Một người không bao giờ ganh tỵ hay tỵ hiềm với ai thì có lẽ cũng là không bình thường. Hoặc họ là người khiếm khuyết về tâm, sinh lý, không còn khả năng cảm nhận cuộc sống, hoặc là quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách của họ có vấn đề; hoặc họ mắc một chứng bệnh nan y như điên dại, mất trí nhớ, lạnh lẽo, vô cảm... Những người như vậy chưa thực sự là “người” với đầy đủ ý nghĩa mà tạo hóa sinh ra.
Người bình thường, ai ai cũng dễ mắc chứng tật ganh tỵ, cũng dễ có những tỵ hiềm. Trong quá trình sống và giao tiếp, những ai có học thức, nhân cách, biết kiềm chế, biến điều này thành động lực phấn đấu, không làm hại ai, không ngừng hoàn thiện bản thân thì dễ vươn lên thành những người có đóng góp, được xã hội tôn kính. Còn những người mắc chứng tật ganh tỵ trầm kha thì chính họ đã tự làm khổ cho chính mình.
Ganh tỵ, tỵ hiểm dễ nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, vì hơn kém về lợi ích cá nhân, về tài năng, địa vị, chức quyền, tiền bạc, thành tích, danh vọng, nếu không được kiềm chế, sẽ làm cho quan hệ người với người trở nên căng thẳng, mệt mỏi, làm rạn nứt tình bằng hữu và hủy hoại đời sống tinh thần. Trong tập thể có người mắc chứng tật này nặng thì cả một đám đông dễ phải sống trong tâm trạng nặng nề, mọi việc trở nên căng thẳng, thậm chí mất đoàn kết…
Người mắc chứng tật này cũng chẳng sung sướng gì. Họ luôn bị lòng hận thù dày vò. Họ luôn sống trong tâm lý căng thẳng, đau khổ, ngoài việc gây ra những nặng nề cho người thân, bạn bè. Chính họ chứ không phải ai khác, đã tự tước đi tình yêu thương, niềm hạnh phúc và một cuộc sống thanh thản, bình an của cuộc đời. Nguyên do cũng từ vô minh mà ra…
Thời Tam quốc diễn nghĩa, Chu Du là một tài năng quân sự, xưng hùng xưng bá xứ Đông Ngô, nhưng gặp Gia Cát Lượng mưu lược như thần, hơn hẳn Du một cái đầu, thì Du uất ức không chịu được. Du ngày này qua ngày khác dùng trăm phương nghìn kế, kéo bè kết cánh, tung tin thất thiệt, chia rẽ, nhưng không làm sao diệt được Gia Cát Lượng, mà còn chuốc lấy kết cục thảm bại. Du đứng giữa bãi chiến trường, chống gươm ngẩng mặt nhìn trời than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng?”, rồi hộc máu ra mà chết. Câu chuyện trên có lẽ là một câu chuyện bi thương nhất trong lịch sử nhân loại về lòng tỵ hiềm, ganh tỵ…
Chính vì hiểu rõ bản tính xấu xa của thói tật này nên các bậc quân vương xưa đã không ngừng trau dồi nhân cách và thông tuệ để vươn tới minh triết. Khi có được minh triết, con người mới đủ khả năng phân biệt đúng sai, nhận biết lẽ đời, đủ khả năng kiềm chế ganh tỵ và tỵ hiềm.
Lịch sử từng ghi nhận nhân cách của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn khi xưa. Ông vì việc lớn, vì quyền lợi của trăm họ mà dẹp bỏ thù riêng, nấu nước thơm tắm cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, vốn từ lâu mang lòng hiềm khích với ông, để cầu hiền, để cùng nhau lo việc lớn là chống ngoại xâm.
Lịch sử Trung Hoa cũng có câu chuyện Tương Như, xuất thân là môn khách, giúp Triệu Vương giao hảo với nước Tần nên được thăng chức cao hơn cả lão tướng quốc Liêm Pha. Vì việc này, Liêm Pha tức giận tuyên bố, nếu gặp Tương Như ở đâu sẽ làm nhục. Do đó, Tương Như đi đâu, làm gì, cũng tránh mặt Liêm Pha.
Có người chê Tương Như là hèn. Tương Như trả lời: Nước Triệu mạnh là có ta và lão tướng, nếu ta và lão tướng hiềm khích nhau thì nước Triệu mất. Ta vì đại cuộc mà bỏ thù riêng chứ đâu phải vì ta sợ lão tướng quốc... Liêm Pha nghe được thế, đã xấu hổ, tự mình cởi trần, cõng gai đến nhà Tương Như xin tạ tội…
Chuyện người xưa thì là như vậy.
Thật ra cuộc sống đâu chỉ có mỗi chuyện chức quyền và danh vọng, đâu chỉ được mất ăn thua, chuyện này chuyện nọ. Cuộc sống còn biết bao điều có ý nghĩa, bao điều hạnh phúc đích thực mà mỗi người bằng khả năng của mình phải tự cảm nhận và nỗ lực vươn tới. Một ngày qua là một ngày đã mất, sống mà ngày ngày, tháng tháng với bon chen ganh tỵ, thì phí lắm thay!