Aa

Để gió cuốn đi...

Thứ Bảy, 13/07/2019 - 06:00

Ngày nay, việc đi làm từ thiện và các câu chuyện xung quanh đề tài này đã trở thành một trong những nhu yếu của xã hội.

Tôi mỗi ngày mở những trang thông tin mạng đều thấy học trò mình, thấy mọi người lấp lánh những niềm vui trong một công việc phụng sự nào đó hữu ích, ta thường gọi chung là chuỗi hoạt động: Lá lành đùm lá rách, tri ân, uống nước nhớ nguồn, hương hiếu hạnh,...

Tôi muốn nói rằng, những hoạt động này thực sự vô cùng cần thiết và hữu ích. Trong xã hội đầy rẫy những hối hả này, những việc làm nho nhỏ của các bạn như bình nước miễn phí bên vỉa hè giữa trời nắng cháy, tủ quần áo “ai thừa đến để, ai thiếu đến lấy”, hay những bát cháo trong bệnh viện, những gói quà mùa trung thu cho các em nhỏ, những tấm lòng góp lại cho đủ một ca mổ để cứu mạng người... thực sự đáng quý, đáng trân trọng lắm thay!

Mỗi một ý niệm lành khởi lên làm rạng ngời cả khắp không gian. Mỗi việc làm thiện như 1 cơn gió chuyên chở cả tấm lòng, cả trái tim của ta. Và ở những nơi đầy rẫy thiếu thốn, đầy rẫy khổ đau khắc nghiệt ta có cơ hội để mỉm cười thật ấm áp, để vòng tay ôm những run rẩy xót xa vào lòng với trái tim thấu cảm.

Tôi từng thăm các em nhỏ bị bệnh não úng thủy, bại não. Người ta nói các em thiểu năng, nhưng tâm hồn các em hoàn toàn bình thường, biết khao khát sự chia sẻ, yêu thương, biết hạnh phúc và nhớ mong. Tôi không bao giờ quên ánh mắt của các em ở nơi phòng bệnh tôi từng ngồi lại ấy.

Khi tôi mỉm cười xúc cho em ăn, em đã ăn rất ngoan và nắm lấy tay, níu lại muốn tôi ngồi lại bên em. Ánh mắt thiết tha ấy, sự chới với giữa muôn trùng đau bệnh và khao khát yêu thương ấy làm tôi trào nước mắt.

Có những buổi chiều hè, đi ngoài đường thấy một người nằm ngủ bên vỉa hè, tôi xót xa rồi lại nghĩ, nếu như lòng họ bình an, có lẽ giấc ngủ cũng an lành thôi dù nơi lề đường lắm kẻ qua lại và bụi bặm thế kia. Thế rồi, sáng hôm sau đọc tin thấy người ta đăng người vô gia cư đã mãi mãi ra đi từ những giấc ngủ quá trưa như thế..

Phải nghiêng đời xuống mới nhìn thấy được những khổ đau lắng sâu nơi ánh mắt, nơi một giấc ngủ trưa, nơi nụ cười gượng để mà an lòng của những số phận cơ cực.

Cho đên bây giờ, khi bao nhiêu năm tháng đi qua, tôi vẫn thắt tim nhói lòng, vẫn thấy mình thừa ra và xót xa khi nghĩ đến ánh mắt của các em và khi cả phòng bệnh ấy, em nào cũng muốn được tôi đến để xúc cơm và nói chuyện thủ thỉ vài câu... chỉ vài câu thôi..

Các em ấy chẳng khuyết tật gì cả. Các em là những vị Bồ Tát giữa cuộc đời để chữa lành bệnh cho những tâm hồn khuyết tật của những con người đầy tham đắm ích kỷ. Cả những con người sinh ra đã được đặt lên đời mình bao nhiêu là mất mát, bao nhiêu những lầm than.

Ở chính nơi có sự có mặt của họ, tình thương yêu tròn đầy, những cảm xúc lành lẽ tròn đầy và sự ấm áp cũng trở nên viên mãn hơn bao giờ hết. Khi con người, còn biết yêu người!

Chúng ta luôn cẩn biết ơn sự có mặt của những tròn đầy tưởng như vô cùng khiếm khuyết, biết ơn những mất mát xót lòng đau thắt ruột gan của những kiếp người khốn khó để tình thương được biểu hiện một cách vẹn tròn.

Tôi vào chùa từ khi còn nhỏ, 6 tuổi đã bước thấp bước cao theo cha để học đạo. Những năm tháng nơi cửa thiền đã giúp tôi có nhiều cơ hội để lắng lòng mình lại mà gạn đục, khơi trong. Tôi có cơ hội tiếp xúc với lời dạy của Đức Thế Tôn mà học hiểu những khổ đau, học thương người, thương cuộc đời còn nhiều ngang trái này.

Chính bởi vậy, nên tôi luôn nhiệt thành từ những việc nhỏ. Trồng 1 cây xanh cho đời thêm 1 bóng mát; đúc một quả chuông nơi ngôi chùa quê nghèo sớm sớm được dóng lên hồi chuông; thắp 1 nén nhang nơi ban thờ gia tiên để biết kính thương nguồn cội, nơi ngôi mộ của những vị tiền nhân đã ngã xuống vì hòa bình của quê hương; hay là cài 1 bông hồng lên áo mẹ áo cha mỗi độ vu lan về...

Hoặc đơn thuần chỉ là tụng một biến kinh, một lời sám nguyện giữa những ồn ào của cuộc đời lắm những trách móc, hơn thua. Từng việc, từng việc một, tôi luôn tận tụy, hết tâm hết sức để hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình. Làm được việc gì tốt, thì cứ làm và làm ngay, cuộc đời biết đâu nay mai vô thường ập đến!

Chúng ta, mỗi người mỗi điều kiện, mỗi nhân duyên. Cơ duyên để làm việc lành cũng khác nhau.

Ngày xưa, một người nghèo hỏi đức Phật: "Tại sao con nghèo như thế?"

- Phật nói: "Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác"

- Người ấy nói: "Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí?"

- Đức Phật dạy: "Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này:

Nhan thí - Bố thí nụ cười; Ngôn thí - Bố thí ái ngữ, nói lời hay; Tâm thí - Bố thí tâm hoà ái, lòng biết ơn; Nhãn thí - Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ; Thân thí - Bố thí hành động nhân ái; Toạ thí - Bố thí nhường chỗ cho người cần; Phòng thí - Bố thí lòng bao dung.

Vậy nên, không phải người có điều kiện mới có thể làm lành, làm từ thiện. Có thể Trao thức ăn nuôi thân thì tốt, nhưng "Trao Pháp nuôi Tâm" cũng thực sự hữu ích.

Nếu như, ta không hay chưa đủ điều kiện để đi làm "từ thiện", không mang góp tài vật đến những nơi nghèo thiếu nữa. Ta có thể học hỏi để tự bản thân trở nên lành lẽ vững vàng hơn, hạnh phúc hơn!

Nhu yếu tìm kiếm thức ăn nuôi thân và tranh giành, thậm chí giật cướp đồ ăn là bản năng của sinh vật sống. Nhưng có một nhu yếu quan trọng hơn mà con người cần học để có được, nó không phải bản năng, nó là kết quả của quá trình rèn luyện, cố gắng và khiêm nhường ấy là nhu yếu Hạnh Phúc.

 

Để hạnh phúc là phải có khiêm nhường, có nhẫn nại giữa những hào nhoáng, hơn thua.

Để hạnh phúc là cần có bao dung, có yêu thương đủ lớn để đi qua những hẹp lòng vị kỷ của bản thân mình.

Để hạnh phúc là cần có vững vàng giữa gian nan của đời sống.

Biết hạnh phúc là cần có lòng Biết ơn!

Tặng cho người, cho đời, cho mình một nụ cười mỗi sớm, một tâm tình hiền thiện, không ích kỷ hẹp hòi, không so đo hơn thiệt, một ánh mắt thật hiền và những việc làm đủ đầy hòa ái, bao dung... Đó là Pháp khí, giúp nuôi dưỡng tâm bồ đề của người cho và cả người nhận.

Trước khi để gió cuốn đi những tấm lòng, những yêu thương đẹp đẽ cho đời thì những tâm hồn của chúng ta cũng thật cần được hạnh phúc, được bình an và vững chãi.

Như một bông hoa, trước khi hương thơm của nó tỏa khắp không gian thì bản thân hoa cũng đã mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống. Hoa không cần điểm trang, không cần tính chuyện này chuyện nọ, hoa cứ làm tốt việc mình, tự tại và an nhiên cũng đã làm đẹp thêm cho cuộc đời.

Sư Ông Nhất Hạnh nói rằng, Hoa là vị Bồ Tát, làm đẹp cho cuộc đời. Mỗi chúng ta cũng có thể là 1 vị Bụt hay 1 vị Bồ Tát ngay tại kiếp này mà không cần phải đợi tu bao nhiêu kiếp khác hay đợi chở ở 1 hóa thân nào cả.

Nơi mình đang sống, chỗ mình đang đứng, tôi cho đó là điều màu nhiệm nhất và đầy đủ duyên lành nhất để cho mình tu tập và rèn luyện cho tâm của mình được thiện lành, được an nhiên và đẹp đẽ. Có những việc mình làm tốt, có những việc lại chẳng tốt một chút nào, nhưng mình cứ cố gắng và cứ đi bằng tất cả nhiệt huyết, tất cả thành tâm thì trời người đều thấu cảm hạnh phúc ở ngay trên con đường và do ta nhận diện cũng như chế tác mà thôi!

Nếu chúng ta góp sức để từ ngay nơi mình sẽ là những nụ cười đủ bình an, sẽ là những lời nói luôn trong ý thức khích lệ, nuôi dưỡng, sẽ là những tâm thế chân thật, hoan hỷ và bao dung, thì ngoài này, cuộc sống yên vui, thì biết đâu sẽ giúp được nhiều hơn đến trong kia... nơi những trẻ em bị cha mẹ ruột bỏ lại trong đau đớn, giày vò và xót xa... nơi những người bị gọi là tâm thần và bị tách biệt với mọi người... nơi một gầm cầu hay lề đường nào đó...

Biết đâu, dần dần những nơi đó sẽ chẳng còn bóng dáng của khổ đau, cơ cực. Nơi những bệnh viện tâm thần không cần phải xây dựng thêm nữa và thậm chí những em bé kia dù bại não vẫn được sống trong vòng tay cha mẹ, được lớn lên trong tiếng hát ru và được hưởng hơi ấm từ trái tim người mẹ.

Tôi không quên lời hứa quay trở lại thăm với các em, không quên ánh mắt các em và vẫn thường quay trở về cùng các em từng ngày trong đời sống, trong từng việc làm.

Tôi cũng không quên nơi tôi sinh ra, từng nắm đất thấm đẫm những máu xương.

Tôi biết ơn những điều đó. Tôi biết ơn những vị bồ tát, những vị Bụt đã đến trong cuộc đời, đã biểu hiện những đau thương, những dũng cảm, những mất mát, những thiếu thốn lầm than, để tôi được lắng lòng, được học hiểu, học thương, học để làm người biết nghiêng mình xuống trước những kiếp sống đầy khổ đau.

Những người mẹ, những người cha, những người bạn, xin nhắc nhớ cùng nhau, ta cần cả “thức ăn nuôi thân, và Pháp để nuôi tâm”. Mỗi một biểu hiện mất mát giữa đời là để cho một yêu thương bù đắp lại, có ân nghĩa, sẽ có vẹn tròn.

Sống sao cho vẹn tròn ân nghĩa với đời, với người, với mỗi tán lá, mỗi nếp nhà, mỗi cành cây ngọn cỏ, mỗi tấm lòng mẹ cha... suy cho cùng, là một lựa chọn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top