Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Nhiều dự án dở dang, chỉ cần tiếp sức 5-10% là có thể đi vào hoạt động
Đóng góp ý kiến vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, nhiều ĐBQH đề cập thực trạng lãng phí nghiêm trọng đang tồn tại trong quản lý và sử dụng tài sản công, đất công, cùng với các dự án đầu tư công chậm tiến độ kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nêu ý kiến, có rất nhiều tài sản, đặc biệt là các bất động sản giá trị lớn, các "khu đất vàng" vẫn đang bị đóng băng do nằm trong các vụ án. Trong số đó, đã có rất nhiều vụ án đã được ra xét xử, có bản án, có hiệu lực. Một số vụ việc mà 2-3 năm qua có bản án rồi nhưng vẫn án binh bất động. Dường như các cơ quan có liên quan vẫn ngần ngại, không đề xuất phương án giải quyết dứt điểm. Mặc dù, việc thu hồi tài sản, đưa vào thị trường sẽ góp phần tránh được lãng phí lớn cho xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH TP. HCM (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Vì vậy, ông Sang cho rằng các cơ quan liên quan cần chủ động yêu cầu giải thích bản án, tổ chức họp liên ngành để tháo gỡ, không thể tiếp tục để các tài sản có giá trị nằm bất động một cách lãng phí. Đối với các vụ án mà án tuyên chưa rõ, thì các địa phương yêu cầu Tòa án giải thích hoặc họp liên ngành giải quyết.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. HCM) nêu ví dụ cụ thể ngay tại chợ Bến Thành, trung tâm TP.HCM, có một tòa nhà xây dựng dang dở, khung sắt để suốt nhiều năm gây lãng phí diện tích đất và tiềm năng sử dụng. Ông đề nghị các địa phương cần quan tâm tới chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Các cơ quan liên quan cần tập trung tháo gỡ dù là tài sản công hay tài sản tư vì đều là nguồn lực xã hội. Nhiều dự án dở dang, chỉ cần tiếp sức 5-10% là có thể đi vào hoạt động.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP. HCM) ví von chống lãng phí phải như "chống giặc ngoại xâm". Nhiều công trình đầu tư công đã khởi công nhưng chậm tiến độ, không rõ thời gian hoàn thành, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các đơn vị chậm trễ.
Tạị Hà Nội, phát biểu thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, công tác chống lãng phí thời gian qua đã được thực hiện khá tốt, đã có những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề về lãng phí, nhiều khu nhà bị bỏ hoang và nhiều dự án còn chưa giải quyết được. Đơn cử như dự án hai bệnh viện ở Hà Nam bị bỏ hoang nhiều năm chưa đưa vào sử dụng. Hiện tại, trước thông tin xây dựng "làng đại học" ở Hà Nam gần đây, ông cho rằng, cần phải suy nghĩ kỹ hơn, chín chắn hơn trước khi quyết định đầu tư.
Chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong thực thi chính sách
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, các ĐBQH đã chỉ ra những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” kéo dài trong công tác điều hành và thực thi chính sách ở các cấp chính quyền.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. HCM (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. HCM) nhấn mạnh sự cần thiết của việc thể chế hóa đầy đủ và thống nhất các nghị quyết của Đảng. Thực tế, công cuộc tinh giản bộ máy hành chính là việc tất yếu phải làm và sẽ có tác động tích cực về lâu về dài, nhưng đặt ra những thách thức không nhỏ trước mắt. Hiện các nghị quyết quan trọng của Đảng đã bao trùm tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng cần phải được thể chế hóa một cách toàn diện. Tinh thần của các nghị quyết là giảm thủ tục hành chính, nhưng hàng loạt "giấy phép con" vẫn tiếp tục mọc ra. Cần xử lý dứt điểm hiện tượng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" khi đi vào ban hành các quy định cụ thể. Đặc biệt, Chính phủ phải làm cho tinh thần đổi mới thực sự “thấm” xuống đến cấp xã.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thảo luận tại Tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã "bắt được bệnh" và đang xây dựng chính sách để "chữa bệnh" lãng phí. Tại đầu Kỳ họp thứ 9, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ tồn tại hơn 2.200 dự án chậm tiến độ nhiều nhiệm kỳ, gây lãng phí lớn. Nếu tháo gỡ được, sẽ có thể giải phóng nguồn lực hơn 230 tỷ USD, tương đương 50% GDP quốc gia. Việc xử lý những dự án này cần sự điều chỉnh về thể chế và tổ chức, không hợp thức hóa sai phạm nhưng cũng không để nguồn lực tiếp tục bị lãng phí.
Thủ tướng khẳng định, ai làm sai phải xử lý, nhưng thể chế chưa phù hợp thì phải tháo gỡ. Tình hình thay đổi thì cơ chế chính sách phải thay đổi. Đây là “căn bệnh”, mà đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, chịu "mất máu", mất tiền. Trong giải quyết những bất cập thì không thể thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát, theo Thủ tướng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để làm được cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các điều kiện cần thiết khác, từ đó công bố công khai để người dân thực hiện, được làm những gì pháp luật không cấm; chuyển từ tiền kiểm sang tăng cường công tác hậu kiểm... Để triển khai chính quyền 2 cấp, thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính thì cần tăng cường kết nối dữ liệu, trong đó có dữ liệu về dân cư, đất đai...
Đồng thời, chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin - cho. Tinh thần là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp. Và phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, theo Thủ tướng.