Aa

Đi chợ “ngày cách ly Chỉ thị 16”

Chủ Nhật, 25/07/2021 - 11:30

Việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khá chặt chẽ và nghiêm khắc nhưng không cấm chợ ngăn sông, mà trong nhà cũng hết đồ ăn, nên tôi bỗng dưng muốn đi chợ thử xem thế nào...

Đợt cách ly theo Chỉ thị 16 của Hà Nội lần này diễn ra có vẻ bình tĩnh hơn rất nhiều so với lần thứ nhất. Người dân trong tổ dân phố nơi tôi ở đã tự động hình thành từng nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ cho nhau những thông tin cần thiết, rồi vận động tài trợ nội bộ cho những điểm bị phong tỏa…

Tuy việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khá chặt chẽ và nghiêm khắc nhưng không cấm chợ ngăn sông, mà trong nhà cũng hết đồ ăn, nên tôi bỗng dưng muốn đi chợ thử xem cuộc sống xã hội trong những ngày “bình thường mới” này có gì khác những ngày “bình thường cũ”.

Cưỡi trên chiếc xe máy tuổi đời đã hơn hai chục năm ra khỏi tòa nhà chung cư vào lúc gần 7 giờ sáng, điều “mới” đầu tiên dễ dàng nhận thấy là đường sá vắng tanh, cứ tựa như sáng ngày mùng một Tết, chỉ thấy toàn ô tô xếp hàng dài dưới hàng cây trên đường, không một bóng người. Nơi đây vốn là một khu đô thị mới được xây dựng dang dở, phố chưa thành phố, làng chưa hết dáng vẻ của làng nhưng cũng đã có hàng nghìn dân về ở. Thế mới biết, dân nhà mình nghiêm cẩn, thật sự nghiêm túc cùng cả nước chống dịch.

Đường phố vắng vẻ khi giãn cách xã hội tại Hà Nội
Đường phố vắng vẻ khi giãn cách xã hội tại Hà Nội

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh sưu tầm)

Vòng vèo qua mấy con đường mới, cái đã có tên nhưng nhiều con đường chưa đặt tên, đến cái chợ truyền thống từ hồi còn là làng đông đúc xưa kia, có tên là chợ Bông Đỏ thuộc quận Hà Đông (Hà Nội). Chợ truyền thống của Việt Nam mình có cái khác lạ là nó giống như hình dáng của con bạch tuộc. Chợ chính thì như cái thân, còn xung quanh nó là những “chiếc vòi” vươn theo các con đường quanh đấy, không chỉ đầy đủ quầy quán mà còn cả những hàng dong bày bán lê la khắp hè đường.

Hôm nay là “ngày cách ly Chỉ thị 16” nên những “chiếc vòi” kia đã vơi hẳn. Có chăng chỉ là những quầy kệ bán ở trong nhà, có dây ngăn cách được chăng ngang từ gốc cây nọ đến gốc cây kia ở trước cửa. Người mua người bán lác đác. Tôi thầm nghĩ: “Hôm nay là ngày thứ 2 giãn cách, chắc mọi người đã tranh thủ tích trữ đồ thiết yếu từ những hôm trước rồi” và phóng xe vào chợ chính.

“Ồ, vẫn đầy ắp hàng, vẫn đủ các quầy kệ, người mua vừa phải, không có gì mới!”. 

Nhưng giá cả thì sao nhỉ? Tôi ghé xe (vâng, vì là chợ nửa phố nửa làng nên xe máy vẫn hồn nhiên như vậy) vào quầy bán gà vịt mổ sẵn:

- Gà bán thế nào đấy chị?

- Ông mua con này đi, gà ta đấy, chín mươi! 

- Cho tôi nửa con.

- Gà ta có hơn một cân một con, nay bán nửa con thì không bán được, ông ạ. Hay con này, gà lai to hơn thì bán được nửa con, cũng chín mươi.

Thì ra giá cả vẫn như những ngày “bình thường cũ”, không có gì mới, gà ta mổ sẵn 90 nghìn đồng một ký lô, đâu có đắt hơn những hôm trước? Nhà thì có hai miệng ăn, nửa con gà to cũng xêm xêm với một con gà nhỏ nên tôi quyết định mua cả con cho nó “sang”.

Đi chợ mùa dịch
Ảnh sưu tầm.

Thế là biết sơ sơ tình hình chợ búa, giá cả của “ngày bình thường mới” rồi, tôi liền quay ra xem các nhà chức trách của ta “đuổi chợ” ở các vỉa hè đường bên ngoài chợ như thế nào?

Lúc này thì những người bán hàng rong đông hơn và người mua cũng đông hơn. Người bán thì vừa thu tiền, vừa giao hàng nhưng mắt vẫn dáo dác nhìn xuôi nhìn ngược. Tôi có ý định về làm bữa phở gà nên ghé qua thúng bún, bánh đặt sát tường một tiệm sửa chữa xe máy nửa đóng nửa mở.

- Chị cho tôi nửa cân bánh phở?

- Bác cứ đứng đấy, em đưa ra cho, nếu không bị phạt là chết đấy!

- Thế đã bị phạt lần nào chưa?

- Hôm nay thì chưa, người ta vừa đi qua, chỉ nhắc nhở thôi. Hôm qua em đã bị tịch thu một cái bàn rồi!

Thì ra thế, thảo nào hôm nay chị ta đã nhờ hẳn một cửa hàng sửa xe đã tạm nghỉ, để hàng họ trong đó cho đúng quy định, chỉ có thúng bún bánh đặt ngay sát cửa làm marketing, lúc có động thì chạy cũng tiện.

- Nửa cân giá bao nhiêu? 

- Bảy nghìn bác ạ!

- Hôm trước chỉ sáu nghìn mà? 

- Thì cái bàn bị thu của em cũng phải mua lại chứ, bác!

Ừ, cũng có lý! Tôi vui vẻ nhận nửa cân bánh phở và đi về./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top