Đấu giá đất ở Hải Phòng: Nước đã đến chân...
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hải Phòng, trong những tháng cuối năm 2018, 8 quận huyện gồm: quận Đồ Sơn, Kiến An, Hải An; huyện Thuỷ Nguyên, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão sẽ tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất.
Nhưng hiện nay, công tác tổ chức đấu giá đất tiến độ ỳ ạch. Hầu hết địa phương đều rất chậm trễ trong việc lập kế hoạch. Cùng với đó, các thủ tục đấu giá đất còn rườm rà, thời gian giải quyết kéo dài.
Theo đó, năm 2018, huyện Thủy Nguyên được thành phố giao thu 300 tỷ đồng tiền đấu giá đất. Toàn bộ số tiền đấu giá được để lại cho huyện phục vụ các dự án đầu tư công, xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Anh Thân – GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên cho biết: kết quả đấu giá đến tháng 11 huyện đã tổ chức đấu giá với tổng diện tích hơn 28nghìn m2 đất ở với tổng giá khởi điểm trên 171 tỷ đồng. Kết quả đấu giá thành công 25.893 m2 với tổng số tiền trúng đấu giá trên 233 tỷ đồng.
Với tiến độ thực hiện như hiện nay, huyện Thủy Nguyên khó đạt được con số 300 tỷ đồng. Đồng nghĩa như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Thủy Nguyên có 19 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (nhiều nhất thành phố Hải Phòng). Để đạt mục tiêu về đích nông thôn mới năm 2020, huyện cần hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Dự án NƠXH “ế” là do thiếu và yếu về hạ tầng, tiện ích
Phân tích về việc tại sao hiện nay có tình trạng cầu nhiều, cung ít ở phân khúc nhà ở xã hội, ông Vũ Xuân Thiện, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng, do lúc đầu khi nghiên cứu, rất ít người dân có nhu cầu mua, nhưng tình hình bây giờ đã khác, chất lượng nhà tốt, kết cấu thẩm định chặt chẽ lại thêm giá thấp vì có ưu đãi của Nhà nước. Nhà ở xã hội không mất tiền sử dụng đất, thuế VAT giảm 50%, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm, chính vì thế mà giá giảm đi chứ không phải do chất lượng kém giá mới rẻ.
Ông Thiện cho rằng, nhu cầu cần ở nhà giá rẻ, đặc biệt là nhà ở xã hội vẫn cao, chiếm trên 60%. Trong khi đó, không địa phương nào muốn "nhả" quỹ đất ra để làm nhà xã hội. Bởi họ dành đất làm nhà thương mại thì thu được thuế, có lợi hơn. Thêm vào đó, về nguyên lý, địa phương phải bù lãi quỹ đất để doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhưng địa phương không làm, gây ra tình trạng quỹ đất cho nhà ở xã hội trở nên hạn hẹp. Mặt khác, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội lại bị không chế nhiều từ giá bán, lợi nhuận, đến thủ tục, khó hơn so với làm nhà ở thương mại nên họ cũng ngại ngần. Cuối cùng là mặc dù Chính phủ rất quan tâm đến xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, nhưng thực hiện còn hạn chế, không đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Trích % GDP cho việc phát triển nhà ở liệu có khả thi?
Tại hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao?”, ông Đinh Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh kiến nghị, Nhà nước nên nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở. Nhưng liệu phương án này có mang tính khả thi?
Cụ thể, đại diện Mường Thanh cho hay, nguồn vốn quan trọng từ ngân sách Nhà nước (bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển,…) có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách phát triển nhà ở.
Tuy nhiên do không có quy định cụ thể, đặc biệt từ nguồn ngân sách Nhà nước của Trung ương và địa phương nên nguồn vốn này không ổn định, tùy thuộc vào kinh phí phân bổ của Trung ương và địa phương.
Chính vì vậy, Tập đoàn Mường Thanh kiến nghị, Nhà nước nên nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở. Tương tự như quy định trích % dành cho nghiên cứu khoa học (ví dụ: 0,5-1% GDP) hoặc dành ngân sách nhà nước cố định 5 năm, hằng năm cho phát triển nhà ở (cả ngân sách Nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Novaland là thương hiệu bất động sản duy nhất được vinh danh là doanh nghiệp niêm yết 2018
Ngày 2/11/2018, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018 do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp cùng Báo Đầu tư tổ chức đã chính thức trao giải. Trong đó, Tập đoàn Novaland lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh trong Top 10 Báo cáo thường niên (BCTN) tốt nhất và Top 10 báo cáo phát triển bền vững (BCPTBV) tốt nhất.
Nhằm hướng doanh nghiệp đến chuẩn mực minh bạch, công khai theo thông lệ quốc tế, hầu hết các tiêu chí đánh giá của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2018 đều cao hơn năm 2017. Các doanh nghiệp tham gia được chọn lọc kỹ và phải thỏa mãn các điều kiện bắt buộc như: thuộc chỉ số VNX Allshare, không bị kiểm soát, đảm bảo các tiêu chí về vốn hóa, tỷ lệ free - float và thanh khoản. Tất cả các báo cáo vào vòng chung khảo của tất cả các hạng mục đều được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, EY, KPMG và PWC.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vụ khách hàng tố cáo lừa 400 triệu: Vietinbank cần “cầm trịch” trách nhiệm
Mới đây, một khách hàng của Vietinbank chi nhánh Yên Bái đã tố cáo nhân viên tín dụng của ngân hàng này về việc lừa đảo 400 triệu đồng. Đáng nói là số tiền này lại được các nhân viên thu tại chi nhánh và cho vào két sắt ngân hàng. Thế nhưng, nhân viên ngân hàng lại chối bỏ trách nhiệm.
"Gần đây, khi tôi đến ngân hàng vẫn thấy bà Lê Thị Trang - nhân viên quan hệ khách hàng hiện vẫn đang làm việc bình thường tại ngân hàng Vietinbank, nhưng nhân viên thu ngân thì có thể đã bị cho nghỉ việc. Phía Vietinbank có gửi văn bản cho tôi với nội dung đang chờ phía công an điều tra”, trao đổi với Reatimes sáng ngày 15/11, ông Đỗ Văn Dũng cho biết.
“Sáng nay, tôi đang làm thủ tục thanh toán khoản vay thế chấp bìa đỏ tại ngân hàng. Còn khoản 400 triệu nộp vào ngân hàng bị lừa thì tôi sẽ tiếp tục kiện đề đòi lại", ông Dũng nói thêm.