Aa

Món ngon của ký ức

Thứ Năm, 10/12/2020 - 07:00

Lạ một điều, là cái thứ mình thích, cái thứ mình cho là ngon ấy, thì hai thằng con trai của mình nó… dửng dưng. Còn cái chúng nó thích, thì mình lại dửng dưng...

Có những món ăn, khi nào được ăn, thì mình đều thấy rất thích thú. Mà trong số ấy, chủ yếu là những thứ không cầu kỳ, phức tạp, kiểu như đuôi lợn luộc, chân gà luộc, bánh chưng rán, lòng lợn, tiết canh, tóp mỡ, thịt chó... Rồi có cả những món lạ lùng, rất ít người biết như mẳm cá, mẳm hén, bì trâu thái mỏng bóp thành nộm, canh bon, cá nướng của người Thái ở Tây Bắc nữa. Thích các món này, thì gặp bữa nào, dù giữa bao nhiêu sơn hào hải vị bày ra, mình cũng vẫn chọn nó đầu tiên.

Lạ một điều là cái thứ mình thích, cái thứ mình cho là ngon ấy, thì hai thằng con trai của mình nó… dửng dưng. Còn cái chúng nó thích thì mình lại dửng dưng, như thịt bò hầm khoai tây ăn với bánh mì, cá hồi sống, thậm chí chúng còn kẹp ngay với bánh mì mà ăn ngon lành, rồi bơ, phomat, pate… Thành ra, hễ cứ khi nào mình đi đâu vắng nhà là mấy mẹ con lại làm những món này để thích thú ăn với nhau. Khi nào mình ở nhà thì không như thế…

Ngẫm nghĩ, tại sao vậy nhỉ? Con trai mà ăn uống ít giống cha thì ra làm sao? Nghĩ mãi, rồi bỗng à lên một tiếng. Đấy là do ký ức! Đấy là những món ngon gắn bó trong ký ức của mình.

Ngày trước, mình là con trai cả, một đàn em lít nhít. Nhà nuôi con lợn, mình là chủ lực trong việc kiếm rau, thái chuối, bắc cám, cho nó ăn. Mãi nó mới lớn và gặp dịp thì làm thịt, đụng chung mấy nhà chia nhau ăn. Vì mình có công nuôi con lợn nhất nên khi mổ nó thì được lấy cái bong bóng mà thổi làm đồ chơi. 

Bộ lòng, khấu đuôi luộc lên để chia chung cùng nước sốt cho các nhà đụng lợn. Khi vớt ra, mình được bố cắt cho cái đuôi, nhưng chỉ một đoạn thôi, chứ chả cắt một cụm rộng vào thân con lợn như bây giờ. Chặt mỏng ra, chia cho mấy em mỗi đứa một chút xíu, còn lại là mình. Sau đó vào bữa, thì được thêm một thìa tiết canh, mấy miếng lòng. Đến khi mẹ rán mỡ cho vào liễn cất đi, thì vốc được vốc tóp mỡ. Ôi trời ơi, thứ nào cũng ngon ngọt đã đời luôn…

Thịt gà thì cũng thế. Mấy khi có dịp nhà thịt gà. Thường vào dịp đó, mình được cho cặp chân, một cái vặt các ngón chia cho bọn em, còn mình làm riêng một cái. Nhai cho đến tan vụn cả xương rồi nuốt hết, chứ không gặm trớt trát như bây giờ.

Bánh chung và thịt chó, thì cả năm mới được xơi một, hai lần, và ngon mãi cho đến khi được dịp ăn ngon một cỗ khác…

Mấy món ăn của người Thái mình được ăn hồi là cậu trai mới lớn, xin bố mẹ cho đi chơi một đợt, lang thang dọc các bản ven sông Đà, tìm vào những nhà người Thái quen cũ của bố mà kiếm chỗ ngủ, cái ăn. Các món ấy đều được ăn khi đã đói vã ra rồi. Và thực chất, nó cũng ngon, cũng lạ, lại được ăn đúng vào lúc đói ngấu, rồi rất ít khi được ăn lại, vì thế mà cứ găm mãi vào ký ức…

Giò chả truyền thống sẽ còn tồn tại trong ẩm thực lâu dài của người Việt.

Lớp trẻ thời nay đã khác hẳn. Anh con trai đầu sinh ra trong thời rất khó khăn thì còn có chút ăn giống bố. Anh thứ hai sinh ra lúc bố mẹ đã tương đối đàng hoàng. Vì thế mà chúng đâu có ký ức giống như bố. Ngay cái thứ quốc thực truyền thống, là bánh chưng, thì bọn trẻ bây giờ có náo nức chờ đợi cái cặp bánh nho nhỏ vớt ra đầu tiên sau một đêm thức trông đâu, mà rộn. Bọn trẻ đã từng đi học ở nước ngoài, nên chúng đã ăn khác, ăn giống Tây vào thời trẻ dễ thích nghi, nên bọn chúng hình thành một kiểu ký ức khác với mình…

Ký ức những năm tháng tuổi trẻ thường gắn bó bền vững với cả đời người. Ký ức làm nên tính cách, hình thành lối sống, trong đó có cả cách ăn uống và lựa chọn ẩm thực. Thế nên, nếu có chuyện thay đổi những thói quen nào đó, kể cả thói quen ăn uống, thì phải xuất hiện những ấn tượng mạnh mẽ tác động mới thay đổi được.

Cái món tiết canh lợn, bây giờ đã nhiều người sợ, chắc chắn rồi sẽ dần biến mất đi, là do những ca bệnh ghê sợ mà nó gây ra. Giờ, nếu có con lợn nuôi cực kỳ sạch, cực kỳ đảm bảo, cố làm món tiết canh để phục vụ khoái cảm ký ức trong ăn uống của mình, thì khi bưng lên là lại nhớ những hình ảnh đáng sợ của bệnh nhân gặp họa vì ăn tiết canh lợn được trên truyền thông, là bỗng dưng lại... ngại ngùng. 

Giờ, người ta nuôi chó cảnh nhiều, nuôi chó thì ít muốn ăn thịt chó nữa. Rồi có người đưa ra lời kêu gọi không ăn thịt chó, cũng có ít nhiều tác động. Mình đã đi Hàn Quốc, ăn bao nhiêu thịt chó ở đấy, nên vẫn còn cố cãi, là văn minh như họ thế mà vẫn xơi bình thường cơ mà. Dù vậy, mình tin rằng sẽ ít đi dần những người ăn thịt chó, chả cần phải kêu gọi nhiều… Còn một lý do nữa, giờ bệnh gout hoành hành ghê gớm, mấy ông có tuổi, mồm vẫn thích ních chả chó, dồi chó với rựa mận, mà đêm về, các cơn đau khớp tay, khớp chân nó hành cho, thì rồi dần dần cũng phải bỏ thôi...

Vậy thì cũng phải thay đổi cách ứng xử với ký ức. Cái gì là ký ức mà không tạo nên những thói quen phù hợp với cuộc sống tốt đẹp mới thì không để cho nó chi phối mình nữa, dù có thể vẫn nhắc nhớ và tôn trọng nó!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top