Aa

Đại học Đà Nẵng nói gì về Khu đô thị Đại học Đà Nẵng?

Thứ Năm, 18/07/2024 - 09:21

Đảng ủy Đại học Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về việc triển khai đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, theo quy hoạch trước đây là dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, ngày 9/12/1997, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án theo Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg, trong đó khu vực phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) có diện tích 110ha; khu vực phường Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) có diện tích 190ha. Mục tiêu của dự án là phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, hiện đại hàng đầu của cả nước và vươn tầm quốc tế, đáp ứng được yêu cầu giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, nhiệm vụ vùng của đất nước.

Đại học Đà Nẵng nói gì về Khu đô thị Đại học Đà Nẵng?- Ảnh 1.

Thực trạng Làng đại học Đà Nẵng sau 27 năm được phê duyệt quy hoạch.

Khi dự án này được hoàn thành, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng sẽ trở thành hệ thống hoàn chỉnh các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc, các viện nghiên cứu, các đơn vị thực nghiệm với đầy đủ hạ tầng và cơ sở vật chất hiện đại, là nơi tụ hội của khoảng 60.000 sinh viên đại học và hơn 3.000 giảng viên, nhà khoa học, viên chức quản lý có trình độ cao, trở thành hạt nhân, là cầu nối quan trọng, góp phần đưa khu vực Hòa Quý - Điện Ngọc trở thành khu đô thị hiện đại, đậm dấu ấn của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hiện đại hàng đầu của cả nước và vươn tầm quốc tế, tạo bước đột phá trong liên kết các khu đô thị của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. 

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao UBND TX. Điện Bàn kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng trên địa bàn TX. Điện Bàn; các tồn tại, vướng mắc, phát sinh và kiến nghị, đề xuất các nội dung để Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy Đại học Đà Nẵng.

Dự án có tầm nhìn mang tính chiến lược trong phát triển mạng lưới các trường đại học của Việt Nam cũng như phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Cũng theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, trong thời gian vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là vốn đầu tư cho dự án còn hạn chế, tuy nhiên nhờ sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, bước đầu dự án cũng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đại học Đà Nẵng nói gì về Khu đô thị Đại học Đà Nẵng?- Ảnh 2.

Nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến kiểm tra thực tế dự án, song tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ.

Cụ thể, đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 80ha thuộc địa phận phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng); đã và đang triển khai xây dựng một số công trình cấp thiết. Đến nay, đã có một số đơn vị của Đại học Đà Nẵng đang hoạt động tại đây, gồm: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Y Dược, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Trong khuôn khổ của dự án, Đại học Đà Nẵng được Chính phủ cho phép thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, vay vốn Ngân hàng Thế giới, với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.767 tỷ đồng; hiện đã và đang được quyết liệt triển khai và dự kiến sẽ khởi công các hạng mục xây dựng vào cuối quý III năm nay.

"Theo đó, đến năm 2026, hạ tầng kỹ thuật của Khu đô thị đại học tại phường Hòa Quý sẽ được kết nối đồng bộ, tiếp tục đưa vào khai thác vận hành một số công trình, gồm: Trung tâm điều hành Đại học Đà Nẵng; Hội trường được thiết kế hiện đại với 1.200 chỗ ngồi; Trường Đại học Quốc tế; Trường Đại học Ngoại ngữ; Trung tâm nghiên cứu và thí nghiệm tập trung của Đại học Đà Nẵng; Khu giảng đường của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Ký túc xá của Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh", lãnh đạo Đại học Đà Nẵng khẳng định.

Dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân

Về thực trạng công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, an ninh trật tự tại dự án trên địa phận Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam từng có báo cáo số 150/BC-UBND gửi các bộ, ngành Trung ương, cho rằng: "Quy hoạch dự án Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt có khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, đến nay, mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường bao làng đại học. Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, còn các hộ bị ảnh hưởng bởi đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời".

Chính quyền tỉnh Quảng Nam khẳng định dự án quy hoạch từ năm 1997 đến nay nhưng vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà cửa của nhân dân; đồng thời, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương.

Từ những căn cứ và thực tiễn nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: "Việc đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng theo hồ sơ Quy hoạch phân khu (1/2000) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐTTg ngày 9/7/2020 là cần thiết, góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành đại học quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực". UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, dự án đã kéo dài, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân (người dân không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo quy định của pháp luật). Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.

Theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa UBND TX. Điện Bàn và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Nam, từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra nhiều khiến chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Và nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top