tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên những thế mạnh về tài nguyên và vị trí, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực. 

Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE (sự kiện, hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng, triển lãm), du lịch mua sắm kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng biển. Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa. Tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm về du lịch; các doanh nghiệp lữ hành.

Cùng với việc phát triển bất cứ loại hình du lịch nào cũng đòi hỏi phải gắn liền với yếu tố môi trường, có như vậy, phát triển ấy mới có thể bền vững. Vì vậy, ngoài việc tập trung phát triển du lịch biển đảo Cửa lò – điểm đến cho du khách trong và ngoài nước thì cần thực hiện nghiêm luật bảo vệ môi trường gắn với công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. 

Kiểm soát chặt chẽ tình trạng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường. Xử lý triệt để các khách sạn, nhà hàng thải rác, nước thải ra biển, khu lâm viên bãi tắm, khoan và sử dụng nước ngầm không có giấy phép của Sở Tài nguyên và Môi trường để kinh doanh du lịch. 

Đồng thời, xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường du lịch biển và kế hoạch hành động cụ thể, tiếp thu các công nghệ mới về quản lý và bảo vệ môi trường du lịch, nhanh chóng áp dụng vào thực tế.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top