Aa

Đề xuất Quốc hội xem xét các chính sách đặc thù, đột phá để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị

Thứ Năm, 13/02/2025 - 17:25

Chiều 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM.

Đề xuất các chính sách đặc thù, đột phá

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố là rất cần thiết, cấp bách; nhằm giải quyết "điểm nghẽn" về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.

Trong đó, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, để hai thành phố chủ động, tích cực trong việc triển khai đầu tư.

Việc xây dựng Nghị quyết cũng được đơn giản hóa trình tự, thủ tục. Trên quan điểm Trung ương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đảm bảo kiểm soát về mặt vĩ mô, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn trình tự, thủ tục, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Đề xuất Quốc hội xem xét các chính sách đặc thù, đột phá để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm nhóm chính sách về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.

Đặc biệt, với nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), dự thảo Nghị quyết quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

"UBND Thành phố được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD; khi lập quy hoạch chi tiết phương án tuyến công trình, vị trí công trình không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch có liên quan", Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề xuất và cho rằng, nếu được Quốc hội đồng ý cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư theo hướng hiện đại và bền vững.

Đơn cử, liên quan tới Nhóm chính sách áp dụng riêng cho TP.HCM, Bộ trưởng đề xuất để Thành phố được áp dụng tương tự với Hà Nội (Điều 9 của Nghị quyết đã được quy định trong Luật Thủ đô nhưng cần được bổ sung vào Nghị quyết này). 

Cụ thể, TP.HCM được thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD; huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị, đồng thời UBND Thành phố được tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.

Đối với nhóm chính sách về trình tự thủ tục thực hiện đầu tư, Nghị quyết đề xuất dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Thay vào đó, dự án được thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư. Cùng đó, UBND Thành phố được quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc. UBND Thành phố cũng có quyền chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư; cũng như được ứng trước ngân sách địa phương năm sau để thực hiện dự án, đáp ứng tiến độ đề ra. 

Cân nhắc một số chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, 6 nhóm chính sách đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép trong thời gian qua tại Luật Thủ đô, Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Đối với việc phát triển theo mô hình TOD, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 và điểm b khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị quyết có phần trùng lặp; và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết sẽ làm vô hiệu hóa, mất ý nghĩa của các quy hoạch, dẫn đến các tác động tiêu cực về sau. Do đó, đề nghị rà soát, chỉnh sửa phù hợp hơn.

Khoản 7 Điều 5 dự thảo Nghị quyết còn quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Ủy ban Kinh tế đồng tình, việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.

Đề xuất Quốc hội xem xét các chính sách đặc thù, đột phá để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Về các quy định áp dụng riêng cho TP.HCM (Điều 9), ông Vũ Hồng Thanh cho hay, đề xuất của Chính phủ là có cơ sở vì các quy định này cơ bản được kế thừa tại Luật Thủ đô. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định "Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt" đang chưa thống nhất với các quy định về dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, khoản 26 điều 79 Luật Đất đai 2024 đã quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, có các dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển, để làm cơ sở cho thành phố triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, do đó, quy định nêu trên là không cần thiết.

Đối với một số chính sách cụ thể khác, như về huy động nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, tại điểm a khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết cần làm rõ, trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với danh mục dự án kèm theo Nghị quyết này, thì số vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào, để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top