Cuộc đua "săn" quỹ đất
Ghi nhận trong những tuần đầu tiên của năm 2025, thị trường bất động sản cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang tích cực mở rộng tìm quỹ đất, có vị trí thuận lợi để phát triển các dự án mới.
Điển hình như Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đề xuất nghiên cứu với ý tưởng đầy tham vọng về Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bàu Sen rộng 1.655ha tại Quảng Bình, hứa hẹn mang đến một không gian nghỉ dưỡng cao cấp với đầy đủ tiện ích như biệt thự, khách sạn, sân golf... Tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 15.000 tỷ đồng, cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của dự án.
Cùng với đó, Tập đoàn T&T hợp tác cùng đơn vị tư vấn Singapore cũng đã đưa ra đề xuất táo bạo về tổ hợp đô thị sân bay, công nghiệp hàng không và logistics tại Quảng Trị với quy mô lên tới 3.400 ha. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch và tạo động lực phát triển mới cho khu vực. Theo phương án được đề xuất, tổ hợp sẽ bao gồm nhiều phân khu chức năng quan trọng như khu công nghiệp, cảng biển, khu đô thị du lịch sinh thái và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Không nằm ngoài cuộc đua, công ty con của Ecopark cũng vừa ghi dấu ấn với việc trúng đấu giá khu đất vàng gần 43.000m2 tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Với quy hoạch xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở, dự án này hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng sống tại Buôn Ma Thuột.
Việc các doanh nghiệp bất động sản ráo riết mở rộng quỹ đất ngay từ đầu năm 2025 là kết quả của nhiều yếu tố tác động, tạo nên một "làn sóng" đáng chú ý trên thị trường.
Thứ nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường. Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Điều này tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp "xuống tiền" sớm để đón đầu cơ hội.
Thứ hai, cơ hội từ chính sách. Các chính sách hỗ trợ, cùng với sự minh bạch và ổn định của pháp luật, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quỹ đất.
Thứ ba, nhu cầu nhà ở tăng cao. Đặc biệt là tại các đô thị lớn, nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số. Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Thứ tư, xu hướng đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp bất động sản đang hướng đến chiến lược phát triển bền vững, xây dựng quỹ đất để đảm bảo nguồn cung cho tương lai. Việc tích lũy quỹ đất không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển dự án trong ngắn hạn mà còn là nền tảng cho sự phát triển ổn định và lâu dài của doanh nghiệp.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội, cho rằng trước những diễn biến tích cực của năm 2024, thị trường cả nước năm 2025 kỳ vọng sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới. Trong đó có sự hỗ trợ lớn từ hoàn thiện khung pháp lý và các yếu tố tăng trưởng về kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, các luật liên quan đến bất động sản quan trọng đều đã được thông qua và có hiệu lực sớm hơn dự kiến trong năm 2024 như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, đã tạo điều kiện cho người dân lẫn nhà đầu tư nhìn rõ hơn về định hướng phát triển của thị trường bất động sản.
"Trong chu kỳ mới của thị trường lần này, sự hoàn thiện của khung pháp lý sẽ tạo cạnh tranh mạnh mẽ hơn, dẫn đến cuộc thanh lọc mới về sản phẩm và các chủ đầu tư. Nếu trước kia các chủ đầu tư chỉ cần có vốn, có dự án là có thể tham gia vào thị trường, giờ đây, các chủ đầu tư phải xây dựng uy tín, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mới có thể phát triển dự án", bà Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia Savills cho rằng sẽ có nhiều nhà đầu từ nước ngoài tham gia sâu vào thị trường, thông qua hàng loạt hoạt động hợp tác đầu tư và bắt tay với chủ đầu tư lớn trong nước để phát triển dự án, thay vì ở vị thế tìm hiểu như trước kia. Việc này được kỳ vọng có thể thúc đẩy hoạt động huy động vốn nước ngoài, qua đó, giúp nhà đầu tư quốc tế tham gia rộng hơn và đa dạng hóa phân khúc đầu tư. Hơn nữa, tiềm lực tài chính từ chính thương vụ hợp tác cũng tạo điều kiện để nâng cấp cho thị trường hiện hữu.
Về sản phẩm, bà Hằng đánh giá trong chu kỳ mới, mỗi thị trường dự báo là có những dòng sản phẩm khác biệt. Các chủ đầu tư cần đặt ra mục tiêu phải lấy việc làm hài lòng khách hàng làm tiêu chí phát triển sản phẩm, kể cả căn hộ hạng C, hay nhà ở xã hội.
Cũng theo bà Hằng, nguồn cung căn hộ Hạng B sẽ chiếm tỷ trọng chính trên thị trường Hà Nội vào năm 2025, phân khúc Hạng C và nhà ở xã hội đều cải thiện hơn về nguồn cung. Nguồn cung nhà ở thời gian tới đến từ chủ đầu tư lớn tại các đại đô thị vùng ven bên ngoài vành đai, các dự án đảm bảo pháp lý, chất lượng, được trang bị đầy đủ tiện ích cũng như tiêu chuẩn bền vững. Thậm chí, xu hướng nguồn cung mới với chi phí vừa túi tiền hơn có thể tập trung tại một số khu vực lân cận Hà Nội khi bảng giá ở khu vực nội thành và khu vực lân cận vành đai ở ngưỡng cao.
Thách thức vẫn còn đó
Theo giới chuyên gia, việc mở rộng quỹ đất vẫn là một bài toán đầy thách thức đối với các doanh nghiệp. Thực tế, thị trường hiện nay chứng kiến sự tham gia của rất nhiều "ông lớn" bất động sản, cả trong nước và quốc tế. Điều này tạo nên một cuộc đua quỹ đất khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược thông minh và tiềm lực tài chính vững mạnh mới có thể giành được những vị trí đắc địa. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn tồn tại một số vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính, khiến quá trình mở rộng quỹ đất gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian triển khai dự án.
Đặc biệt, yếu tố giá đất tăng cao đang gây áp lực lớn lên chi phí đầu tư của các doanh nghiệp, buộc họ phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho dự án. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, việc tăng bảng giá đất, đưa giá đất tiệm cận với giá thị trường tuy có thể hạn chế thất thoát cho Nhà nước nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Nếu giá đất đầu vào quá cao, chi phí triển khai dự án sẽ bị đội lên đáng kể, ví dụ vốn ban đầu 1.000 tỷ đồng có thể tăng lên 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, thậm chí không dám đầu tư vào các dự án, gây khó khăn cho việc thực hiện các quy hoạch.
"Tình trạng có quy hoạch nhưng không có người làm dự án cũng có thể xảy ra", đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia Savills nhận định: "Bảng giá đất mới tạo áp lực tài chính cho các chủ đầu tư. Chi phí sử dụng đất tăng cao khiến giá thành sản phẩm bất động sản leo thang, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Đặc biệt ở phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp. Đây là một thách thức cần được xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt, tại các khu vực ngoại thành, mức giá đất mới khiến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trở nên khó khăn hơn, làm giảm cơ hội phát triển các dự án nhà ở giá rẻ".
Để khắc phục các bất cập trong áp dụng bảng giá đất, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của công nghệ hiện đại và sự minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, việc xây dựng cổng thông tin trực tuyến về giá đất là giải pháp cấp thiết.
"Minh bạch hóa thông tin không chỉ củng cố lòng tin mà còn tạo nền tảng cho việc quản lý đất đai hiệu quả hơn," bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills TP.HCM nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Giang để giải quyết tình trạng áp dụng một giá đất đồng nhất cho cả tuyến đường với những đoạn đường có đặc điểm khác nhau như đoạn một chiều, đoạn hai chiều, đoạn có mặt đường rộng, mặt đường hẹp, cần phân loại giá đất chi tiết hơn dựa trên các yếu tố cụ thể như lưu lượng giao thông, khả năng kết nối hạ tầng và tiện ích xung quanh. Điều này đảm bảo công bằng giữa các khu vực và tăng tính khả thi khi áp dụng bảng giá đất mới.
Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các cải tiến trong cách thức áp dụng giá đất không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch mà còn hỗ trợ tạo ra một thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng lợi ích cho tất cả các bên…