Aa

"Đánh thức" dòng tiền tiết kiệm sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 14/10/2024 - 06:46

Thị trường bất động sản đang dần "ấm" lên sau thời gian dài trầm lắng. Giới chuyên gia nhận định, dòng tiền tiết kiệm khổng lồ đang "ngủ yên" trong ngân hàng nếu được đánh thức sẽ trở thành cú hích mạnh mẽ cho thị trường địa ốc.

Dòng tiền "khổng lồ" vẫn đang nằm chờ

Dòng tiền của nhà đầu tư vẫn đang "ẩn mình" trong các tài khoản tiết kiệm của ngân hàng, chờ đợi những cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn. Sự thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động của thị trường tài chính là nguyên nhân trọng điểm khiến dòng tiền này vẫn chưa vội vã tìm đến các kênh đầu tư khác.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước mới công bố, tính đến cuối tháng 7 năm nay, người dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng một lượng tiền khổng lồ, lên tới 6,838 triệu tỷ đồng. Con số này đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 4,68% so với cuối năm 2023 và thậm chí còn cao hơn 448.820 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy, trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, người dân có xu hướng tìm đến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để bảo toàn vốn. Xu hướng này càng được củng cố bởi làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đang diễn ra. Ghi nhận đến ngày 7/10, một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trên mốc 8%/năm. Trong đó, PVcomBank dẫn đầu với lãi suất lên tới 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. HDBank đưa ra mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Tương tự, MSB cũng áp dụng lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng…

Tuy nhiên, trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiền gửi dân cư, lượng tiền gửi của các tổ chức lại giảm nhẹ 1,07% so với cuối năm 2023, chỉ đạt 6,768 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, việc huy động vốn thuận lợi là một điểm cộng cho các ngân hàng, giúp đảm bảo thanh khoản và sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm sao để "khơi thông" dòng vốn này, thúc đẩy giải ngân tín dụng hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức.

"Đánh thức" dòng tiền tiết kiệm sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, dòng tiền gửi dồi dào mang lại lợi ích cho các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao. Khi các khoản vay trở thành nợ xấu, dòng tiền không thể quay trở lại ngân hàng. Do đó, khi người dân đến hạn rút tiền gửi, ngân hàng cần có dòng tiền mới để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Mặt khác trong bối cảnh hiện tại, khi mà thị trường chứng khoán còn nhiều biến động và giá bất động sản còn cao, nguồn cung chưa thực sự khởi sắc, người dân vẫn lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng như một kênh trú ẩn an toàn, thay vì đầu tư vào các kênh tài chính khác.

"Mặc dù lãi suất cho vay đang ở mức thấp, kỳ vọng kích thích dòng tiền chảy vào bất động sản nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Nguyên nhân chính là do giá nhà vẫn neo ở mức cao trong khi thanh khoản thị trường thấp khiến các nhà đầu tư e ngại. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng không có nhiều khởi sắc khi chưa thể vượt qua mốc 1.300 điểm, càng làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư này", ông Hiếu nhận định và cho biết thêm, việc người dân và nhà đầu tư ưa chuộng gửi tiền vào ngân hàng, thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh đang phần nào phản ánh tâm lý e ngại rủi ro của thị trường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn bị "tắc nghẽn", không được luân chuyển hiệu quả vào các hoạt động kinh tế như sản xuất - kinh doanh, từ đó làm giảm động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

"Đánh thức" dòng tiền tiết kiệm vào bất động sản

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% so với cuối năm 2023. Mặc dù con số này cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,73%), nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng cả năm (14 - 15%).

Có thể thấy, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn, dù tín dụng đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân một phần đến từ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động thận trọng, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường.

"Đánh thức" dòng tiền tiết kiệm sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản- Ảnh 2.

Đánh thức dòng tiền tiết kiệm sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản. (Ảnh minh hoạ)

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86.904 doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; 61.491 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4% so với cùng kỳ; 15.366 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Tính ra, bình quân một tháng có 18.196 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản - vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - cũng vẫn còn đối mặt với nhiều thử thách. Những vướng mắc về pháp lý, suy giảm năng lực tài chính khiến nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn. Thêm vào đó, thu nhập của người mua nhà sụt giảm trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng là rào cản khiến thị trường này chưa thể phục hồi mạnh mẽ.

Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn hàng triệu tỷ đồng từ kênh tiết kiệm ngân hàng đang được tính toán kỹ lưỡng. Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, với triển vọng tín dụng năm 2024 tăng trưởng ở mức cao (khoảng 15%), lãi suất huy động có thể sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ khoảng 0,1 - 0,5%. Điều này đồng nghĩa với việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhìn chung vẫn sẽ ở mức thấp. Trong khi đó, quy mô tiền gửi hiện đang ở mức cao và các khoản tiền gửi dài hạn với lãi suất cao sắp đến kỳ đáo hạn (từ cuối năm 2024) có thể sẽ khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn với rủi ro chấp nhận được.

Trong cách kênh đầu tư thì có ngành bất động sản đang phục hồi cục bộ (tùy phân khúc). Mặc dù vậy, từ nửa cuối năm 2024 do còn gặp nhiều khó khăn như nguồn cung chưa thể tăng nhanh, sức cầu còn yếu, nợ xấu tăng. Sự chậm trễ trong quy hoạch, thực thi chính sách và phát triển nhà ở xã hội, tâm lý chờ đợi giảm giá bất động sản vẫn còn và thu nhập chưa tăng nhanh cũng gây áp lực cho thị trường.

"Đánh thức" dòng tiền tiết kiệm sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản- Ảnh 3.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Tuy vậy, kỳ vọng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, bất động sản nhà ở (trong đó có nhà ở xã hội) sẽ vào cuối năm 2024. Trong khi bất động sản nghỉ dưỡng, bán lẻ, văn phòng sẽ chậm phục hồi hơn do còn phụ thuộc vào sự phục hồi mạnh của du lịch quốc tế, sự thay đổi trong phương thức bán hàng (thương mại điện tử thay vì mua - bán trực tiếp...).

Bên cạnh đó, việc các quy định mới tại Luật đất đai 2024, Luật nhà ở 2023, Luật kinh doanh bất động sản 2023... giúp giá đất ngày càng sát hơn với giá thị trường, trong khi nguồn cung chưa thể tăng nhanh sẽ là những xúc tác khiến giá bất động sản khó giảm thêm nhiều. Thậm chí có thể tăng giá nhẹ ở một số phân khúc vào cuối năm 2024, nên nhà đầu tư có thể tận dụng mức nền thấp để mua bất động sản trước khi chốt lời trong cuối năm 2024 hoặc sang năm 2025.

Gợi ý chiến lược cho nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho hay: "Chiến lược đầu tư quan trọng hiện nay là đa dạng hóa các kênh hay danh mục đầu tư, tức là phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Điều này giúp nhà đầu tư vừa tối ưu hóa lợi nhuận từ nhiều nguồn khác nhau, vừa hạn chế rủi ro do các tài sản bù trừ cho nhau. Với tiền nhàn rỗi, không chỉ gửi tiết kiệm, nhiều nhà đầu tư có thể lựa chọn các kênh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, tùy thuộc vào "khẩu vị" rủi ro mà nhà đầu tư mong muốn".

Để thu hút dòng tiền tiết kiệm đang "nằm ngủ" trong ngân hàng vào thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản phải nâng cao sức hấp dẫn như đa dạng hóa loại hình sản phẩm (căn hộ chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ...), đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Bên cạnh đó là điều chỉnh giá bán phù hợp với khả năng tài chính của người mua, tăng cường chính sách bán hàng linh hoạt. Cùng với đó là các yếu tố minh bạch thông tin, pháp lý hoàn chỉnh… từ đó thị trường phát triển bền vững mới có thể thu hút dòng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư và người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top