Phê bình thơ (có khen có chê), nhiều người làm. Thuần chê thơ, rất nhiều người đang theo đuổi. Những người chửi thơ, miệt thị thơ cũng ngày thêm đông đảo, dù nhiều khi chỉ để cho sướng miệng và góp đòn hội đồng.
Trong khi đó bình thơ, đúng theo tinh thần của cụ Lê Văn Hưu là “để thưởng lãm chứ không phải để chê mắng”, thì “nhân sự” ngày càng cạn kiệt.
Nhiều lý do dẫn tới tình trạng trên, nhưng tôi nghiêng theo giả thiết, so với những thứ “nói về thơ” vừa liệt kê, thì bình thơ là khó hơn cả. Nó đòi hỏi người bình không chỉ phải có “mắt xanh” mà còn cần một sự liên tài, một kiến thức thâm sâu về nhiều mặt để có thể tìm thấy những thứ quý báu ẩn giấu rất sâu trong mỗi chữ, mỗi câu. Ngoài ra, phải là một tâm thế đủ lớn, một tâm hồn có khả năng bắt được những rung động ở tần số cao. Bởi bình thơ là “đãi chữ”, như kiểu đãi vàng, để tìm ra cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn của một bài thơ, nhiều khi còn quý hơn vàng! Và “đãi chữ” cũng còn là hành vi ứng xử với chữ, như với những thứ quý giá và quý hiếm nhất.
Phần nào đó, bình thơ vừa là “đọc giúp” nhiều người, vừa tôn vinh chữ.
Nhưng thứ cần hơn tất cả để quyết định việc bình thơ có thể thành công hay không, đó là “khả năng” ngưỡng mộ đồng nghiệp. Ngưỡng mộ tài năng, nhân cách, sức lao động và tấm lòng tri kỉ với văn chương của họ, từ đó nâng người bình lên (hoặc người bình buộc phải tự nâng lên) đủ tầm để nhìn thấy sự rộng lớn vượt ra khỏi khuôn khổ chữ nghĩa, của một bài thơ, đôi khi chỉ vài chục chữ.
Nói “khả năng”, bởi hóa ra với nhiều người, việc ngưỡng mộ đồng nghiệp không có trong bộ gen của họ!
Những suy nghĩ này của tôi ùa đến sau khi đọc xong tập “Vân Chữ”, khá công phu, của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, do NXB Hội nhà văn cấp phép. Tập sách dày hơn 350 trang, chia thành ba phần: Cảo thơm, Trước đèn và Góc chiều quê. Những bài thơ đem ra bình trong “Cảo thơm” là của các tác giả đã khuất, gồm cả một người nước ngoài và hai bài ca dao. Ở phần “Trước đèn”, tác giả của những bài thơ được bình hiện đang còn sống, sáng tác sung sức (hoặc từng sung sức) và có nhiều “thành tựu”! Phần “Góc chiều quê”, tác giả dành cho một số nhà thơ đồng hương của mình.
Đã bình thơ là phải có chủ kiến, phải tin vào chủ kiến của mình, thậm chí đến mức cực đoan, không sợ mang tiếng áp đặt bạn đọc. Tuy thế, một vài bậc tiền bối của Đỗ Trọng Khơi trong lĩnh vực bình thơ, thường lấy việc “tán chữ” làm con bài chính, đôi khi dắt người đọc vào những mê lộ mà họ không thể tự lần được lối ra. Khi cần, các bậc ấy sẵn sàng “mắng” bạn đọc để tăng sự chú ý và khẳng định tính độc tôn, toàn trị của mình. Lối bình ấy có lợi thế của nó là gây tò mò cho người đọc, nhưng cái hại cũng nhãn tiền là không ít lần khiến họ cảm thấy bị tung hỏa mù. Và nếu nhờ việc bình ấy mà họ yêu thơ hơn, thì cũng khiến cả việc họ “kính nhi viễn chi” thơ, tự coi mình là “ngoại đạo”.
Đỗ Trọng Khơi không theo lối ấy hoàn toàn. Ông có tán chữ, tán ý, nhưng phương châm chủ đạo của ông là bày ra cách hiểu riêng của mình về bài thơ cụ thể nào đó, sau khi tìm cách đặt nó vào vị thế, không gian văn hóa - lịch sử, mà nhờ thế nó tạo ra sức hấp dẫn cũng như tiếng vang. Từ đó, ông cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái tinh tế, cái sâu xa bí ẩn của chữ nghĩa. Rồi ông truyền cái “tâm đắc” ấy của mình cho bạn đọc theo cách mời gọi. Chính nhờ thái độ “dân chủ” này mà lối bình thơ của Đỗ Trọng Khơi không kẻ cả, không nhằm khoe kiến thức, không mang tính dạy bảo, áp đặt. Tác giả, một mặt tôn vinh đồng nghiệp, mặt khác hồ hởi tìm kiếm tri âm.
Cái tựa sách “Vân Chữ”, liệu có phải hàm theo ý đi tìm vẻ đẹp/nói về vẻ đẹp của chữ qua thời gian?
Với tôi, đây là một cuốn sách thú vị, có khả năng tạo ra sự thư giãn thẩm mỹ.
Tôi không biết môn ngữ văn trong nhà trường, nhất là cho đối tượng học sinh cấp trung học, có dành thời lượng dạy các em bình thơ? Nếu chưa có thì thật đáng tiếc và nên sớm bổ sung. Bởi thơ không chỉ là vẻ đẹp của ngôn ngữ, nhạc điệu, tình cảm… mà còn rất tốt trong việc bồi đắp cho tâm hồn những thứ không thể thiếu để làm người như lòng trắc ẩn, sự tinh tế trong lời ăn tiếng nói, trong ứng xử, đặc biệt trong ứng xử với cái đẹp….
Bình thơ cũng là cách rèn thói quen tư duy chiều sâu.
Tôi tự tin tiến cử "Vân Chữ", như một tài liệu tham khảo nghệ thuật bình thơ bậc cao, cho cả trò và thầy, có thể dùng thẳng mà không cần phải qua biên soạn (chế biến lại)./.