Aa

Danh và phận

Thứ Ba, 03/11/2020 - 07:00

Văn hóa cao là trong ứng xử làm tăng phẩm giá của nhau, tôn nhau cao lên. Ngược lại, hạ giá, hạ nhục nhau hoặc thường thấy hơn, tạo ra sự khó chịu cho nhau... là biểu hiện của văn hóa thấp.

Hiểu một cách đơn giản: Danh là cái người ta có (tài năng, học vấn, uy tín xã hội, khả năng cống hiến...). Còn phận là cái người ta được (vị thế xã hội, công việc hàng ngày, sự cả nể của mọi người, quyền lợi vật chất...). Ở đây tôi đã cố tránh xa khái niệm danh và phận của Khổng Tử để khỏi bị hiểu lầm. Hiểu như vậy, vấn đề sẽ đơn giản, thậm chí như một hiển nhiên: Ai mà chả phải có danh và có phận.

Bởi vì xã hội được thiết lập khi có từ hai người trở lên. Hay nói khác đi, khi nào nảy sinh những quan hệ giữa các cá nhân, khi đó xuất hiện đời sống xã hội. Để con người có thể sống với nhau trong trật tự, người ta phải thỏa thuận và đặt ra những nguyên tắc chung. Khi nguyên tắc đó được số đông thừa nhận thì với mỗi cá nhân là sự bắt buộc phải làm theo và được gọi là luật. Người Hy Lạp cổ dùng tiêu chí luật để phân biệt giữa văn minh (có luật) với dã man (chưa có luật).

Nhưng trong cuộc sống, không phải hành vi nào cũng bị chi phối bởi luật. Có hàng ngàn ứng xử không cần (và thực tế không thể) dùng luật để duy trì tính đúng đắn. Sự điều chỉnh hành vi ở đây dựa trên sự cảm ứng văn hóa (cái đó được cộng đồng tán dương, là cái có thể; cái đó bị cộng đồng lên án, là cái không thể). Nó tạo ra một thiết chế tinh thần mà luật không với tới. 

Một xã hội có văn hóa cao hay thấp phụ thuộc vào cái thiết chế tinh thần ấy. Văn hóa cao là trong ứng xử làm tăng phẩm giá của nhau, tôn nhau cao lên. Ngược lại, hạ giá, hạ nhục nhau hoặc thường thấy hơn, tạo ra sự khó chịu cho nhau... là biểu hiện của văn hóa thấp.

Trong một cộng đồng luôn luôn chênh lệch nhau về học vấn, trình độ văn hóa (điều này, trừ ảo tưởng hay dối trá ra, sẽ là một thực tế vĩnh viễn) lại luôn luôn va vấp về quyền lợi, thì tự biết mình là ai, tự biết mình được gì, tức là ý thức về danh và phận, sẽ loại trừ được hầu hết các tình huống (đa số là không lường trước) đẩy mình đến chỗ thất thố, kệch cỡm, lố bịch, gây tổn thương cho người khác, nhiễu loạn trật tự và hạ thấp mình. 

Biết danh và phận mình, sẽ có sự hồn nhiên trong ứng xử và công việc, không phải khổ sở đố kị với người khác, tức là tự tôn cao mình lên. Hậu quả của sự không chịu ý thức về danh và phận đã cho ra vô vàn ứng xử thiếu văn hóa mà chúng ta bắt gặp hàng ngày: Nịnh trên nạt dưới bất kỳ ai khi tự cho mình có quyền; Tìm mọi cách để chòi sang vị trí của người khác; Nhân viên bán hàng giật lại hàng từ tay khách hàng khi bị chê bai; 

Lái xe yêu sách hành khách, tinh tướng với thủ trưởng; Nhân viên bảo vệ hành hạ người có nhu cầu làm việc với cơ quan mình; Hộ lý, thậm chí cả bác sỹ, mắng bệnh nhân xơi xơi; Kẻ dốt nát khinh người có học; Kẻ lười nhác đòi quyền lợi cao hơn người tận tâm cống hiến... Tệ hơn là người ta muốn quan trọng hóa mình bằng cách hạ nhục người khác. Đó là căn bệnh kinh niên nhức nhối, có khả năng hủy hoại những nền tảng giá trị tích cóp hàng ngàn năm.

Đó đều là hậu quả của việc mỗi người không tự ý thức về danh và phận. Và suy đến cùng, nó chính là đầu mối của loạn vậy. Trước hết là loạn các thứ tự giá trị...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top