Đất Đà Nẵng sốt bất thường, giao dịch tấp nập như hội chợ
Nhiều ngày qua, tại các phòng giao dịch đất khu vực tái định cư (TĐC) 5 ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng luôn trong tình trạng “quá tải” vì lượng người đổ về để mua bán và ký gửi đất khiến giá đất tại Khu TĐC liên tục “sốt”.
Sáng 7/10, giao dịch mua bán đất tại hiện trường trông như một hội chợ hơn là kinh doanh bất động sản. Hầu hết các quầy giao dịch đất đai tại khu vực TĐC 5 xã Hòa Liên đều ken kín hàng ngàn người, xe ô tô, xe máy, nhộn nhịp đổ xô về đây, náo nhiệt kẻ mua, người bán.
Nhiều người đi ô tô xếp hàng dài trên tuyến đường dẫn vào Khu TĐC 5 xã Hòa Liên. Theo tìm hiểu, mỗi lô đất tái định cư tại đây từ 800-900 triệu đồng, nay đột ngột tăng gần gấp đôi... Việc giao dịch chủ yếu là mua đi bán lại và đặt cọc tiền trước cho mỗi lô đất với giá từ 50 triệu đến 200 triệu đồng.
Được biết, đất nằm trên trục đường 5,5m có giá 1,2 tỷ đồng/nền. Đất nằm trục đường 7,5m có giá từ 1,5 tỷ đồng/nền và có khả năng còn lên cao hơn.
Xem chi tiết tại đây.
Doanh nghiệp nội thất hướng về thị trường tỉnh lẻ
Theo các chuyên gia, đà phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua, cùng thu nhập của người dân ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về những ngôi nhà tiện nghi và sang trọng hơn gia tăng.
Họ đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, đặc biệt là các mặt hàng nội thất và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ nội thất.
Thống kê từ các nhà phân phối nội thất cho thấy, thị trường này có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là sau năm 2020, với thị trường nội địa tăng 6%/năm, đạt 1,75 tỷ USD.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều ngành bán lẻ của Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ những cuộc xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường gỗ nội thất vẫn do các doanh nghiệp nội địa nắm giữ phần lớn thị phần với khoảng hơn 7.000 doanh nghiệp lớn nhỏ.
Báo cáo của Công ty Concetti cũng cho biết, thị trường nội thất Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 3 năm qua cùng sự phát triển của thị trường bất động sản. Dự đoán, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Ông Ngụy Thanh Vỹ, Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, ngoài nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, thì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có tác động tới các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đồ gỗ nội thất Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 7/2018 đạt trên 730 triệu USD, tăng tới 30,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt trên 506 triệu USD, tăng 9,56% so với tháng 7/2017.
Xem chi tiết tại đây.
Nghi vấn Công ty TDC biến đất thuê xây trụ sở thành dự án chung cư
Việc Công ty TDC sử dụng đất thuê làm trụ sở làm việc để triển khai dự án trụ sở làm việc kết hợp chung cư thương mại để bán cho khách hàng gây nhiều chú ý trong dư luận TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua.
Theo tìm hiểu của phóng viên, TDC được thành lập năm 1997 và là doanh nghiệp nhà nước, thuộc sự quản lý của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2004, doanh nghiệp này cổ phần hóa và chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Năm 2008, TDC có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc trụ sở Công ty chật hẹp, xuống cấp, cần xây dựng mới, nên muốn thuê khu đất tại thửa số 43, tờ bản đồ số 03 có diện tích 800 m2 tại Quốc lộ 51C, nay là đường 3/2, phường 8, TP. Vũng Tàu.
Đặc biệt, theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản có được, khi TDC gửi hồ sơ xin thuê khu đất này, cũng là lúc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị ra văn bản thu hồi lô đất đó của một đơn vị khác đang thuê.
Sau đó, cuối năm 2009, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hồi khu đất trên và giao cho Công ty TDC thuê với thời hạn 50 năm (đến năm 2058 hết hạn), mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất - kinh doanh (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: A0465431, do ông Đặng Như Hiển, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký tháng 7/2009).
Dù trình bày trụ sở làm việc chật hẹp, xuống cấp, cần được xây mới và đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao đất từ năm 2009, nhưng mãi tới năm 2016, TDC mới tiến hành xây dựng dự án. Trong đó, TDC xin phép xây dựng trụ sở ngày 17/5/2016 và đã được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng.
Xem chi tiết tại đây.
Dân Sài Gòn dọa “bao vây” đại gia địa ốc
Nếu Intresco tiếp tục kéo dài việc thực hiện dự án, khách hàng sẽ đến văn phòng công ty này để căng băng rôn, biểu ngữ. Điều này không phải gây mất trật tự, mà là khách hàng bức xúc do công ty chưa thực hiện dự án.
Đây là 1 trong những nội dung được ghi nhận trong biên bản họp ngày 3/10, giữa đại diện khách hàng và đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà (Intresco).
Cũng trong cuộc họp này, đại diện Intresco cho biết, ngày 10/9/2018, Ban quản lý khu Nam TP.HCM đã ban hành thông báo nội dung kết luận, về việc gia hạn tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khu dân cư Intresco - 6A.
Một thông tin khác được Intresco cung cấp cho khách hàng là, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh đã ban hành thông báo thu hồi đất, đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại xã Bình Hưng, để thực hiện dự án Khu nhà ở và Công trình công cộng, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Bên cạnh đó, công ty cũng thông qua báo cáo, do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng ban hành, về tiến độ thực hiện dự án. Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất cuối năm 2019.
Xem chi tiết tại đây.
Trị cò đất lộng hành, phải chặt từ “gốc”
UBND TP.HCM vừa yêu cầu Công an Thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản và xử lý theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo này của UBND Thành phố xuất phát từ tình hình giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn tăng nóng trong thời gian qua được nhận định có sự thao túng của những người tung tin ảo, thổi giá nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là những biện pháo tình thế. Còn muốn trị bệnh “cò” đất, đầu cơ, tung tin thất thiệt thì phải có những sửa đổi từ quy định pháp luật nghiêm minh và có tính răn đe cao hơn với những hành vị này.
Đối với trường hợp các cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi, luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM đồng tình cần phải xử lý hình sự khi có đủ các yếu tố cấu thanh tội phạm.
Trường hợp xác định được các đối tượng cò đất tung tin thất thiệt và có dấu hiệu lừa đảo thì cần phải xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Hữu, đối với hành vi quảng cáo gian dối thì phải thỏa mãn điều kiện là gây hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý được tội danh này.
Việc thổi giá bán đất đai cũng được xem là hành vi thao túng giá bất động sản, nhưng hiện nay thì hành vi này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hiện Bộ luật Hình sự chỉ mới quy định hành vi thao túng giá chứng khoán.
Xem chi tiết tại đây.
Bất động sản thời đại 4.0: Công nghệ có thay thế con người?
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã trở thành từ khóa với 5,6 triệu lượt tìm kiếm, đặt ra những kỳ vọng về sự “lột xác” thực sự trong lĩnh vực bất động sản. Không ít mơ tưởng hướng tới một không gian sống thông minh, tiện ích mà nơi đó, máy móc trở thành một phần quan trọng của cuộc sống con người, kể cả trong lĩnh vực bán hàng bất động sản.
Song nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thực sự là cú hích làm thay đổi toàn bộ cục diện của thị trường bất động sản hay không? Liệu rằng sự xuất hiện của con người có trở nên mờ nhạt trong vai trò then chốt điều khiển thị trường bất động sản không?
Trước câu hỏi, lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng thế nào từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ông Vince Malta, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ cho rằng: “Hoa Kỳ là một đất nước có sự phát triển về khoa học tiên tiến. Chúng tôi mong muốn làm thế nào để mang công nghệ thông tin áp dụng vào trong cuộc sống, lĩnh vực bất động sản. Nhưng không có gì có thể thay thế được con người. Trong lĩnh vực bất động sản, ở cách làm việc còn liên quan tới đạo đức và nghề nghiệp. Thế nên, sự xuất hiện của con người trong mua bán bất động sản vẫn là chủ chốt”.
Trong khi khi đó, ông Hideaki Homma, CEO Hiệp hội các tổ chức bất động sản Nhật - Mỹ cũng khẳng định: “Người Nhật Bản chuộng công nghệ nhưng không vì lẽ đó mà vai trò con người lại bị bỏ qua. Dù công nghệ phát triển tới đâu thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản”.
Bàn về tác động cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến lĩnh vực bán hàng bất động sản, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ sẽ làm thay đổi khái niệm về bất động sản, khái niệm về dịch vụ trong quản lý bất động sản cũng như lĩnh vực bán hàng, chăm sóc khách hàng đều có sự chuyển mình nhằm thích ứng với thời đại mới.
Xem chi tiết tại đây.