Aa

Đánh giá kỹ rủi ro thiếu vốn xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Thứ Năm, 07/11/2024 - 09:56

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chiều tối ngày 6/11. Vấn đề nguồn vốn đầu tư dự án tiếp tục được đề nghị xem xét kỹ lưỡng.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực

Đề cập đến nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, so với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án chiếm 114% tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (Nguồn tối đa là 1.500.000 tỷ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng); và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi đó, giai đoạn 2026 - 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án, chương trình quan trọng. Với nhu cầu vốn rất lớn như trên, ông Thanh cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên, kể cả chi các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Thậm chí, có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách tăng lên trong một số năm. Điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai. Vì vậy, UBKT của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, xem xét thận trọng về nguồn vốn.

Đánh giá kỹ rủi ro thiếu vốn xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính, rút kinh nghiệm từ dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, UBKT đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải, để có phương án tài chính phù hợp.

Cùng với đó, báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu dự án đang cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ thêm hai vấn đề. Một là, đánh giá ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển của các cảng hàng không trong tương lai, nhất là các chặng bay ngắn, khi dự án đưa vào khai thác với lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác. Hai là, theo Tờ trình, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được tiếp tục cải tạo, nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, khách du lịch chặng ngắn và được triển khai theo dự án riêng. Song, không rõ hiệu quả, thời điểm, thời gian nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu. Vì vậy, đề nghị cân nhắc đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả 2 hệ thống đường sắt, để có cơ sở quyết định đầu tư phù hợp.

Tránh rủi ro do không hoàn thành, không đưa vào sử dụng do thiếu vốn

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, kể cả về chi phí xây dựng và chi phí vận hành, khai thác. Do đó, để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro.

Đặc biệt là tránh rủi ro do không hoàn thành, đưa vào sử dụng do thiếu vốn, rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lại lớn. Cũng như rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia.

Đánh giá kỹ rủi ro thiếu vốn xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án. Trong đó, lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất, cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Đặc biệt lưu ý chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, đảm bảo được cơ chế phân công phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Đồng thời, đề nghị làm rõ cơ sở tính toán, dự báo về nhu cầu vận tải của dự án; rà soát, thuyết minh thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính của dự án. Cùng với đó, là rà soát, hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức liên quan; tính toán thuyết minh thêm về công nghệ và chuyển giao công nghệ, đảm bảo làm chủ công nghệ đường sắt, làm chủ về nguyên vật liệu; ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp đường sắt.

Đề cập đến yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư; việc lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng công nghệ, nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện trong quá trình xây dựng và triển khai, khai thác dự án.

Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top