Hà Nội: Thị trường mặt bằng bán lẻ phía Tây Nam sẽ là điểm nóng
Theo CBRE, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý III/2017 không đón chào thêm dự án nào mới. Nguồn cung của cả thị trường vẫn giữ ở mức gần 790.000 m2. Trong số này, khu vực phía Tây Nam cung cấp lượng diện tích bán lẻ lớn nhất, chiếm tới gần 35% tổng nguồn cung.
Khu vực phía Đông với các TTTM lớn như Aeon Mall Long Biên, Vincom Center Long Biên, Savico Mall,... đứng thứ hai với 21,5%. Phía Tây bao gồm các quận Cầu Giấy, Từ Liêm hiện đang cung cấp 13% cho toàn thị trường.
Dự báo, trong một vài năm tới, thị trường bán lẻ Hà Nội mở rộng theo xu hướng phát triển của các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng. Khu vực dọc vành đai 3 và hai tuyến metro sắp ra mắt bao gồm phía Tây, Tây Nam và phía Nam sẽ là điểm nóng với hơn 380.000 m2 sàn thương mại sẽ được ra mắt. Một vài dự án nổi bật ở khu vực này bao gồm Aeon Mall Hà Đông, các TTTM của Vincom và FLC. Phía Bắc của thành phố cũng trên đà phát triển với dự án mới được công bố hồi đầu năm của tập đoàn Hàn Quốc Lotte.
Xem thêm tại đây.
Xây dựng thương hiệu theo chuỗi dự án: Người tiến nhanh, kẻ sa lầy
Từng có rất nhiều doanh nghiệp có ý định xây dựng chuỗi dự án mang thương hiệu riêng, nhưng trên thực tế việc này không dễ làm.
Nhắc tới AZ Land vào thời điểm này, có lẽ nhiều người không biết, hoặc quên, nhưng đây là tên tuổi có tiếng trên thị trường bất động sản Hà Nội 10 năm trước với hàng loạt dự án "hot" trên thị trường đều có tên đầu là AZ, như AZ Vân Canh CT1, AZ vân Canh CT2, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công, AZ Kim Giang, AZ Thăng Long…
Thời điểm đó, khi AZ Land ra mắt dự án đầu tiên AZ CT1 Vân Canh, sau đó là AZ Sky Định Công, AZ CT2 Vân Canh (giai đoạn 2) và AZ Thăng Long (sau đổi tên thành Bright City), ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land, vốn là Hiệu trưởng Trường Công nghệ Bách Khoa Aptech được nhiều người nhắc đến.
Tuy nhiên, thay vì có chiến lược dài hạn, AZ Land lại tiến hành theo phương thức "ăn xổi, ở thì" bằng cách sử dụng hợp đồng vay vốn để huy động vốn trái phép của hàng trăm người, dù dự án chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được phê duyệt và thậm chí chưa có cả giấy phép xây dựng.
Không rõ có phải vì cách đặt tên chuỗi thương hiệu AZ của mình (thẳng từ A đến Z) hay không, mà AZ Land thực hiện dự án bất động sản theo kiểu đi tắt như vậy.
Hệ quả của việc làm này là tất cả các dự án của AZ Land rơi vào bế tắc, không thể triển khai được và nằm treo trong nhiều năm. Công ty sau đó liên tục bị khách hàng đâm đơn phản ánh, tố cáo đến các cấp chính quyền về việc huy động vốn trái phép.
Xem thêm tại đây.
VinaCapital muốn đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Yên
Mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã ra thông báo số 637 về việc cho phép Tập đoàn VinaCapital tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại bãi biển Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.
Cụ thể, UBND tỉnh chấp thuận đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 725/BC-SKHĐT ngày 20/9/2017), cho phép Tập đoàn VinaCapital (Nhà đầu tư) tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại bãi biển Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Thời gian tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát là 3 tháng.
Tập đoàn VinaCapital tự bỏ kinh phí thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát dự án; đồng thời chấp nhận rủi ro (mất kinh phí) nếu dự án không đáp ứng các yêu cầu đề ra.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho Tập đoàn VinaCapital tiếp cận thông tin đất đai, quy hoạch và khảo sát dự án.
Đây là một trong những thông tin hiếm hoi về hoạt động đầu tư của VinaCapital trong năm nay, giữa "cơn bão thông tin" về các động thái thoái vốn, rút khỏi nhiều dự án. Từ đầu năm 2017, VinaCapital đã liên tục thoái vốn khỏi các dự án BĐS tại Việt Nam. Mới đây nhất vào trung tuần tháng 8, VinaLand cũng đã chuyển nhượng nốt số cổ phần còn lại của quỹ tại dự án Mỹ Gia cho một công ty địa ốc Việt Nam. Thương vụ giúp VinaLand thu về khoản thu nhập ròng 5,9 triệu USD.
Xem thêm tại đây.
Hà Nội sẽ đặt hàng khoảng 22.300 căn hộ thương mại phục vụ tái định cư
Ngày 29/9, Thủ tướng đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Nội đã đề xuất 21 kiến nghị với Thủ tướng, đáng chú ý trong đó có nhiều giải pháp để phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà tái định cư.
Cụ thể, đối với cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư, UBND TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ chấp thuận cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá...
Tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất theo quy định nhưng tiền sử dụng đất được nộp vào thời điểm nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của UBND Thành phố cho các hộ dân. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, theo kế hoạch năm 2017, thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018- 2020 và các năm tiếp theo.
Xem thêm tại đây.
Đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn và sứ mệnh của đô thị hiện đại
Nhà xưởng và bến cảng đã di dời ra khỏi thành phố, những khu đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn sẽ đảm nhận sứ mệnh đưa TP.HCM trở thành đô thị hiện đại với sự hỗ trợ của hạ tầng.
Dọc bờ Tây sông Sài Gòn (tính từ chân cầu Sài Gòn đến cảng Tân Thuận) đã bắt đầu hình thành những cụm cao ốc trên nền cảng sông ngày xưa. Trong khi bờ sông từ Bình Thạnh đến quận 1 đã được lấp đầy dự án với hàng chục tòa cao ốc thì ở phía quận 4, khu vực Bến cảng Nhà Rồng – Khánh Hội và Cảng hàng hóa Tân Thuận là những khu đất hiếm hoi còn sót lại sau khi hạ tầng cũ di dời.
Những cây cầu nối đô thị cũ và đô thị mới Thủ Thiêm được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển đô thị hai bên bờ sông. Khi cầu Thủ Thiêm 1 được xây dựng, đầu cầu bờ Tây đã đón sóng bằng những siêu dự án như Vinhomes Central Park (trên nền Tân Cảng), Saigon Pearl.
Cầu Thủ Thiêm 2 mới đề xuất thì dự án Vinhomes Golden River (trên nền xưởng đóng tàu Ba Son) đã đầu tư. Tiếp theo, thông tin về cầu Thủ Thiêm 3, 4 có thể sẽ hỗ trợ kết nối với Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ là cơ hội lớn để Nhà Rồng - Khánh Hội và Tân Thuận chuyển mình thành những khu đô thị hiện đại...
Theo một lãnh đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, TP.HCM chọn cách phát triển bờ Tây sông Sài Gòn như thế là vì sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn - phát triển những khu đất cảng (sau di dời), để giảm tải đầu tư cho khu trung tâm lịch sử - khu biệt thự quận 3, dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn...
Xem thêm tại đây.