LTS: Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 1997 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng, diện tích gần 300ha. Trong đó, khoảng 110ha thuộc P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và gần 190ha thuộc 4 khối phố: Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng, sau 27 năm kể từ ngày được phê duyệt quy hoạch, đến nay dự án vẫn bị "nằm treo" mà chưa biết đến bao giờ hình hài làng đại học mới hoàn thành.
Đến nay, kế hoạch giải tỏa 190ha đất quy hoạch phía Quảng Nam của Làng đại học Đà Nẵng cơ bản... "bất khả thi". Theo kết quả các cuộc rà soát của tỉnh Quảng Nam, phần diện tích cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là 170,28/190ha, liên quan đến 1.845 hộ dân. Trong đó, 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, cần 3.155 lô đất tái định cư (TĐC) trên diện tích hơn 100ha.
Chờ xem xét "kế hoạch B"
Theo tính toán của Quảng Nam, kinh phí xây dựng khu TĐC (dự tính theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng) và bồi thường (BT), GPMB khu vực này sẽ cần đến hơn 4.000 tỷ đồng. Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, nguồn kinh phí này rất khó được cấp để triển khai thực hiện.
Trước thực tế đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy (đã được thống nhất – PV) đề xuất theo hướng điều chỉnh lại quy hoạch 1/2000 giảm diện tích dự án tại P. Điện Ngọc còn khoảng 50ha (phần thuận lợi GPMB) đầu tư từ nay đến năm 2030. Phần diện tích còn thiếu (140ha) chuyển về đầu tư tại xã Điện Tiến (TX. Điện Bàn, tiếp giáp với TP. Đà Nẵng).
Chính quyền Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với địa phương để rà soát lại quy hoạch 1/2000 Làng đại học Đà Nẵng.
Đáng chú ý, xác định tính khả thi của phạm vi có khả năng đầu tư dự án trên địa phận tỉnh từ nay đến năm 2030. Đây là cơ sở để đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích ranh giới, các khu chức năng phù hợp, phê duyệt lại vào cuối năm 2024 và bổ sung kinh phí thực hiện hoàn chỉnh theo quy hoạch chi tiết được duyệt từ năm 2025 đến năm 2030. Cụ thể, phần diện tích điều chỉnh giảm được bổ sung thực hiện tại xã Điện Tiến (TX. Điện Bàn).
Theo quy hoạch chung tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 vừa công bố tháng 3/2024 đã thống nhất khu vực Điện Tiến sẽ là không gian phát triển các trường đại học.
Trao đổi với Reatimes về việc này, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà nhận định, khu vực xã Điện Tiến hội đủ yếu tố hình thành khu đại học trong tương lai, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thị xã, có thể thực hiện được.
Theo ông Hà, đây là điều hợp lý, bởi khu vực này thuộc vùng cao, không ngập lụt, kết nối thuận lợi với Đà Nẵng theo hệ thống giao thông vành đai phía Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng. Còn để giải tỏa liên quan khu vực Điện Ngọc sẽ không khả thi. TX. Điện Bàn đã chuẩn bị tất cả nội dung, tài liệu để lãnh đạo tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành Trung ương khác khi có yêu cầu.
"Phương án điều chỉnh này là trong quy hoạch chung của tỉnh Quảng Nam vừa được công bố. Tuy nhiên, đây chỉ là định hướng của tỉnh chứ chưa có đồ án quy hoạch phân khu cụ thể. Để thực hiện được phương án này vẫn phải chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt", ông Hà thông tin.
Chung tay gỡ vướng, thúc đẩy tiến độ dự án
Trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện Quốc hội đã chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị của cử tri Quảng Nam như sau: "Dự án Làng đại học Đà Nẵng đã treo hơn 26 năm, gây quá nhiều khó khăn cho người dân trong vùng dự án, cử tri liên tục kiến nghị vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tập trung triển khai, thực hiện giải BT, GPMB, TĐC cho người dân Quảng Nam nằm trong vùng dự án".
Trả lời kiến nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Dự án Làng đại học Đà Nẵng có quy mô lớn, quan trọng hàng đầu của bộ tại khu vực miền Trung. Vì vậy, bộ luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và thúc đẩy tiến độ triển khai dự án.
Sau phiên chất vấn tháng 11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp khảo sát dự án, đồng thời đã giao Thứ trưởng phụ trách làm việc trực tiếp với các bên liên quan để thống nhất giải pháp triển khai dự án, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về bố trí TĐC để GPMB.
Đồng thời, bộ cũng ban hành nhiều kết luận, chỉ đạo Đại học Đà Nẵng thực hiện kịp thời các thủ tục đầu tư theo thẩm quyền. Báo báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như: xem xét bố trí vốn để phục vụ công tác GPMB; thành lập tổ công tác cấp chính phủ để chỉ đạo công tác GPMB; chỉ đạo tỉnh Quảng Nam hỗ trợ TĐC…
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia rất tích cực trong công tác GPMB tại khu vực dự án. Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, nguyên nhân chủ yếu do chưa được bố trí đủ vốn GPMB, đặc biệt là phạm vi thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.
Để đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, xây dựng Làng đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 6.164 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn để thực hiện BT, GPMB 4.942 tỷ đồng, nhu cầu vốn xây dựng các hạng mục công trình tại khu quy hoạch 1.222 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án Làng đại học Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, sẽ ban hành nghị quyết của Chính phủ cho phép Đại học Đà Nẵng được tách vốn đầu theo các hạng mục riêng biệt và thực hiện cho vay lại theo hạng mục độc lập, đảm bảo giá trị cho vay lại bằng 10% vốn vay nước ngoài theo Nghị quyết số 14 ngày 20/2/2020 của Chính phủ.
UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm xây dựng phương án bố trí quỹ đất, thực hiện dự án xây dựng các khu tái định cư; đề xuất nguồn vốn triển khai xây dựng các khu tái định cư và nhu cầu BT, GPMB đối với diện tích quy hoạch Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh phân kỳ theo từng giai đoạn.
UBND TP. Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ trì lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác BT, GPMB đối với phần diện tích đất thuộc địa bàn thành phố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam rà soát quy hoạch dự án để phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền. Rà soát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của bộ và đề xuất phương án điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm triển khai để bổ sung thực hiện dự án.
Những động thái này nếu được triển khai đồng bộ cùng với những công việc "thực" đang diễn ra tại khu vực quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng thuộc địa phận TP. Đà Nẵng thời gian qua đang phục hồi niềm tin của người dân về dự án Làng đại học Đà Nẵng. Khó khăn vẫn còn ở phía trước và nhất là nỗi khổ của người dân trong vùng dự án chắc chắn sẽ còn đeo dai dẳng, nếu các bộ, ngành Trung ương không quyết liệt vào cuộc, chung tay tìm một hướng đi mới cho sự tồn tại và phát triển của Làng đại học Đà Nẵng.