Tại Họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Tài chính ngày 27/9, vấn đề đánh thuế bất động sản đã được đề cập đến. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ nghiên cứu đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà đất mà Bộ Xây dựng đã đề cập đến trong Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ vừa qua.
Giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai đã được đề cập đến nhiều lần, trong bối cảnh giá bất động sản chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố đầu cơ, giá nhà ở liên tục tăng mạnh. Nhất là khi thời gian qua, nhiều phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội có giá trúng lên tới hàng trăm triệu đồng một mét vuông rồi bỏ cọc hàng loạt, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của thị trường.
Được biết năm ngoái, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó, có đề xuất đánh thuế đối với bất động sản thứ hai, và áp thuế cao hơn đối với nhà đất bỏ trống. Và dự kiến bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng hiện đang tạm dừng.
Giữa tháng 9/2024, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng lên tiếng cho rằng đã đến lúc cần cải cách thuế bất động sản để góp phần giải bài toán giá nhà đất tăng quá cao. Theo đó, thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, không phải là cần thiết nữa mà rất "cấp bách" để ban hành ngay chính sách về thuế bất động sản bỏ hoang.
Mặc dù Luật Đất đai 2024 đã "siết" đầu cơ, hướng tới phát triển thị trường đất đai, bất động sản minh bạch, nhưng nếu như cơ chế chỉ dùng mỗi Luật Đất đai 2024, dù có áp dụng khung giá đất mới, cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì giá đất có khả năng chỉ tăng chứ không giảm. Bởi vậy, cần nhanh chóng khởi động lại chính sách thuế bất động sản, để điều tiết tăng giảm giá bất động sản theo đúng nhịp thị trường.
Thực tế, việc điều tiết thị trường bất động sản bằng công cụ thuế là điều mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Song, đối với Việt Nam, còn có nhiều vấn đề cần xem xét. Nhiều quan ngại đã từng được nhắc đến, như thời điểm áp dụng, xác định đối tượng đánh thuế chưa phù hợp, hay mức thuế dễ cào bằng mà không dựa trên giá trị, quy mô…
Theo chuyên gia, việc đánh thuế bất động sản là cần thiết, nhưng cần đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, tránh gây khó dễ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, các chính sách đưa ra cần mang tính tổng thể; các chính sách khác như đất đai, quy hoạch cũng phải đồng bộ. Còn chỉ riêng chính sách thuế sẽ không đáp ứng được sự toàn diện, cho nên sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng, là minh bạch thị trường bất động sản, giảm giá nhà đất.
"Các chính sách khi ban hành cần phải xem xét toàn diện, tránh tình trạng đạt được mục tiêu này nhưng ảnh hưởng đến mục tiêu khác", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh tại buổi họp báo.
Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách tài chính nói chung về đất đai, về thị trường bất động sản, góp phần phát triển thị trường minh bạch, bền vững./.