Aa

Đầu tư công tiếp tục là lực đẩy cho thị trường bất động sản bứt phá trong năm 2025

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 04/10/2024 - 05:55

Dòng vốn đầu tư công đang đổ mạnh vào hạ tầng giao thông, đô thị được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ, giúp thị trường bất động sản "bứt phá" ngoạn mục, đặc biệt là ở khu vực ven đô, các tỉnh thành có nhiều dự án trọng điểm.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đem lại nhiều cơ hội cho thị trường

Thị trường bất động sản đang dần "ấm lên" nhờ những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ và đặc biệt là động lực giải ngân vốn đầu tư công. Với vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, bất động sản được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn nữa khi dòng vốn đầu tư công đang đổ mạnh vào hạ tầng giao thông.

Giới chuyên gia nhận định, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vào các dự án hạ tầng trọng điểm, sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Theo Bộ Giao thông vận tải, năm 2024, ngành được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công lên đến 71.284 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương chiếm 67.955 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2024, Bộ đã giải ngân được khoảng 35.975 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Dự kiến năm 2025, con số này sẽ tiếp tục tăng lên, đạt khoảng 77.624 tỷ đồng, tập trung vào các công trình giao thông trọng điểm. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, tại phiên họp về các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 14/6 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, nhiều kết quả ấn tượng của việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm đã được nêu bật. Cụ thể, các dự án thành phần 2 và 3 thuộc dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai bám sát tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên cũng đang tiếp tục chạy thử để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và dự kiến sẽ chính thức khai thác thương mại vào quý IV/2024.

Đầu tư công tiếp tục là lực đẩy cho thị trường bất động sản bứt phá trong năm 2025- Ảnh 1.

Dòng vốn đầu tư công đang đổ mạnh vào hạ tầng giao thông, đô thị được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ, giúp thị trường bất động sản "bứt phá" ngoạn mục. (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

Theo ông Paul Tostevin, Giám đốc Savills World Research, đầu tư cơ sở hạ tầng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, vừa phục vụ cộng đồng, vừa thúc đẩy kinh tế. Cụ thể, các dự án hạ tầng không chỉ tạo ra việc làm trong quá trình xây dựng và vận hành, mà còn tăng cường khả năng kết nối, di chuyển, tiếp cận dịch vụ cho người dân. Bên cạnh đó, việc cải thiện lưới điện và kết nối kỹ thuật số là đòn bẩy quan trọng cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cũng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu thông qua việc phát triển năng lượng xanh, nâng cấp hạ tầng hiện có để giảm lượng khí thải carbon.

"Mối liên hệ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và sự phát triển bất động sản là rất rõ ràng. Hạ tầng phát triển sẽ thu hút doanh nghiệp, người lao động, hình thành các khu vực kinh tế sôi động. Từ đó kéo theo nhu cầu về văn phòng, nhà kho, cửa hàng và nhà ở, tạo động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản", ông Paul Tostevin khẳng định.

Đầu tư công tiếp tục là lực đẩy cho thị trường bất động sản bứt phá trong năm 2025- Ảnh 2.

Giá bán và giá cho thuê bất động sản xung quanh các nhà ga metro hưởng mức giá tốt hơn so với các vị trí khác. (Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN)


Bất động sản hưởng lợi về giá khi "ăn theo" hạ tầng

Thực tế cho thấy, những khu vực được đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo nên sức nóng cho thị trường bất động sản. Không chỉ giá trị bất động sản tăng lên đáng kể mà thanh khoản cũng được cải thiện rõ rệt, mang đến lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Dữ liệu trong báo cáo của Savills mới đây cho thấy giá bán và giá cho thuê bất động sản xung quanh các nhà ga metro hưởng mức giá tốt hơn so với các vị trí khác.

Đơn cử tại TP.HCM, giá căn hộ dọc theo tuyến metro liên tục gia tăng từ thời điểm mở bán với mức tăng trung bình từ 35 - 70% tùy thuộc vào vị trí, cá biệt có dự án gấp đôi trong giai đoạn 2015 - 2023.

Tại Hà Nội, giá trung bình các căn hộ tại quận Cầu Giấy cho các phân khúc trong bán kính 500m so với các nhà ga tuyến metro Cầu Giấy - Nhổn tăng trên 40% trong vòng 1 năm từ quý III/2023 tới quý III/2024. Ngoài ra, các khu vực nằm xa tuyến metro này thì mức giá căn hộ cũng tăng bình quân khoảng 25 - 35% tùy vị trí. Điều đó, cho thấy rằng lợi thế của nhà ga metro cũng đã tác động khiến cho giá bất động sản xung quanh tăng cao hơn 5 - 15% so với mức tăng giá chung.

Trong Báo cáo chuyên đề "Bất động sản hạ tầng - Cơ hội và thách thức" do Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam công bố, các chuyên gia cũng đã chỉ rõ, giá bất động sản Hà Nội đã bật tăng mạnh mẽ cùng hệ thống hạ tầng trong suốt thời gian qua. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, mức tăng trung bình đạt 8 - 35%/năm tùy từng dự án. Đơn cử, tại KĐT Ciputra, so với thời điểm năm 2017, giá bán căn hộ đã tăng 30 - 35%. Hiện tại mức giá căn hộ dao động 31 - 62 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí và diện tích căn hộ. Hàng loạt các dự án khác như Vinhomes Smart City, The Manor, Sudico, Khu đô thị Văn Phú, An Hưng… cũng ghi nhận mức tăng trung bình 30 - 50% so với thời điểm mở bán.

Đầu tư công tiếp tục là lực đẩy cho thị trường bất động sản bứt phá trong năm 2025- Ảnh 3.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hạ tầng giao thông chính là nền móng cho sự phát triển của bất động sản. Ông khẳng định, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn mở ra cơ hội vàng cho thị trường bất động sản.

Hạ tầng giao thông đóng vai trò như mạch máu, kết nối các khu vực, thu hút doanh nghiệp, người lao động, từ đó hình thành các khu dân cư, khu công nghiệp sầm uất. Sự phát triển của văn phòng, nhà kho, cửa hàng... cũng theo đó mà tăng trưởng.

Tuy nhiên, TS. Hiển nhấn mạnh: "Không phải cứ có đường là có nhà. Để bất động sản thực sự phát triển, cần có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm cả kinh tế và an sinh xã hội".

TS. Hiển phân tích thêm, thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là trong bán kính 100km quanh TP.HCM, đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, ông khuyên các nhà đầu tư nên thay đổi tư duy, không chỉ tìm kiếm "đất lành chim đậu" mà phải hướng đến "đất có thóc để chim ăn".

Vậy "đất có thóc" là gì? Theo TS. Hiển, đó là những khu vực có nền tảng kinh tế vững chắc, thương mại dịch vụ sôi động. Tiêu biểu là các khu công nghiệp hiện đại, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là sự hiện diện của cảng biển sẽ là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư và tạo động lực phát triển cho bất động sản.

Tin vui cho thị trường bất động sản phía Nam là sau nhiều năm trì trệ, hạ tầng giao thông đang có những bước tiến đáng kể. Dự kiến đến năm 2025, khi các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3... hoàn thành, nền kinh tế khu vực sẽ có bước đột phá mạnh mẽ, mở ra dư địa phát triển rộng lớn cho bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top