Aa

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đã thẩm tra chủ trương đầu tư, nguồn lực không còn là trở ngại

Thứ Hai, 04/11/2024 - 20:48

Chiều tối 4/11, ngay sau khi kết thúc phiên họp Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 20 thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

"Nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn"

Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc triển khai một số đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng hàng không, cảng biển, là một trong những chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030. Chiến lược này xác định phát triển kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó, cần quan tâm đúng mực đến hạ tầng đường sắt.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đã thẩm tra chủ trương đầu tư, nguồn lực không còn là trở ngại- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo ông Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở Nghị quyết của đại hội Đảng, Quốc hội đã thể chế hóa bằng Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định phấn đấu để đầu tư xây dựng một số đoạn đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam.

Gần đây, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 20/9/2024 đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc – Nam. Giao Chính phủ, Đảng Đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này để có chủ trương đầu tư. Đồng thời, xem xét một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để huy động nguồn lực.

Những vấn đề trên cần ý kiến thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm của các ĐBQH, giúp Ủy ban Kinh tế có căn cứ, cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, theo ông Thanh.

Trình bày tờ trình dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Hình thức đầu tư là đầu tư công.

Khẳng định nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, với nhu cầu vận tải ngày một tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp. Thời gian dự kiến triển khai xây dựng là năm 2027, thì lúc này quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 564 tỷ USD, sẽ nâng cao tiềm lực vốn cho dự án.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đã thẩm tra chủ trương đầu tư, nguồn lực không còn là trở ngại- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cần thiết, nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, triển khai các quy hoạch tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng tuyến đường sắt này cũng giúp tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, tái cấu trúc mô hình phân bố dân cư, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề cập đến lợi ích cụ thể khi tuyến đường đi vào vận hành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tuyến đường sẽ đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, là phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Việc đầu tư Dự án cũng phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Đề nghị làm rõ khả năng đáp ứng nguồn vốn và an toàn nợ công

Các đại biểu tại phiên thảo luận đều đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng thời, đưa ra nhiều lưu ý để dự án này được triển khai và vận hành thuận lợi.

Trong đó, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về các dự báo doanh thu, tăng trưởng doanh thu, phương án tài chính của dự án, so sánh với các tuyến tương tự, đối chiếu với kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, đưa ra các giải pháp đảm bảo hiệu quả trong triển khai dự án.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn chia sẻ, các dự án đường sắt mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, hầu hết các tuyến đường sắt cao tốc vận hành ở dải tốc độ 320 - 350/km đều thua lỗ vận hành.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đã thẩm tra chủ trương đầu tư, nguồn lực không còn là trở ngại- Ảnh 3.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đề nghị xem xét phương án tài chính của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo Báo cáo giá vé bình quân năm 2037 của dự án là 1.421 VNĐ/km, lộ trình tăng vé 3%/năm (5 năm tăng 1 lần), trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay; số năm hoàn vốn khoảng 33,61 năm.

Ông Nguyễn Minh Sơn đặt vấn đề: Phương án tài chính của dự án đường sắt cao tốc đã phù hợp chưa? So sánh với các tuyến tương tự và kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới như thế nào, các giải pháp để bảo đảm hiệu quả cho dự án?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế lại cho rằng, dứt khoát không tính chuyện có lãi ở đây và đề nghị nên phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân, vì nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia dự án này. Doanh nghiệp tư nhân làm sẽ rẻ hơn doanh nghiệp nhà nước và FDI, nên Chính phủ phải giao ngay từ bây giờ, để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, đào tạo cán bộ.

Ông Thân cũng cho rằng, có thể yên tâm vì tiền trong dân còn nhiều, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu thì dân sẵn sàng bỏ tiền mua. Nguồn thứ hai là ngân hàng tài trợ, nếu Chính phủ bảo lãnh thì ngân hàng cho vay ngay.

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nêu rõ, dự án đầu tư chủ yếu từ ngân sách, mà ngân sách đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia khác. Vì vậy, phải có phương án dự phòng để "quyết làm là làm đến nơi đến chốn".

Các đại biểu cũng thảo luận về quy mô đầu tư, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, vấn đề áp dụng công nghệ, làm chủ công nghệ… để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.

Việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp đường sắt, mô hình vận tải doanh nghiệp, sự kết nối của tuyến đường với hệ thống đường đô thị, cơ chế, chính sách đặc thù triển khai thực hiện dự án… cũng là các vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư, tốc độ và quy mô. Bên cạnh đó, dự án cần nguồn vốn rất khổng lồ, đề nghị làm rõ khả năng đáp ứng nguồn vốn và an toàn nợ công.

Dự kiến, chiều tối 6/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trước khi trình Quốc hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top