Aa

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Có nhiều cách tiếp cận đất đai để phát triển nhà ở xã hội

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 15/03/2024 - 17:19

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu, việc phát triển nhà ở xã hội nên được tiếp cận một cách tổng thể, dưới nhiều góc độ, không nhất thiết chỉ cho bán hay cho thuê.

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức, trước đề xuất của một số chuyên gia liên quan đến việc nên thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ bởi nhiều nước trên thế giới cũng đang đẩy mạnh hình thức này. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, với việc phát triển nhà ở xã hội, không nên chỉ tiếp cận ở riêng góc độ cho thuê, thay vào đó, nên tiếp cận ở nhiều góc độ, nhiều giải pháp để hướng đến kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân, tăng thêm sự lựa chọn và cơ hội được đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đối tượng chính sách.

Theo đó, nhà ở xã hội nên phát triển cả bán và cho thuê, ai có đủ năng lực mua sẽ mua, ai không đủ thì thuê. Bên cạnh những dự án nhà ở xã hội có sẵn, có thể hỗ trợ các đối tượng chính sách thuê nhà riêng lẻ trong ngõ các khu dân cư hoặc căn hộ chung cư thương mại gần nơi làm việc..., tùy theo nhu cầu của từng đối tượng.

"Nên tiếp cận phát triển nhà ở xã hội một cách toàn diện, tổng thể, kết hợp nhiều chính sách, nhiều góc độ, nhiều cách triển khai, chứ không nên chỉ là một vài hình thức, chỉ "thế này" hay "thế kia" thì mới giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân. Việc mua hay thuê cũng không hẳn chỉ dừng lại ở các dự án nhà ở xã hội", ông Hiếu nói.

Nói thêm về chính sách phát triển nhà ở từ góc độ Luật Đất đai, ông Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai đưa ra căn cứ về loại đất được sử dụng khi phát triển dự án. Bên cạnh đó, theo Luật Đất đai, có 2 hình thức để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, một là nhà nước đứng ra thu hồi, hai là doanh nghiệp phải tự giải phóng mặt bằng, thỏa thuận với người dân.

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Có nhiều cách tiếp cận đất đai để phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu cho biết thêm, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng hơn về tiếp cận quỹ đất phát triển nhà ở xã hội so với luật hiện hành, có thể kể đến 3 cách tiếp cận như sau:

Thứ nhất, Nhà nước thu hồi đất, trong trường hợp nhà đầu tư có năng lực vẫn có thể thỏa thuận về chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở xã hội, điểm này linh hoạt hơn so với quy định tiếp cận quỹ đất của nhà ở thương mại.

Thứ hai là quỹ đất vùng phụ cận kết nối với các dự án hạ tầng, đây là quỹ đất rất tiềm năng để phát triển cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại; nhà nước sẽ thu hồi, sau đó đấu giá hoặc đấu thầu và giao do đơn vị xây dựng. Đối với vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu gợi mở thêm phương án đấu thầu để xây dựng nhà ở xã hội. "Hoàn toàn có thể đấu thầu dự án nhà ở xã hội. Xây dựng tiêu chuẩn của dự án, theo đó, doanh nghiệp nào có thể bán với mức giá thấp nhất thì được triển khai dự án", ông Hiếu nói.

Thứ ba, trong xu hướng phát triển đô thị nén, kết hợp chỉnh trang, cải tạo đô thị có việc cải tạo nhà chung cư cũ. Theo ông Hiếu, các dự án này cũng có thể giải phóng mặt bằng theo hình thức thu hồi quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân, do đó, đây cũng là một quỹ đất tiềm năng để hình thành các dự án nhà ở xã hội.

Với vấn đề tiếp cận đất đai để phát triển dự án nhà ở thương mại, Luật Đất đai 2024 vẫn yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có đất ở thì mới được chấp thuận đầu tư, chấm dứt những tranh luận trái chiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chính phủ đang xây dựng nghị quyết thí điểm việc cho phép doanh nghiệp tiếp cận các loại đất khác không phải là đất ở để phát triển dự án nhà ở thương mại, với mục đích là nếu thí điểm tốt sẽ tiến tới "luật hóa" vấn đề này và khi đó sẽ không còn tranh cãi hay lo ngại về việc sử dụng "đất khác" làm nhà ở thương mại.

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân 2024, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự đồng tình với vấn đề thí điểm mở rộng loại đất phát triển nhà ở thương mại, bao gồm cả đất khác không phải là đất ở.

TS. Vũ Đình Ánh khẳng định, việc xây dựng các dự án nhà ở phụ thuộc vào quy hoạch của từng vùng, từng địa phương, theo đó nên dùng công cụ quy hoạch để quản lý thay vì hạn chế việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Theo đó, nếu cho phép doanh nghiệp được tạo lập quỹ đất khác không có đất ở để phát triển nhà ở thương mại, sẽ góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, nên mở rộng loại đất, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận đất đai phát triển nhà ở thương mại, đây cũng là cách khơi thông nhiều dự án đang ách tắc trên thị trường. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong khuyến khích việc thí điểm chính sách này nên ưu tiên cho nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Tức là doanh nghiệp có quỹ đất được tạo lập từ các loại đất khác không phải là đất ở nếu dùng để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ hoặc nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên hơn các phân khúc khác. Đây cũng là cách gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trên thị trường./,


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top